Trân Mai -
Cầm trên tay bộ sách gồm những quyển sách khổ lớn, màu sắc tươi tắn, hình vẽ đáng yêu, một độc giả loay hoay tìm giá bìa nhưng không thấy. Đó là bộ sách được sản xuất bởi Room to Read – tổ chức phát triển trẻ em, hoạt động phi lợi nhuận.
Một số sách tranh của Room to Read đã xuất bản.
Một trong những mục tiêu hoạt động của Room to Read (RtR) là xây dựng và phát triển thói quen đọc cho học sinh tiểu học, do đó sách tranh (picture book) là những ấn phẩm được tổ chức này tập trung đầu tư. Những ấn phẩm của RtR làm ra không để bán mà để tặng cho các thư viện ở vùng sâu vùng xa.
Một sự khác biệt ở các đầu sách của RtR so với các đầu sách cùng thể loại, là tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ, thể hiện ở cả về hình thức và nội dung sách. Để trẻ được tự do suy nghĩ và tưởng tượng, nội dung sách sẽ để câu chuyện dẫn dắt tự nhiên theo logic trẻ thơ, không gò bó khuôn phép hay áp đặt tư duy của người lớn lên con trẻ. Một đứa trẻ đang ngủ trưa có thể giong buồm ra khơi trên chiếc thuyền giấy, một chú trăn nuốt chửng trái bóng bay ở hội chợ và thế là kích thích óc tưởng tượng phong phú của đám trẻ, tha hồ suy đoán trăn đã nuốt ai: mèo, chó, heo…, một chú gấu bị kẹt ở cửa hang, hay chú hổ thợ may chăm chỉ may rất nhiều áo dài, đủ cho cả khu rừng mặc đón tết…
Khi đã đặt chân vào quyển sách, theo từng câu chuyện đó, các bé được thỏa sức để cho trí tưởng tượng bay xa mà không có rào cản nào. Do vậy RtR chú trọng vào hình thức thể hiện. Vì sao sách của RtR đa phần là ít chữ và tranh thật bắt mắt, được đầu tư rất kỹ?
Chuyên gia của dự án sách này cho biết những quyển sách đầu đời mà trẻ em nên đọc chính là những quyển sách kể truyện bằng tranh. Lời và tranh có vai trò như nhau, cùng hỗ trợ nhau để kể một câu chuyện. Thậm chí vai trò của tranh có lúc nổi trội hơn cả lời. Lời chỉ nhằm để khơi gợi người đọc trong hành trình đọc một câu chuyện bằng tranh. Hình ảnh, màu sắc đẹp, cộng với nội dung được kể bằng hình sẽ đưa độc giả nhí bay bổng trong thế giới sống động, kích thích tư duy và sự sáng tạo ở trẻ.
Những tác giả viết cho RtR hầu hết là tác giả trẻ. Ở họ, còn nguyên ký ức tươi đẹp về tuổi thơ của mình để gửi gắm nó vào tác phẩm. Họ cũng có đủ đầy sự sáng tạo và mơ mộng để thổi hồn vào những câu chuyện, khiến mỗi quyển sách là một cuộc phiêu lưu kỳ thú cho trẻ em về thế giới quanh mình.
Viết cho thiếu nhi phải có cái duyên, không phải tác giả nào cũng viết hoặc vẽ được. Đó là lý do mà không phải ngẫu nhiên các tác giả đều là những cây bút và họa sĩ chuyên viết, vẽ cho thiếu nhi. Họ biết rõ cần viết, vẽ với giọng điệu nào để các em đồng cảm được, cảm nhận được nhân vật và thế giới truyện đó thật gần gũi với mình. Các tác giả đủ nhạy cảm và tâm lý để dựng lên một vùng đất nên thơ và tràn đầy mơ mộng cho các độc giả nhỏ tuổi thỏa sức thả trí tưởng tượng của mình bay cao.
Đối với họ, sáng tác cho thiếu nhi giúp thư giãn, tìm được cân bằng trong cuộc sống, như họa sĩ trẻ Phạm Quang Phúc bày tỏ. Anh mong những câu chuyện của mình sẽ mang đến cho các em ước mơ tốt đẹp. Còn nữ họa sĩ Huỳnh Kim Liên, (người đã cùng Phùng Nguyên Quang đạt giải nhất trong cuộc thi Sáng tác truyện thiếu nhi châu Á năm 2015) thì luôn tin rằng, cô đang gieo những hạt mầm của trí tưởng tượng, tình yêu thương và sự tò mò với thế giới cho trẻ thơ. Với tác giả Trương Huỳnh Như Trân, viết cho thiếu nhi là cơ hội để cô lên một chuyến tàu ngược về quá khứ.
Vũ Thị Thùy Dung, người đã từng cộng tác lâu năm cho RtR, có tới 20 tác phẩm đã xuất bản thì khá kín tiếng. Cô chỉ lặng lẽ viết và vẽ (Dung vừa viết lời, vừa tự vẽ minh họa cho truyện của mình). Nhưng những gì cô thể hiện trên trang sách đã thể hiện rõ nội tâm thơ trẻ. Với câu chữ trong sáng, ý tưởng ngộ nghĩnh, hình vẽ đáng yêu, truyện của Dung được đa số độc giả yêu mến.
Điều đó cho thấy, nhiều tác giả trẻ đã chọn RtR làm mảnh đất để dụng võ. Nhưng để ấn phẩm của mình đạt được chất lượng và đáp ứng tiêu chí đặt ra, RtR tổ chức hội thảo, tọa đàm hàng năm để quy tụ các họa sĩ và tác giả chuyên viết cho thiếu nhi. Tại những buổi tọa đàm này, các chuyên gia của RtR sẽ hướng dẫn cho nhóm tác giả cách kể một câu chuyện cho thiếu nhi như thế nào cho sinh động và hấp dẫn.
[box] Room to Read xuất phát từ ý tưởng làm sao cho học sinh nghèo có sách để đọc, khởi sự hoạt động một cách khiêm tốn tại Nepal từ năm 2000, mục đích là tặng sách cho trẻ em nghèo ở vùng nông thôn của đất nước nằm dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn.[/box]
Các giảng viên của RtR và học viên là các tác giả đã cùng làm việc cật lực suốt mấy ngày trời, tập trung phân tích kịch bản sau khi đã nắm lý thuyết. Tác giả phải luôn đặt mình vào vị trí của người đọc là trẻ em để có cách thể hiện phù hợp nhất. Tỉ mỉ, công phu và đúng tâm lý độc giả trẻ nên sách của RtR hiện nay được các nhà chuyên môn đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và cả ý nghĩa thiết thực với độc giả. Dù không được bán ra thị trường nhưng các đầu sách của RtR vẫn được nhiều người biết đến và được các phụ huynh săn tìm cho con mình đọc.
Câu hỏi đặt ra cho những người làm sách thiếu nhi: làm sách như RtR có khó không, và có khả thi về mặt lợi nhuận không? Câu trả lời là một bài tính nhiều ẩn số. Tuy nhiên, nếu người làm sách thật sự có tâm và quan tâm độc giả, khắc sẽ tìm thấy đáp số cho riêng mình. Và cách làm sách của RtR không phải là điều không thể học tập để thị trường sách khởi sắc từ những trang truyện sống động mà tổ chức này đã tiên phong cho trẻ em.