Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Làm sao để vui lòng khách đến…

Yên Minh-

Mấy ngày qua, làn sóng phản đối Grab và Uber của taxi truyền thống đã tăng nhiệt khi nhiều xe của các hãng taxi truyền thống tại Hà Nội và TPHCM được dán decal có nội dung phản đối loại hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử. Hành vi phản đối này buộc cơ quan quản lý phải can thiệp, cho rằng có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Một trong những nguyên nhân chính của làn sóng phản đối trên đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua là sự bùng nổ của xe hợp đồng điện tử như Grab và Uber đã gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu của các công ty taxi truyền thống và việc làm của các tài xế tại các hãng này, kể từ khi Bộ Giao thông Vận tải cho phép thực hiện thí điểm dự án xe hợp đồng điện tử đưới 9 chỗ ngồi từ 1-1-2016.

Doanh thu giảm, cạnh tranh khốc liệt buộc các hãng taxi truyền thống phải tinh gọn bộ máy hoạt động là không thể tránh khỏi và việc các tài xế của các công ty này phản đối Grab và Uber cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ sự xuất hiện của Grab và Uber ở thị trường Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của họ. Cần nhớ rằng điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở những thị trường có hai tên tuổi lớn thường được các chuyên gia, người tiêu dùng Việt Nam gọi là “taxi công nghệ” hay “taxi mới”.

Có thể nói, cuộc chiến giữa taxi truyền thống đối và Grab, Uber là chuyện riêng giữa các doanh nghiệp này với nhau, nhưng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng quan quan tâm hơn cả là tính hợp lý của giá cước và chất lượng dịch vụ mà họ nhận được.

Xét về khả năng cạnh tranh thì Grab và Uber đang vượt trội hơn các hãng taxi truyền thống do đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng muốn có thêm lựa chọn cho việc di chuyển và chính sách giá cước linh hoạt, nhất là việc đưa ra mức cước khuyến mãi hấp dẫn vào khung giờ thấp điểm mà các hãng taxi truyền thống không thể áp dụng do bị ràng buộc bởi các quy định hiện hành như lãnh đạo của các hãng taxi truyền thống đã chỉ ra. Ngoài ra, xe mới và sạch, việc minh bạch về giá cước và độ dài của hành trình (thể hiện trên ứng dụng trước khi khách nhấn nút gọi xe), thái độ phục vụ theo tiêu chí “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” của tài xế như nhiều người tiêu dùng phản ánh cũng là những điểm cộng cho “taxi công nghệ”.

Thực tế đã chứng minh cho sức hút của xe hợp đồng điện tử đối với người tiêu dùng tại Việt Nam khi đầu xe đăng ký chạy cho Grab và Uber tăng vọt tại các địa phương đã cho phép thí điểm dịch vụ xe hợp đồng điển tử này trong thời gian qua.

Tại buổi tọa đàm được tổ chức vào tháng 4-2017 tại TPHCM, Phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết số xe (dưới 9 chỗ ngồi) hợp đồng được sở cấp phù hiệu đã tăng từ hơn 9.400 xe vào tháng 8-2016 lên hơn 21.000 xe vào tháng 2-2017, so với quy hoạch taxi của thành phố là khoảng 11.000 xe.

Các hãng taxi truyền thống thường viện dẫn những quy định, đặc biệt là về giá cước, được cho là quá khắt khe với taxi truyền thống so với những quy định mềm hơn rất nhiều được áp dụng cho việc thí điểm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ điện tử phục vụ vận chuyển khách. Hiệp hội taxi TPHCM cũng đã gửi văn bản đến Sở Giao thông Vận tải địa phương để bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc thí điểm này với lý do điều này khiến taxi truyền thống khó cạnh tranh.

Ngày 9-10, báo tuoitre.vn dẫn lời ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho rằng việc dán khẩu hiệu trên các xe taxi của hãng gây ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố và có thể vi phạn luật cạnh tranh. Việc can thiệp của cơ quan chức năng là cần thiết để ngăn chặn một hành động được cho là có dấu hiệu “chơi xấu” đối thủ cạnh tranh trên thị trường do loại hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử như Grab và Uber đã được phép thực hiện thí điểm tại Việt Nam.

Về phía người tiêu dùng, việc dán khẩu hiệu phản đối của taxi truyền thống có thể bị xem như một hành động ngăn cản họ được tiếp cận, được hưởng những dịch vụ đáp ứng yêu cầu, phù hợp với túi tiền và thời gian họ muốn.

Hiện chưa thể đánh giá hết những tác động của Grab, Uber đến thị trường, kinh tế Việt Nam và người tiêu dùng, nhưng có thể khẳng định rằng xe hợp đồng điện tử đã đáp ứng được nhu cầu của một số lượng lớn người tiêu dùng Việt Nam. Các hãng taxi truyền thống thường nêu lý do vì cạnh tranh từ Grab, Uber nên họ phải cắt giảm nhân viên nhưng thực tế cũng cho thấy loại hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử cũng đã giúp tạo nhiều công ăn việc làm, tận dụng được số lượng lớn xe nhàn rỗi của các cá nhân, nguồn lực trong nền kinh tế chia sẻ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Cạnh tranh lành mạnh luôn được nhiều doanh nghiệp xem là động lực, sức ép tích cực thúc họ phải luôn tìm ra phương cách để cải tiến chất lượng dịch vụ, sản phẩm nhằm đáp ứng được nhu cầu đang thay đổi rất nhanh của người tiêu dùng hiện nay. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp thực hiện hiệu quả kế hoạch kinh doanh theo tinh thần “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” thì ắt sẽ thu hút được nhiều khách hàng và khách hàng chính là nhân tố giúp doanh nghiệp tồn tại, tăng nguồn thu, lợi nhuật và có thêm nguồn lực cho phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối