Đặng Đức (TPHCM) -
Trong những năm gần đây có rất nhiều ý kiến khác nhau về chuyện làm từ thiện. Theo tôi nghĩ, thay vì đặt vấn đề “Làm từ thiện để làm gì”, chúng ta hãy hỏi “Làm từ thiện như thế nào cho đúng?”.
Tôi có người bạn bị bệnh ung thư nhưng rất nhiệt tình trong hoạt động thiện nguyện. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, chị vẫn tranh thủ kêu gọi bạn bè gom góp tiền để giúp đỡ những bệnh nhân gặp khó khăn. Có người bệnh nhận được vài chục triệu đồng, có người chỉ được vài triệu nhưng chị bảo: “Hạnh phúc nhất là được làm những điều ý nghĩa cho người khác dù là rất nhỏ”. Tôi cũng từng đi làm từ thiện cùng nhóm thiện nguyện của chị bạn ở một số tỉnh miền núi. Có một người cha cứ khăng khăng đòi nhận tiền mặt thay vì nhận sách vở, quần áo cho đứa con, bởi lý do: “Cần tiền để đóng cho cháu đến trường”. Tất nhiên đó là một lý do chính đáng nếu như tôi không quay lại lần thứ ba để làm từ thiện và ngỡ ngàng phát hiện ra người cha ấy dùng tiền để uống rượu và đánh bạc.
Hiện nay, thường khi thấy kêu gọi từ thiện là mọi người nhiệt tình gửi tiền, chuyển khoản mặc dù chưa biết rõ nguồn gốc thông tin đó có chính xác không. Để rồi khi phát hiện ra có trường hợp gian dối, bị lợi dụng lòng tốt thì nhiều người tỏ ra có cái nhìn tiêu cực đối với chuyện từ thiện. Điều ấy cho thấy tầm quan trọng của việc xác nhận và tìm hiểu thông tin về người cần giúp đỡ từ những kênh thông tin chính thống, những cơ quan báo đài, tổ chức đáng tin cậy trước khi cùng chung tay giúp đỡ.
Trên thực tế, từ thiện là việc làm nhân đạo và mang nhiều ý nghĩa tích cực. Có người nói không ít tổ chức, cá nhân làm từ thiện chủ yếu với mục đích đánh bóng tên tuổi. Tôi cho rằng ý kiến này có phần cực đoan, tiêu cực và phiến diện. Bởi dù ở góc độ nào thì từ thiện vẫn là một việc làm tử tế. Bao đứa trẻ được đến trường, có sữa để uống, có áo ấm mặc vào mùa lạnh, bao nhiêu mảnh đời bất hạnh được giúp đỡ, bao nhiêu người bệnh được cứu chữa bằng những đồng tiền hảo tâm này.
Mục đích của từ thiện là tăng ý thức quan tâm đến những người xung quanh trong cộng đồng, liên kết những tấm lòng hảo tâm với những người có hoàn cảnh khó khăn. Ở đâu đấy trong xã hội này vẫn cần tấm lòng nhân đạo, những hành động nhường cơm sẻ áo. Làm từ thiện bằng nhiều cách và tùy vào từng đối tượng chứ không nhất thiết phải cho tiền, tặng quà. Đã có chuyện làm hay như vận động thanh niên tình nguyện mở các lớp học ngắn hạn về dạy chữ, dạy kỹ năng sống cho các em; lập quỹ mua đồ dùng, thuốc men, quần áo, hướng nghiệp về lâu dài…
Tôi cho rằng đối với những hoàn cảnh thiếu thốn tiền bạc, bệnh tật thì tặng tiền để họ chữa bệnh là hợp lý. Còn đối với những người khó khăn mà có sức khỏe thì nên tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn, tìm đầu ra để họ yên tâm canh tác, tránh tình trạng “no dồn đói góp”.
Từ thiện dù ở góc độ nào cũng đều mang tính nhân văn, vì vậy đừng vì sợ “thương nhầm” mà không dám sẻ chia, đừng vì một vài cá nhân lợi dụng từ thiện để “trục lợi” mà không vào cuộc chung tay chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Điều quan trọng là trước khi “rủ nhau lên đường” làm từ thiện, chúng ta nên tìm hiểu về người muốn giúp đỡ, rồi mới nên có quyết định làm gì cho họ. Bởi vì làm từ thiện là đem niềm vui cho người khác chứ không phải chỉ làm vì chúng ta.