Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Lấn cấn cách tính tải trọng xe

Kể từ khi việc siết tải trọng xe ngay từ lúc lấy hàng trong cảng được thực hiện hôm 24-9, rất nhiều doanh nghiệp vận tải tại TPHCM không thể lấy được hàng ra khỏi cảng để giao cho đối tác. Lý do là cảng chỉ dựa vào tải trọng hàng hóa trong giấy đăng kiểm, còn doanh nghiệp thì lại tính tải trọng theo thông tư.

Đúng với thông tư, sai với đăng kiểm

Một ngày đầu tháng 10 này, ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc Công ty Vận tải Kim Lợi Minh vẫn bức xúc khi gọi điện thoại phản ánh đến báo Sài Gòn Tiếp Thị về chuyện ông đã bỏ hai ngày để ra tận cảng Cát Lái (TPHCM) giải quyết những vướng mắc liên quan đến tải trọng xe. Qua điện thoại với phóng viên, ông nói: “Lái xe báo là cảng không cho lấy hàng vì khi xếp lên xe bị quá tải trọng. Trong khi trước đây, cũng xe đó lượng hàng như vậy mà không gặp vấn đề gì”.

Theo ông Khánh, cảng Cát Lái đã áp dụng việc kiểm soát tải trọng xe theo quy định mới từ ngày 24-9, đó là chỉ cho xếp hàng lên xe theo tải trọng được ghi trong giấy đăng kiểm xe. Trong khi đó, văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGTVT ngày 7-2-2014 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tính tải trọng theo trục thì xe của doanh nghiệp ông không chở quá tải. “Do không lấy được hàng để giao cho đối tác nên doanh nghiệp phải đôn đáo gọi điện thoại thông báo cho khách hàng về những sự cố để khách hàng tìm cách giải quyết và doanh nghiệp vận tải tránh bị phạt hợp đồng”, ông Khánh nói.

Cách tính tải trọng của doanh nghiệp hiện nay là dựa vào thông tư còn các cảng dựa vào giấy đăng kiểm. Ảnh: Anh Quân
Cách tính tải trọng của doanh nghiệp hiện nay là dựa vào thông tư còn các cảng dựa vào giấy đăng kiểm. Ảnh: Anh Quân

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho biết hiệp hội nhận được nhiều phản ánh của hội viên về tình trạng xe vào cảng mà không lấy được hàng. Theo ông Chung, việc kiểm tra tải trọng xe ngay tại cảng là đúng và cần phải thực hiện. Việc không lấy được hàng là do trước đây các doanh nghiệp trong nước thiết kế sơ mi rơ moóc không phù hợp với tải trọng cầu, đường nên khi siết kiểm tra tải trọng xe thì loại sơ mi rơ moóc sản xuất trước đây thường vi phạm về tải trọng.

Vừa qua, Bộ GTVT đã cho cải tạo sơ mi rơ moóc nhập khẩu, còn loại sản xuất trong nước thì không cho. Do vậy, hiện tại lượng sơ mi rơ moóc chưa được cải tạo khá lớn. “Những tồn tại của lịch sử chưa được giải quyết nên hiện nay doanh nghiệp sử dụng các sơ mi rơ moóc trước đây vẫn bị quá tải”, ông Chung nói.

Tại hội nghị đối thoại trực tuyến giữa doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển với Bộ GTVT diễn ra hôm 8-10 vừa qua, vấn đề được các doanh nghiệp thắc mắc nhiều nhất vẫn là việc kiểm soát tải trọng xe trong cảng. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cũng phản ánh nhiều doanh nghiệp thủy sản khi vận chuyển hàng đi các tỉnh thì không sao, nhưng khi về đến cảng Cát Lái thì lại bị quá tải, do cảng căn cứ vào giấy đăng kiểm của đầu kéo và rơ moóc riêng mà không căn cứ vào tổng trọng tải quy định tại các thông tư của Bộ GTVT. Ví dụ, xe sáu trục theo thông tư văn bản hợp nhất được chở tối đa 48 tấn, song giấy đăng kiểm lại cho thấp hơn rất nhiều.

Ông Đặng Thế Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, cho rằng tải trọng cho tham gia giao thông hiện nay thấp hơn nhiều so với thiết kế của xe. Điều này làm lãng phí đến sức chở của xe, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Tiếp tục gỡ vướng

Trước những ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Trần Kỳ Hình cho biết, các giá trị nêu trong quy định tại văn bản hợp nhất của Bộ GTVT là các giới hạn tối đa của xe theo tình trạng cầu, đường.

Theo ông Hình, không phải xe nào khi thiết kế cũng đạt tới tải trọng tối đa cho phép. Khi Cục Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận đăng kiểm là đã dựa vào kết cấu của từng xe để đưa ra khối lượng được chở phù hợp. Do vậy, không phải tất cả các xe giống nhau thì được chở khối lượng như nhau. Ở đây doanh nghiệp vẫn bị nhầm lẫn là xe nào cũng chở được tải trọng tối đa cho phép. Hơn nữa, tải trọng được ghi trong giấy đăng kiểm khác với các quy định của thông tư là do áp dụng văn bản tại các thời điểm khác nhau.

Tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp hôm 8-10, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, giải thích thêm, việc căn cứ vào giấy đăng kiểm để xếp hàng lên xe cũng giống như giấy khám sức khỏe. Ví dụ, hai người ở cùng độ tuổi khi khám sức khỏe, người khỏe mạnh cho gánh 100 kg còn người yếu thì chỉ cho gánh 50 kg. “Ở đây xe cũng vậy, việc cho chở bao nhiêu tấn là tùy thuộc vào tình trạng của chiếc xe khi đi đăng kiểm, vì vậy giấy đăng kiểm cũng giống như giấy khám sức khỏe, các cảng sẽ dựa vào đó để cho xếp hàng lên xe”, ông nói.

Ông Hùng cũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vào tháng 7-2014, Bộ GTVT đã cho phép điều chỉnh tăng tổng tải trọng tham gia giao thông lên 33 tấn đối với 3.465 xe kéo rơ moóc hai trục chở container và lên 38 tấn đối với 3.640 xe kéo rơ moóc ba trục chở container, với điều kiện không vượt quá tổng tải trọng thiết kế của xe. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 10-2014, mới chỉ có hơn 1.000 xe được cải tạo, các doanh nghiệp cứ để như cũ nên vẫn vi phạm tải trọng khi vào cảng. “Các doanh nghiệp nên cải tạo lại xe kéo rơ moóc để nâng tải trọng, nếu đã cải tạo rồi mà còn vướng mắc thì kiến nghị Bộ GTVT giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hùng khuyến cáo.

Lê Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối