Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Lấn cấn chuyện trả trước, trả sau

Chí Thịnh -

Thông tư 47/2017/TT-BTTTT, có hiệu lực từ ngày 1-3-2018, buộc các nhà mạng phải dừng khuyến mãi nạp thẻ 50% đối với thuê bao trả trước, xuống còn 20%. Một số người tiêu dùng đang được các nhà mạng khuyến khích chuyển sang thuê bao trả sau nhằm được hưởng mức khuyến mãi 50%, song nhiều người đang lấn cấn liệu chuyển qua thuê bao trả sau có lợi hơn không.

Một số người tiêu dùng đang được các nhà mạng khuyến khích chuyển sang thuê bao trả sau nhằm được hưởng mức khuyến mãi 50%, song nhiều người đang lấn cấn liệu chuyển qua thuê bao trả sau có lợi hơn không.

Cước phí rẻ hơn

Theo thông tin từ các nhà mạng, các thuê bao trả sau có cước phí cuộc gọi rẻ hơn trả trước. Ví dụ, một thuê bao MobiGold (trả sau) có cước gọi nội mạng là 880 đồng/phút, gọi ngoại mạng/liên mạng trong nước là 980 đồng/phút, nhắn tin trong nước từ 290-350 đồng/tin nhắn. Trong khi đó, một thuê bao trả trước MobiCard có cước gọi nội mạng là 1.180 đồng/phút, gọi ngoại mạng/liên mạng trong nước là 1.380 đồng/phút, nhắn tin nội/ngoại mạng thì bằng giá với thuê bao trả sau.

Tuy nhiên, để có được ưu đãi cước cuộc gọi này, thuê bao trả sau phải chịu cước thuê bao 49.000 đồng/tháng và thủ tục đăng ký cũng phức tạp hơn so với trả trước. Thuê bao trả sau phải ký hợp đồng với nhà mạng, cung cấp chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu (đối với cá nhân), nếu đăng ký khác tỉnh thành trên chứng minh nhân dân còn phải cung cấp hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú (KT3).

Trong khi đó, thủ tục đối với thuê bao trả trước lại đơn giản. Người dùng có thể ra cửa hàng mua bộ trả trước (kit) bao gồm SIM và phí hoà mạng (tùy bộ kit). Người đó cũng phải cung cấp giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu nhưng không cần ký hợp đồng. Tuỳ cửa hàng bán bộ hoà mạng, có nơi buộc phải khai báo vào phiếu cung cấp dịch vụ (thường là các điểm giao dịch của nhà mạng), còn phần lớn chỉ mua bộ kit về sử dụng.

Khi sử dụng dịch vụ di động trả sau, thông thường thuê bao hoà mạng mới sẽ trả phí 50.000-60.000 đồng/thuê bao (tuỳ nhà mạng) bao gồm tiền mua SIM + phí hoà mạng. Đối với các thuê bao trả trước khi chuyển sang trả sau sẽ được miễn phí hoà mạng, chỉ phải trả tiền mua SIM.

Trả sau hay trả trước?

Nếu xem xét về điều kiện sử dụng và ưu đãi khuyến mại trước đây (trước ngày 1-3 là 50%), nhiều người cho rằng dùng thuê bao trả trước “sướng” hơn. Với thuê bao trả trước, người dùng có thể kiểm soát được mức chi tiêu của mình (do phải nạp tiền vào tài khoản), dùng bao nhiêu nạp thẻ bấy nhiêu. Trong khi đó thuê bao trả sau do được “dùng trước trả sau” nên khó kiểm soát chi tiêu hàng tháng. Mặt khác, thuê bao trả trước thường được các nhà mạng mở các đợt khuyến mãi nạp thẻ (trước đây là 50%, từ ngày 1-3 chỉ còn 20%), còn thuê bao trả sau thì gần như chẳng bao giờ thấy khuyến mãi.

Ông Lê Quang, nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết ông sử dụng thuê bao trả sau nhiều năm nay “nhưng hầu như chẳng thấy khuyến mãi gì cả, lâu lâu mới được tặng quà nhân dịp sinh nhật. Trong khi đó, thuê bao trả trước lại được khuyến mãi liên tục”.

Khi được hỏi, nhiều thuê bao trả sau khác cũng khẳng định họ chẳng được khuyến mãi gì cả, ngoại trừ vài thứ quà tặng từ các nhà mạng nhân dịp lễ hay sinh nhật.

Với quy định mới, nhiều người đang phân vân có nên chuyển qua sử dụng dịch vụ di động trả sau hay không.Cũng có người cho rằng không cần thiết vì dùng trả trước có lợi hơn nếu như biết tận dụng mạng không dây Wi-Fi ở văn phòng công ty/cơ quan, Wi-Fi miễn phí ở các quán cafe, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn/resort…

Thực tế cho thấy, Wi-Fi miễn phí ngày càng phổ biến ở Việt Nam, nơi nào cũng có thể kết nối internet để thực hiện các cuộc gọi, nhắn tin miễn phí qua các ứng dụng nhắn tin/gọi điện như Skype, Viber, Zalo, Facebook Messenger… Do đó, người dùng có thể nói chuyện thoải mái bằng điện thoại thông minh (smartphone) mà không lo tài khoản trả trước bị hết tiền.

Gần đây, một vài nhà mạng đã tung ra dịch vụ di động trả sau không thu phí thuê bao tháng (49.000 đồng) như trước đây. Dịch vụ này bắt buộc phải kèm theo các gói cước ưu đãi cho cuộc gọi nội mạng, ngoại mạng (trong nước); khách hàng phải đăng ký hạn mức sử dụng dịch vụ (nhắn tin, gọi điện).

Tuy nhiên hiện nay, các nhà mạng chỉ cho phép khách hàng đăng ký hoà mạng mới đối với loại hình dịch vụ này hoặc thuê bao trả trước chuyển qua trả sau; còn thuê bao trả sau cũ không thể chuyển qua dịch vụ này. Vì thế, chẳng có thuê bao trả sau nào đã sử dụng di động 10-20 năm lại bỏ số cũ để chuyển qua số mới.

 “Tôi đã dùng dịch vụ trả sau của MobiFone gần 20 năm, và số điện thoại này dùng để liên hệ công việc. Do đó, dù có chuyển qua dịch vụ trả sau không thu phí thuê bao tháng, tôi cũng không thể bỏ số điện thoại đã gắn bó với mình lâu năm”, bà Mỹ Dung, nhà ở quận 7 cho biết.

Song cũng có người cho rằng có thể cân nhắc giải pháp hai SIM, một trả sau để nhận cuộc gọi, nhắn tin và một trả trước để kết nối internet qua các gói cước 3G/4G… Cách này giúp duy trì số điện thoại cũ, vốn đã quá quen thuộc với bạn bè, người thân và đối tác làm ăn, với phí thuê bao hàng tháng là 49.000 đồng. Mọi cuộc gọi, kết nối internet sẽ thông qua số điện thoại trả trước để tận dụng các chương trình khuyến mãi của các nhà mạng.

Những quy định khi đăng ký thuê bao trả trước

- Quy định về giấy tờ: Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân (CCCD) bản gốc và bản photo, có thời hạn sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

- Phí thanh toán khi hòa mạng: Phí hòa mạng ban đầu phụ thuộc theo từng bộ kit khác nhau (gói cước khác nhau).

- Số lượng thuê bao: Không giới hạn số lượng thuê bao mỗi cá nhân hay tổ chức đứng tên. Tuy nhiên, nếu chủ thuê bao có ba thuê bao trở xuống sẽ ký bản xác nhận thông tin thuê bao; nếu đăng ký từ thuê bao thứ 4 trở lên thì khách hàng sẽ ký hợp đồng sử dụng thuê bao (áp dụng với cá nhân và doanh nghiệp).

- Giấy tờ thay thế CMND/CCCD: Hộ chiếu phải còn thời hạn từ 6 tháng trở lên tính đến thời điểm hòa mạng (quản lý theo thông tin bao gồm số hộ chiếu, ngày sinh, ngày cấp, nơi cấp, quốc tịch).

- Khách hàng dùng hộ chiếu thay thế CMND sẽ nhập số CMND ghi trên hộ chiếu để đăng ký thông tin cá nhân cho khách hàng. Chủ thuê bao là cá nhân phải trực tiếp đến ký phiếu yêu cầu cung cấp dịch vụ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối