Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Lấn cấn dịch vụ đi chung xe

Nguyên Khôi -  

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản yêu cầu Uber và Grab không thực hiện dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng. Hiện có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định này, cho rằng việc cấm dịch vụ đi xe chung là không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Nếu bất tiện, người tiêu dùng sẽ tẩy chay

IMG_0553

Nhiều người cho rằng, việc cấm dịch vụ đi xe chung là không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.  Ảnh: Đức Duy

Căn cứ để Bộ GTVT ban hành quy định này là Thông tư 63/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng vận chuyển khách.

Theo quan điểm của Bộ GTVT, khi hành khách gọi xe Grab hay Uber nghĩa là đã ký giao kết điện tử trọn gói cả chuyến xe, không phải chỉ là thuê chỗ ngồi. Và như vậy, nếu đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác (đi chung xe) sẽ gây bất tiện cho hành khách.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, việc Bộ GTVT ban hành quy định cấm dịch vụ đi chung xe là chưa hợp lý khi đối chiếu các quy định pháp luật.

Theo luật sư Trương Xuân Tám (Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát triển kinh tế tài chính Liên đoàn luật sư Việt Nam), Bộ GTVT đã can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông, với bất cứ hình thức kinh doanh nào phù hợp quy định pháp luật, giá cả hợp lý, khách hàng chấp nhận chắc chắn sẽ tồn tại. Nếu đi ngược lại quy luật trên, mô hình kinh doanh đó sẽ bị đào thải.

“Trong trường hợp này, nếu dịch vụ đi chung xe được tổ chức tốt, tiện lợi, giá mềm, khách hàng không thấy phiền phức thì không có lý do gì cấm”, luật sư Tám cho biết.

Bàn về tính pháp lý của quy định trên, luật sư Tám cho rằng cá nhân, tổ chức được quyền tự do kinh doanh với các hình thức kinh doanh mà pháp luật không cấm. Và cũng chưa có văn bản pháp luật nào cấm hình thức kinh doanh chở nhiều người trên cùng một xe hợp đồng.

“Luật Giao thông đường bộ chỉ giới hạn số người trên một phương tiện. Ví dụ xe 5 chỗ ngồi nhưng chở 7-8 người là phạm luật và bị xử phạt hành chính về lỗi chở quá số người quy định”, luật sư Tám nói.

Còn theo luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum), Bộ GTVT ban hành quy định không thực hiện dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng là trái quy luật thị trường. Theo ông Chung, Bộ GTVT cho rằng đi chung xe gây bất tiện cho hành khách là chưa thuyết phục. “Nếu hành khách cảm thấy bất tiện thì họ có quyền từ chối thực hiện hợp đồng, vì đây là thỏa thuận dân sự dựa trên sự đồng thuận của hai bên, không ai có quyền ép buộc. Trường hợp loại hình vận tải này bất tiện, người tiêu dùng sẽ tẩy chay”.

Nên xét những tiện ích

Theo ông Chung, việc đi chung xe có những tiện ích nhất định. Trước hết, theo nguyên tắc chia đôi có thể tiết kiệm cho người dùng 40-50% chi phí đi lại. Như vậy, thực hiện dịch vụ này sẽ có lợi cho người tiêu dùng nhỏ lẻ nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Thực tế các nước phát triển như Anh, Mỹ đã áp dụng hình thức đi chung xe, chung đường từ lâu và có hiệu quả.

Ngoài ra, việc đi chung xe còn góp phần hạn chế số lượng xe “không tải” trên đường. Bởi vì, cùng một điểm đến chỉ cần một xe thay vì phải có nhiều xe đón khách trên cùng một chặng đường. Điều này phần nào giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm khí thải môi trường, tài nguyên, vật chất của xã hội được sử dụng hiệu quả hơn.

Một số ý kiến cũng cho rằng, việc cấm đi chung xe xuất phát từ mối lo ngại sự lớn mạnh của loại hình vận tải này sẽ gây sức ép cho các hãng taxi truyền thống. Vì loại hình vận chuyển như Grab hay Uber giúp người dùng chỉ cần gọi taxi qua ứng dụng di động, biết trước hành trình và số tiền phải trả. Hình thức này mới mẻ, tiến bộ hơn so với cách gọi điện đặt xe của các hãng taxi truyền thống, chờ đợi.

[box type="download"] Hiến pháp 2013 đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh là một trong trong những quyền cơ bản của công dân. Điều 33 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện qua quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, quyền tự do lựa chọn mô hình kinh doanh, lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế, quyền tự do hợp đồng, quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp...

Thể chế hóa tinh thần Hiến pháp 2013, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đều có những quy định, theo đó, tạo mọi điều kiện để công dân, tổ chức được mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan chức năng khi muốn cấm bất cứ loại hình kinh doanh nào đều phải căn cứ trên hệ thống pháp luật một cách minh bạch.[/box]

Nhiều người cho rằng, cạnh tranh là để phát triển, do đó cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho loại hình vận tải mới này hoạt động. Nó đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân, cho sự phát triển chung của cộng đồng. Không thể vì ảnh hưởng đến lợi ích của bộ phận doanh nghiệp khác mà có những quy định cấm đoán mang tính “triệt hạ”, đi ngược lại quy luật khách quan.

Cũng theo các chuyên gia pháp lý, nếu cơ quan chức năng lo ngại việc đi chung xe sẽ không đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho khách, dẫn đến việc cấm hình thức này hoạt động, thì việc cấm đoán này là không có cơ sở rõ ràng. Bất kỳ loại hình vận tải nào, như xe khách, taxi truyền thống, thậm chí xe ôm… cũng đều tiềm ẩn những rủi ro này, không riêng gì Grab hay Uber. Điều cơ quan chức năng cần làm là nghiên cứu đưa ra những quy định quản lý phù hợp đặc điểm của loại hình vận chuyển hành khách mới mẻ này, không phải là cấm đoán không có căn cứ như hiện nay.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối