Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Lận đận cà phê lon

Xuất hiện trên thị trường đến nay đã trên dưới bảy năm và được hậu thuẫn bằng nhiều chiến dịch quảng bá rầm rộ, thế nhưng sản phẩm cà phê lon dường như vẫn còn khá mới mẻ đối với người tiêu dùng. Đâu là lý do khiến một sản phẩm tiện dụng như vậy chưa thể cạnh tranh nổi với ly cà phê phin truyền thống hiện nay.

Anh Tuấn, kỹ sư công nghệ thông tin của một doanh nghiệp Nhật Bản có trụ sở tại Hà Nội, kể hồi còn là du học sinh ở Mỹ, anh thường xuyên uống cà phê lon, một phần vì tiện dụng, một phần vì giá cả phải chăng, phù hợp với những người không có nhiều thời gian như anh. Thế nhưng, kể từ khi về Việt Nam sinh sống, Anh Tuấn đã bỏ cà phê lon, quay lại với ly cà phê phin truyền thống của người Việt.

Giải thích lý do này, Anh Tuấn cho rằng ở Việt Nam, quán cà phê mọc ở khắp các ngõ ngách trong thành phố, không giống như ở Mỹ. Hương vị cà phê ở các quán này cũng ngon nên anh đã bỏ thói quen uống cà phê lon kiểu Tây. Hơn nữa, nhịp sống ở Việt Nam cũng thong thả hơn so với ở Mỹ, nên nhâm nhi tách cà phê phin là lựa chọn của anh chàng kỹ sư này.

Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, một chuyên gia về cà phê, phần đông người Việt vẫn thích thưởng thức cà phê rang xay hơn là cà phê lon. Ảnh: Thùy Dung
Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, một chuyên gia về cà phê, phần đông người Việt vẫn thích thưởng thức cà phê rang xay hơn là cà phê lon. Ảnh: Thùy Dung

Với người không đi du học nước ngoài như Tuấn Cường thì việc không chọn cà phê lon đơn thuần chỉ là không hợp khẩu vị. Là nhân viên kinh doanh của một hãng điện tử, Tuấn Cường đến quán cà phê nhiều khi không hẳn để thưởng thức cà phê, mà đó còn là địa điểm để gặp gỡ khách hàng thương thảo hợp đồng và cả bạn bè. Với Tuấn Cường, uống cà phê cần không gian, thời gian và cả tâm trạng nên việc đóng gói cà phê ở dạng lon giống như sữa, nước ngọt hay nước ép trái cây không còn ngon.

Trên thị trường hiện nay có một số thương hiệu cà phê lon. Chẳng hạn, cà phê đóng lon Birdy của hãng Ajinomoto, sản phẩm đã có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2008. Sau đó một năm, thương hiệu Nestle cũng cho ra mắt dòng sản phẩm cà phê đóng lon đầu tiên của mình, kèm theo chương trình uống thử 100.000 lon miễn phí tại các khu tập trung đông người như trung tâm thương mại, trường đại học, siêu thị...

Vinamilk cũng muốn giành thị phần khi tham gia vào lĩnh vực “tay trái” với khoản đầu từ 20 triệu đô la Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm cà phê, trong đó có cà phê lon. Hay như gần đây, các loại cà phê lon và cà phê tươi của các thương hiệu nổi tiếng như Trung Nguyên, Highlands, Starbucks, Dao Coffee hay Nature cũng lần lượt trình làng những dòng sản phẩm của mình.

Tại một số siêu thị, giá bán của các loại cà phê này dao động 9.200-13.200 đồng/lon, tùy loại. Còn tại các chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hoá lớn, cà phê lon được bày bán không nhiều. Chị Kim Thoa, chủ cửa hàng tạp hoá lớn ở chợ Hoa Đỏ tại quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết các sản phẩm cà phê lon bán rất chậm nên chị đã không còn lấy sản phẩm này về bán nữa.

Tìm thị trường ngách

Ông Đoàn Triệu Nhạn, một chuyên gia lâu năm trong ngành cà phê, cho rằng người Việt thường có xu hướng thưởng thức cà phê rang xay nguyên chất vì có vị đậm đà. Trong khi đó, cà phê lon chưa đáp ứng được khẩu vị của nhiều người.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- ca cao Việt Nam (Vicofa), cũng cùng nhận định, cho rằng cà phê lon rất thịnh hành ở các nước, đặc biệt là các nước phát triển vì thói quen của họ là uống các loại cà phê uống liền, mang đi (take away), hoặc uống tại chỗ để tận dụng thời gian chứ không ngồi chờ từng giọt cà phê phin như ở Việt Nam. Hơn nữa, chi phí sản xuất cà phê lon khá cao do phải đầu tư dây chuyền sản xuất và đóng gói.

Hiện vẫn chưa có con số thống kê về thị phần tiêu dùng cà phê lon tại Việt Nam; song theo ông Vinh, các doanh nghiệp trong hiệp hội chủ yếu sản xuất cà phê rang xay phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng cà phê phin trong nước. Các loại cà phê khác chỉ chiếm khoảng 7% thị phần, trong đó có cà phê lon.

Mặc dù chiếm thị phần nhỏ, một số doanh nghiệp vẫn muốn đầu tư sản xuất cà phê lon, nhắm vào nhóm khách hàng trẻ tuổi muốn thưởng thức cái mới và những người chơi thể thao cần sự tiện lợi. Ông Vinh của Vicofa cho biết một vài doanh nghiệp trong hiệp hội đang manh nha ý định nhảy sang lĩnh vực này vì thấy đây vẫn là xu hướng tiêu dùng trong tương lai.

Ông Đinh Văn Hương, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xây dựng có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết mỗi ngày ông vẫn uống đủ ba lon cà phê. Với ông, cà phê lon chất lượng ổn định, có thể mang đi bất cứ đâu nên rất tiện dụng. Song, ông thầu xây dựng này cho rằng nếu các nhà sản xuất chú trọng hơn tới khẩu vị của người Việt thì sản phẩm sẽ có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Thuỳ Dung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối