Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Lần đầu ra mắt Bộ chỉ số môi trường làm phim

(SGTT) - Trong khuôn khổ chương trình Điện ảnh với Phú Yên, ngày 16-11-2023, tại TP Tuy Hòa đã diễn ra Hội thảo Quốc tế Xây dựng Bộ chỉ số môi trường làm phim (Production Attraction Index-PAI), gắn với phát triển kinh tế xã hội từ thực tế Phú Yên. Năm 2023, năm đầu tiên áp dụng chỉ số PAI, đã có 10 địa phương tham gia và tỉnh Phú Yên đang dẫn đầu về chỉ số này.

Lần đầu tiên công bố PAI

Phương pháp xây dựng PAI. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Chỉ số PAI do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam xây dựng, công bố và triển khai thí điểm, đánh giá sự quan tâm của các tỉnh, thành phố và nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương, mở cánh cửa mời gọi các đoàn làm phim đến với địa phương mình.

PAI được xây dựng nhằm giải quyết các nhu cầu thiết yếu của hoạt động sản xuất phim, bao gồm năm thành phần chính, những yếu tố này đại diện cho “ngôi sao năm cánh” dẫn lối các nhà làm phim đến các địa điểm quay phim còn chưa được khám phá , gồm 5 nội dung là hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ thực địa, hỗ trợ thủ tục pháp lý và cơ sở hạ tầng sẵn có.

PAI giúp chính quyền địa phương tìm hiểu và điều chỉnh các chính sách, hành động của mình phù hợp với nhu cầu và năng lực cụ thể của địa phương trong nỗ lực thu hút các đoàn làm phim một cách hiệu quả nhất; từ đó góp phần tạo việc làm, thúc đẩy ngành du lịch, và phát triển kinh tế địa phương. Bộ nhận diện bộ chỉ số PAI giúp hướng dẫn các địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn cho hoạt động sản xuất phim và du lịch.

Giao diện của bộ chỉ số với 10 địa phương đầu tiên tham gia sau công bố tại Phú Yên. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Sự hào hứng của các nhà sản xuất, đạo diễn phim

Đạo diễn Quang Dũng cho biết, phim Đất rừng phương Nam với kinh phí hơn 40 tỉ đồng, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của các tỉnh miền Tây Nam Bộ đoàn phim chọn ghi hình, kinh phí chắc còn tăng thêm nhiều tỉ đồng. Có bộ chỉ số PAI thì cầu nối giữa địa phương với điện ảnh sẽ chuyên nghiệp hơn. Có PAI, địa phương sẽ ý thức hơn, trách nhiệm hơn, vừa hiểu công việc của đoàn làm phim, vừa biết được hiệu quả nhiều mặt mang lại cho địa phương sau khi phim ra rạp. Khi chúng tôi làm phim ở nước ngoài cũng không dễ, mọi thứ đều rất rõ ràng. PAI còn rất có ý nghĩa đối với các đoàn phim nước ngoài khi họ không có các mối quan hệ nào ở địa phương khi họ đến Việt Nam làm phim.

Các nhà làm phim, đạo diễn thảo luận về bộ chỉ số PAI.

Ông Nguyễn Trinh Hoan, người sáng lập Công ty CP Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film) đang chuẩn bị bấm máy tại Phú Yên bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), chia sẻ khi Hiệp hội Xúc tiến Điện ảnh Việt Nam giới thiệu HK Film quay ở Phú Yên, anh nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt thành của chính quyền và người dân nơi đây. Phim có nhiều bối cảnh, đạo cụ từ thập niên 90 của thế kỷ trước cơ bản đều đáp ứng theo yêu cầu kịch bản (phương tiện, thiết bị làm mưa, chiếc máy chiếu phim ngoài trời, chiếc xe khách Hải Âu, ngôi trường, bệnh xá từ năm 1987…).

Hơn nữa, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh đã đưa đoàn làm phim tìm được những “lợi điểm” của Phú Yên như ngôi làng có kiến trúc đồng nhất giữa cánh đồng, rất phù hợp với kiến trúc thập niên 90, các địa phương khác giờ không còn. Qua đó, đoàn làm phim sẽ truyền thông lại cho địa phương để phát triển du lịch như quyền lợi của nhà tài trợ. Chính đoàn làm phim sẽ chấm điểm PAI cho từng địa phương.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết, sau 20 năm làm phim, anh luôn chờ đợi bộ chỉ số này, vì mong muốn mọi thứ đều mạch lạc. Dự án phim của anh sắp làm quay tại 5 tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội và Nam Định. Anh rất lo lắng vì làm việc với nhiều địa phương, trong khi thông tin mọi thứ thì còn mù mờ, khái toán rất khó khăn. Bộ chỉ số sẽ tạo sức cạnh tranh rất lớn không chỉ đối với các đoàn phim trong nước, mà cả ngoài nước.

Danh thắng Hòn Yến của Phú Yên nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Lê

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, chia sẻ Ấn Độ là một trong những quốc gia sản xuất nhiều phim truyện hàng năm, không chỉ sản xuất trong nước mà còn sản xuất cả ở nước ngoài. Vì vậy, đây là cơ hội cho Phú Yên. Hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ cũng đã có kế hoạch bay thẳng đến Việt Nam, nhiều khách du lịch Ấn Độ cũng đã đi du lịch Phú Yên và rất thích thú với cảnh sắc nơi đây. Sắp tới, điện ảnh Ấn Độ có một số bộ phim sẽ quay tại Việt Nam, các bạn sẽ thấy nó tác động như thế nào đối với du lịch tại các địa phương có bối cảnh quay.

Ông Ming Pan, đồng sáng lập, điều hành Mixel Media.com, đồng thời là Giám đốc sáng tạo, Giám đốc Nghệ thuật tại Hollywood, nói "Tôi rất vinh dự được tham dự sự kiện Điện ảnh với Phú Yên. Tôi muốn làm một bộ phim về vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam. Bên cạnh việc giảm thuế, nhiều quốc gia còn nhiều sáng kiến hỗ trợ các nhà làm phim và hiệu quả du lịch tăng đến 40%. Tại Mỹ, các bang đều có chính sách khác nhau cho các đoàn làm phim, từ thủ tục giấy phép quay phim, miễn phí bối cảnh, thuế… Công viên phim trường cũng là mô hình Việt Nam nên quan tâm đầu tư để thu hút các nhà làm phim đến với từng địa phương".

Mục tiêu chính của PAI là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền, địa phương khác nhau của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất phim. Thông qua PAI, Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam mong muốn khai thác thế mạnh của từng địa phương, giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp, con người Việt Nam. PAI không chỉ là một chỉ số, nó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến nhiều vùng đất của Việt Nam với dư địa cho hoạt động điện ảnh còn rất to lớn.

Trần Thanh Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối