Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Lần theo vệt Tết…

(SGTT) - Bà cụ ngồi trên chiếc ghế mây đặt trước hiên nhà ngó theo đứa cháu gái đang cậy cục kiếm một lý do nào đó đủ hợp lý để rời khỏi nhà dịp Tết. Mỗi lần nhắc đến một chuyến đi nào đó con nhỏ thường say mê, chìm đắm quên cả chảo mứt táo đang ngào đường trên bếp, hay nồi cá kho đã cạn nước từ lâu.
Ảnh: Nguyên Phong

Nó nói làm việc quần quật cả năm, Tết là để nghỉ ngơi, đi chơi đâu đó. Nó nói về những cung đường Tây Bắc nở trắng hoa mận, hoa mơ. Trên cái cây trụi lá ven đường, người ta phải thổn thức trước những quả hồng chín đỏ như hòn than thắp lên trong mờ ảo sương trời. Mà thật ra cũng không rõ đó là sương hay là mây đổ từ đỉnh trời xuống nữa. Con nhỏ nói vậy, mắt nó mơ màng như vẫn còn dính chặt vào chiếc váy hoa nào đó người ta phơi cạnh hàng rào.

“Nội biết không, nếu trở lại con sẽ ướm thử vào một đôi giày hoa nào đó được bày bán trong phiên chợ, nhỡ đâu vừa”.

“Để nó đi”, bà cụ buông mấy lời như thế trước sự can ngăn của cả nhà.

“Thì con đâu có cấm nó đi. Chẳng phải nó đã đi cả năm dài đấy hay sao. Chỉ còn vài ngày Tết để quây quần, sao nó còn đòi đi nữa?”.

Lúc người mẹ nói câu đó thì con nhỏ đã tưng tửng kéo va li qua khúc cua ở cổng. “Không nhanh sao mà kịp, Tết mà. Xe chuyến nào cũng lèn người chặt cứng”. Họ đi đâu mà đông thế không biết? Con nhỏ nghĩ thầm trong bụng, nó đâu biết thật ra thiên hạ chen chúc để trở về…

* * *

Nhà ba thế hệ, bà cụ cả đời chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng. Cuộc đời chỉ quẩn quanh theo vòng quay vạn vật: xuân, hạ, thu, đông. Mùa nào lo việc mùa đấy, không có thời gian để nghĩ chuyện đẩu đâu. Một năm biết bao nhiêu giỗ Tết, xòe hai tay để đếm còn chưa đủ nữa là. Nhưng riêng Tết cổ truyền là vất vả nhất trong năm. Đâu phải còn vài ba ngày Tết mới tất bật mua sắm lấp cho đủ những chỗ trống trong nhà như bây giờ.

Thời của bà Tết năm sau có khi được chuẩn bị ngay từ khi Tết này vừa kết thúc. Bằng việc bà cất đi nắm hạt giống hoa sao nhái để dành gieo vào đúng độ xuân về. Bát canh măng ngày Tết cũng chắt chiu từ cái nắng tháng Sáu, tháng Bảy phơi trên mảnh sân nhà. Cắt miếng bánh chưng xanh thương hạt gạo từ vụ mùa tháng Chín. Con gà trống cúng giao thừa để dành cũng đã lâu. Miếng mứt gừng ấm ran trong khoang miệng khách, thật ra bà cụ đã vun trồng từ nhiều tháng trước. Không có thứ gì là sẵn cả. Ngay cả những cảm xúc trong đầu còn phải chắt chiu, dành dụm nữa là.

* * *

Đến thời của con dâu bà chắc ít nhiều cũng từng nghĩ về những chuyến đi. Đấy là khi ngồi bó gối cời than trong căn bếp tối om, chờ cuộc rượu trên nhà xong xuôi còn dọn dẹp. Những cuộc rượu ồn ã từ mờ sáng đến tận khi nhìn phía nào cũng thấy mịt mùng. Lúc dọn dẹp đến rã rời tay chân, ngoảnh vào nhà thấy gã chồng lăn quay ra ngủ, hơi thở phả ra toàn mùi rượu thịt. Nếu không vì mấy đứa nhỏ ríu rít đếm tiền lì xì, vui mừng khoe nhau manh áo mới thì có thể người đàn bà thuộc thế hệ thứ hai đã ra đi.

Ngay lúc nhìn con nhỏ kéo va li hăm hở rời nhà, người đàn bà ấy chua chát nghĩ “mình đã bấu víu ở đây cả một đời vì chúng. Nhưng cuối cùng những đứa con lại rời bỏ mình đi”.

Bà cụ đọc được thông điệp của những tiếng thở dài nên gõ gõ chiếc gậy xuống sân, thong thả bảo: “Đi chán rồi nó sẽ trở về”.

Đâu ai buộc chân được những ngọn gió trời. Chẳng phải biết bao nhiêu người trẻ ngoài kia cũng vậy thôi. Một nửa đời khao khát được đi, một nửa đời thiết tha được trở về.

Người mẹ không biết rõ con nhỏ cứ nằng nặc bỏ đi có thật sự vì bị thu hút bởi thế giới ở ngoài kia. Hay là vì con nhỏ chỉ đơn thuần muốn chạy trốn khỏi sự trói buộc những người đàn bà trong căn bếp Tết.

Bà cụ nhận ra rằng Tết của tụi nhỏ là những gì vui nhộn, đẹp đẽ, sống động diễn ra ngay trước mắt. Có đôi khi chúng cuồng say đến mức ngắt hoa cầm trên tay vẫn còn sợ mình yêu chưa đủ, muốn hương sắc kia phải quện chặt vào từng hơi thở của mình. Còn Tết của những người như bà nó kéo dài thành từng vệt nhớ. Nó là những dư âm ký ức còn sót lại sau năm tháng thăng trầm, quên quên, nhớ nhớ. Cũng chính vì lẽ đó bà cụ để con nhỏ rời đi. Bà thật lòng mong rằng sau này khi ngồi dưới mái hiên nhà, lần theo vệt Tết của mình, con nhỏ sẽ thấy được hồi ức rực rỡ của tự do…

Vũ Thị Huyền Trang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối