(SGTTO) - Gò Cỏ là tên của một ngôi làng cổ Chăm Pa nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi chừng 60km về phía Nam. Làng tuy nhỏ nhưng ẩn chứa nhiều giá trị đặc trưng của văn hóa Chăm Pa và Đại Việt. Ngoài thiên nhiên, sản vật, di tích văn hóa, di sản địa chất; con người và câu chuyện nơi đây sẽ là điểm nhấn sáng giá trong nhật ký hành trình.

Gò Cỏ nằm gọn trong một “thung lũng” ven biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Vì địa hình đồi núi, hơi khó tiếp cận, nên cảnh quan thiên nhiên và làng mạc còn giữ được nét hoang sơ, làm du khách phải xao lòng trong mỗi chuyến thưởng lãm.

Làng cổ Chăm Pa

Gò Cỏ tưởng chừng chỉ là tên gọi một ngôi làng mộc mạc, thân thuộc với mỗi người con nơi quê hương xứ sở, nhưng gần đây, làng được du khách trong ngoài nước biết đến với đủ đầy các giá trị di sản.

Bờ biển làng Gò Cỏ nhìn từ trên cao. Ảnh: Marcus Lacey

Gò Cỏ là ngôi làng mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa, là điểm nhấn trên hành trình đi về phía Nam Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.

Cuối năm 2017, các nhà khoa học nhận định làng Gò Cỏ là nơi lưu giữ các giá trị địa chất, văn hóa nổi bật. Gò Cỏ được ghi danh vào danh sách các điểm đến trong hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Phạm vi Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh gần như phủ khắp 2/3 diện tích tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm 9 huyện, thành phố.

Theo dự kiến, tháng 7 năm 2020 Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh sẽ đón đoàn thẩm định của UNESCO xét công nhận là di sản thế giới. Bên cạnh giá trị địa chất về núi lửa biển, đá biến chất hàng trăm triệu năm, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh còn được đánh giá cao bởi sự đa dạng của 3 nền văn hóa: Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt.

Làng Gò Cỏ chỉ vỏn vẹn 83 hộ dân, nằm trên đồi núi đá ven biển khoảng 65ha. Đường đi gập ghềnh, quanh co, nhưng những ruộng bậc thang thấp thoáng bên cạnh bờ cát êm dịu sẽ đưa du khách vào cung bậc cảm xúc lạ kỳ. Dấu ấn địa văn hóa được kế thừa từ người cổ Chăm Pa luôn ẩn hiện trong mỗi bước chân du khách.

PGS.TS. Ngô Văn Doanh (giữa), chuyên gia văn hóa Chăm, khảo sát giếng Chăm cổ làng Gò Cỏ. Ảnh: Kiều Nguyễn

Người Chăm Pa xưa có mặt tại đây vào khoảng thế kỷ 7-8. Họ rất giỏi sử dụng đá - vật liệu tự nhiên - để phục vụ đời sống sinh hoạt và canh tác. Người Gò Cỏ ngày nay cũng thế.

Ở đây, dường như đá cũng có hơi thở. Nó hiện diện ở mọi ngóc ngách, cùng dân làng trải qua nhiều biến cố lịch sử. Đường làng, bờ ruộng, hàng rào, giếng cổ, suối nước... đều được bàn tay con người xếp tỉ mỉ bằng đá biến chất - loại đá có niên đại khoảng 250-400 triệu năm trước.

Du khách bên hàng rào đá làng Gò Cỏ. Ảnh: Duy Sinh.

Khoảng 12 giếng đá cổ hiện hữu trong làng là sản phẩm mà người Chăm Pa để lại khi cư ngụ tại đây. Hệ thống giếng cổ đã và vẫn đang là mạch sống, nuôi dưỡng nhiều thế hệ. Nó cũng chính là sợi dây kết nối truyền thống văn hóa Chăm - Việt. Những giếng nước thuần khiết, đơn sơ đã đưa làng Gò Cỏ vượt qua ngàn mùa khô cạn, “cháy” đồng.

Du khách khám phá gành đá bằng thuyền nan. Ảnh. Kiều Nguyễn

Dù đa phần diện tích tự nhiên là núi đá, nhưng để canh tác thuận lợi, từ người Chăm Pa đến người Việt đều “quy hoạch” đâu vào đấy. Ruộng bậc thang bằng đá xuất hiện khắp các đồi núi quanh làng. Người Gò Cỏ trân quý từng tấc đất. Sỏi đá không cản nổi bao lứa ngô khoai nặng gánh, bội mùa.

Sản vật từ đất, từ biển

Chưa có ai lớn lên ở Gò Cỏ mà chưa từng nghe câu “Chạng vạng ăn khoai đi ngủ, gà gáy dậy ăn củ đi làm”. Làng Gò Cỏ sẽ tiếp đãi bạn với đủ các loại khoai, củ đặc trưng của miền Trung nắng gió.

Chưa hết, sản vật từ biển cũng là thứ mà bạn không thể bỏ qua. Thiên nhiên khắc nghiệt là thế nhưng cũng đãi ngộ cho ngư dân nhiều đặc sản. Gành đá hàng trăm triệu năm, có loại thuộc niên đại cùng thời kỳ sinh sống của khủng long, bao bọc phía bờ Đông ngôi làng.

Lão ngư vá lưới. Ảnh. Kiều Nguyễn

Hết mùa đồng đến mùa biển. Tấm lưới đầy tôm cá làm vơi đi nỗi nhọc nhằn trên nét mặt các lão ngư. Bạn sẽ không bao giờ cưỡng lại được hương vị tuyệt vời của canh lưỡi long - cá thửng, hàu sữa nấu lá giang hay mực tháng tư hấp gừng làng Gò Cỏ.

Tập làm du lịch và chờ đón danh hiệu

Làng Gò Cỏ là điểm đến làm thỏa mãn tất cả các giác quan của du khách. Ngoài thiên nhiên, sản vật, di tích văn hóa, di sản địa chất; con người và câu chuyện nơi đây sẽ là điểm nhấn sáng giá trong nhật ký hành trình.

Hát bài chòi, hát hố ở làng Gò Cỏ. Ảnh. Kiều Nguyễn

Nếu như vẻ đẹp của làng khiến bạn không thể ngừng bước chân khám phá, thì những câu chuyện trường kỳ về ký ức chiến tranh, những làn điệu dân ca bài chòi, hát hố sẽ giúp bạn lắng đọng tâm hồn và mở rộng trái tim.

Làng Gò Cỏ sẽ “bật mí” cho bạn rằng con người nơi đây mang dáng dấp của cả ngư dân và nông dân. Người Gò Cỏ chưa bao giờ giấu nổi khí chất của cư dân ven biển, đậm màu hoài cổ nhưng không kém phần thông thái và lạc quan.

Nông dân ra đồng. Ảnh: Kiều Nguyễn

Giàu có về tài nguyên, nhưng Gò Cỏ vẫn rơi vào cảnh hoang hóa làng mạc như nhiều vùng nông thôn khác ở Việt Nam. Vì thiếu vắng một mô hình phát triển kinh tế bền vững, làng phải chứng kiến lớp người trẻ tha hương tìm kế sinh nhai và thậm chí phải ly hương để tạo lập sự nghiệp ở xứ người. “Sắp tới, làng này có khi... chết không có người khiêng!” - câu nói nửa đùa nửa thật của các vị cao niên trong làng khiến ai nghe cũng phải xót xa.

Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với làng Gò Cỏ. Tiến trình xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã giúp phát lộ điểm đến giá trị này. Từ khi được chỉ điểm tài sản ở góc độ văn hóa - du lịch, ngôi làng như được hồi sinh.

Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được thành lập. Hơn 90% thành viên là người dân bản địa. Tuy vừa bắt tay làm làm du lịch từ tháng 4 năm 2019, nhưng đến nay làng đã đón nhiều lượt khách và hình thành 15 cơ sở dịch vụ homestay đậm chất Gò Cỏ.

Mới ngày nào dân làng cho rằng du lịch là chuyện “trên trời” thì nay đã tự tin phục vụ du khách lúc nào không hay. Nụ cười đôn hậu vẫn thường trực trên môi nay lại ánh thêm niềm hi vọng và hạnh phúc. Hẹn gặp bạn trong chuyến thăm làng Gò Cỏ và Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh sắp tới!

Các làn điệu dân ca bài chòi, hát hố được du khách đón nhận tích cực và đang được xây dựng thành dịch vụ văn hóa phi vật thể đặc trưng. Nhận thức của người dân về bảo tồn và phát huy giá trị di sản ngày càng được nâng cao. Nhiều sáng kiến đã dần chuyển hóa thành hành động cụ thể trong cộng đồng như: xây dựng chương trình quản lý rác thải, nâng cao năng lực kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch...

Kiều Nguyễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây