Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Làng nghề gỗ “khát” nguyên liệu

Thùy Dung -

Các chuyên gia trong ngành gỗ cho rằng các làng nghề gỗ truyền thống như La Xuyên (Nam Định), Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có nguy cơ thu hẹp. Lý do là các làng nghề sẽ ngày càng khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ khi mà Việt Nam cũng như nhiều nước không cho phép khai thác gỗ quý tự nhiên, đồng thời các nước nhập khẩu đồ gỗ yêu cầu nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Làng nghề chủ yếu dùng gỗ quý hiếm

Theo anh Nguyễn Văn Kiên, một thương nhân chuyên mua các sản phẩm gỗ của làng nghề Đồng Kỵ, khách hàng của anh rất ưa thích các bộ bàn ghế, tủ kệ được làm từ gỗ quý kiếm như trắc, hương, lim, mun vì họ cho rằng những loại gỗ này sẽ khan hiếm và càng để lâu càng có giá. Hơn nữa, khách hàng luôn có niềm tin rằng những loại gỗ này sẽ mang lại sự may mắn, sức khỏe và thịnh vượng cho chủ nhân.

Còn ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, cho hay thị trường xuất khẩu sản phẩm của Đồng Kỵ chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc. Những thị trường này chỉ quan tâm tới loại gỗ, giá cả, độ tinh xảo về chạm trổ mà không quan tâm tới nguồn gốc hợp pháp của gỗ.

Các nghệ nhân chế tác các sản phẩm gỗ ở làng nghề.          Ảnh: Đỗ Hương
Các nghệ nhân chế tác các sản phẩm gỗ ở làng nghề. Ảnh: Đỗ Hương

Cũng theo ông Vương, các hộ làng nghề chủ yếu mua gỗ từ thương lái với hình thức mua bán trao tay, không yêu cầu người bán gỗ cung cấp hóa đơn mua hàng hay chứng từ nguồn gốc gỗ. Bởi nếu yêu cầu hóa đơn bán hàng, đồng nghĩa với việc sẽ phải trả thêm thuế giá trị gia tăng.

Với làng nghề La Xuyên (Ý Yên, Nam Định), lượng gỗ tiêu thụ cũng khá nhiều. Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho hay La Xuyên có gần 3.000 hộ gia đình nhưng đến 70% trong số đó sản xuất kinh doanh sản phẩm gỗ. Tính bình quân mỗi năm họ sử dụng khoảng 20.000 m³ gỗ quý.

Theo kết quả khảo sát hồi năm 2012 của tổ chức Forest Trends và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hàng năm các làng nghề sử dụng khoảng 150.000 m³ gỗ quý, đa phần là các loại gỗ thuộc nhóm 1 đến nhóm 3, những nhóm bị cấm hoặc hạn chế mua bán.

Khó tìm sự minh bạch

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách về gỗ của Forest Trends, cho hay khoảng 70-80% lượng gỗ này có nguồn gốc nhập khẩu, chủ yếu từ Lào, Campuchia, lượng còn lại có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trong nước. Hiện nay, Việt Nam không cho phép khai thác tự nhiên đối với gỗ quý, do vậy gỗ quý có nguồn gốc trong nước hoàn toàn là gỗ lậu.

Đối với nguồn gỗ nhập khẩu, ông Phúc cho biết, các quy định hiện hành của Việt Nam và các nước xuất khẩu gỗ vào Việt Nam vẫn cho phép các doanh nghiệp gỗ nhập khẩu các loại gỗ quý. Ví dụ, nếu doanh nghiệp có giấy phép từ Cơ quan CITES của Việt Nam (CITES: Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) để nhập khẩu gỗ trắc từ Campuchia, và có giấy phép của CITES Campuchia cho phép xuất khẩu loại gỗ này thì doanh nghiệp vẫn được phép nhập mặc dù trắc là loại gỗ rất quý, thuộc nhóm 1.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại tình trạng một số công ty không hoàn toàn tuân thủ những quy định pháp luật. Một số lượng gỗ quý từ rừng tự nhiên nhập khẩu vào Việt Nam có thể có nguồn gốc chưa được minh bạch.

Cần hướng tới gỗ rừng trồng

Gỗ xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và một số nước tiên tiến khác đều yêu cầu khắt khe về nguồn gốc gỗ hợp pháp, vì vậy các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang các thị trường này đều được làm từ nguồn gỗ rừng trồng nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ gỗ làng nghề trong nước lại chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Ông Phúc cho hay, có thể có tới 90-95% lượng gỗ quý, thuộc nhóm 1-3, được nhập vào Việt Nam, hoặc khai thác lậu từ trong nước được chế biến và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chính yếu tố phụ thuộc vào Trung Quốc nên các làng nghề gặp rủi ro hơn trong khâu tiêu thụ. Đại diện một doanh nghiệp tại Hà Nội chuyên xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc nói: “Nếu Trung Quốc không nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam nữa thì làng nghề gỗ có nguy cơ không còn”. Điều này đặt ra yêu cầu phải tìm thị trường thay thế, giảm tính rủi ro cho sản phẩm gỗ của các làng nghề. Ông Trịnh Quốc Đạt cho rằng, sản phẩm gỗ xuất khẩu thường phải trình bằng chứng để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Nếu như cứ dùng gỗ tự nhiên, gỗ quý hiếm, không rõ nguồn gốc thì sẽ rất khó xuất khẩu sang châu Âu và các nước khác.

Tuy làng nghề hiện không trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, nhưng những thay đổi này sẽ tác động tới việc sản xuất và kinh doanh của các hộ làng nghề. Khó khăn với các làng nghề này là đa số sản xuất với quy mô hộ gia đình. Khi mua lại gỗ nguyên liệu nhập về, việc chứng minh nguồn gốc rất khó vì các hộ gia đình mua theo thị trường và thời điểm.

Ông Tô Xuân Phúc cho hay Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT) do châu Âu đưa ra, sáng kiến này có mục tiêu giảm tiêu thụ gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp được đưa vào châu Âu. Mặc dù VPA/FLEGT chỉ đề cập trực tiếp đến thị trường xuất khẩu nhưng việc Việt Nam tham gia các quy định này có tác động đến nguồn nguyên liệu gỗ của làng nghề.

Vấn đề được các chuyên gia trong lĩnh vực này đặt ra là ý thức của người tiêu dùng. Theo đó, nếu người tiêu dùng thay đổi được thói quen dùng gỗ quý tự nhiên bằng gỗ trồng thì sẽ thay đổi nguồn gốc gỗ nguyên liệu từ các làng nghề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối