Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Lao đao trong ‘cơn sóng’ mất việc, giảm giờ làm

(SGTT) – Tại TPHCM, làn sóng cắt giảm lao động tại nhiều doanh nghiệp không chỉ khiến công nhân mất việc làm, phải sống thắt lưng buộc bụng để bám trụ ở thành phố, mà nhiều ngành nghề khác từ cho thuê nhà trọ đến việc buôn bán của những tiểu thương xung quanh các khu công nghiệp cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm, xoay xở đủ cách để vượt qua khó khăn.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, vừa qua, do đơn hàng chưa phục hồi, ít đối tác đặt hàng nên Công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) đã tiếp tục cắt giảm hơn 1.200 lao động. Đây là lần cắt giảm lao động thứ 3 của công ty này với quy mô lớn lên đến hàng ngàn người trong năm 2023. Trước đó, doanh nghiệp đã hai lần giảm lao động với tổng số khoảng 8.000 người.

Sau nhiều lần cắt giảm lao động và không tái ký hợp đồng với những người hết hạn, đến nay nhân sự của công ty còn khoảng 40.000 người, giảm gần một nửa so với lúc cao điểm.

Lao động mất việc: thắt chặt chi tiêu, chỉ mong đủ cơm ăn

Trong một căn phòng trọ chật hẹp tại quận Bình Tân, trao đổi với KTSG Online, anh Cao Văn Đạt, 33 tuổi, công nhân của Công ty PouYuen Việt Nam, cho biết kể từ khi bị công ty cắt giảm lao động, vợ anh chỉ ở nhà chăm con nên mọi gánh nặng kinh tế gia đình đè lên vai anh. Ngoài ra, vì không có tiền cho con đi nhà trẻ nên anh cùng vợ thay nhau chăm con, không đi làm thêm bên ngoài. Trong thời gian sắp tới, nếu cả anh cũng bị sa thải, hai vợ chồng sẽ đưa con về quê.

Công ty cắt giảm giờ làm khiến cuộc sống của anh Cao Văn Đạt và vợ ngày càng khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu. Ảnh: Minh Thảo

Tổng chi phí thuê trọ của gia đình anh Đạt là khoảng 1,3 triệu đồng/tháng. “Kể từ khi vợ thất nghiệp, tôi cũng bị cắt giảm giờ làm nên hai vợ chồng phải thắt lưng buộc bụng mới đủ trang trải qua từng tháng. Giờ gia đình tôi chỉ mong ngày có đủ cơm ăn và không phải vay mượn nợ”, anh Đạt nói và cho biết dãy phòng trọ đang ở gồm gần 20 phòng nhưng hiện tại chỉ có 5 phòng cho thuê. Nhiều phòng để trống nên anh xin chủ trọ cho để đồ đạc.

Anh Phạm Thành Lũy, 39 tuổi, cũng là công nhân tại PouYuen Việt Nam, đã gắn bó với xóm trọ trong hẻm 58 đường số 5, phường Tân Tạo, quận Bình Tân được 12 năm. Anh nói rằng đây là lần đầu tiên anh thấy dãy trọ đìu hiu như thế này. Hiện tại, công ty cắt giảm giờ làm, chỉ làm bốn ngày/tuần, nên anh tranh thủ lúc rảnh chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm thu nhập, trang trải qua giai đoạn khó khăn.

Anh Phạm Thành Lũy hiện đang là công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam, tìm đến công việc làm xe ôm công nghệ vào thời gian rảnh để kiếm thêm thu thập. Ảnh: Minh Thảo

Người kinh doanh xoay xở đủ cách

Bà Tùng, 56 tuổi, ngụ tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, người bán tạp hóa tại khu nhà trọ ở đây hơn 10 năm, nói rằng bà chưa từng chứng kiến cảnh khó khăn như hiện nay. Nhà có hơn 20 phòng nhưng giờ còn 9 phòng là có người thuê, chủ yếu là công nhân bị giảm giờ làm, cố bám trụ lại thành phố. Dù khu vực này từng được xem là ‘thủ phủ’ nhà trọ ở TPHCM với tình trạng luôn luôn kín phòng, nhưng giờ đây chủ trọ treo biển cho thuê liên tục hơn một năm vẫn không được bao nhiêu phòng.

Trước tình trạng nhà trọ vắng người thuê, nhiều hộ kinh doanh nhà trọ “vớt vát” bằng cách giảm tiền thuê xuống khoảng 20-30%, thậm chí cho trả góp để người thuê giảm áp lực. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan, nhiều phòng trọ qua một thời gian dài không có khách thuê đã ẩm mốc, mạng nhện và lớp bụi bắt đầu đóng dày đặc, bà Tùng cho biết.

Trước kia, quầy tạp hoá của bà Tùng tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân luôn đông công nhân ghé mua. Giờ đây, dù là vào thời điểm tan làm, quầy bán vẫn đìu hiu, vắng bóng người mua. Ảnh: Minh Thảo

Theo bà Nguyễn Thị Nhung, một chủ nhà trọ trên đường Hồ Học Lãm (quận 8), trước đây, bà có thể sống thoải mái nhờ cho thuê phòng trọ và bán tạp hóa nhưng nay phải làm thêm nhiều việc khác. Trước tình trạng phòng trọ ế ẩm, những tháng vừa qua, bà phải nhận giữ trẻ nhỏ cho hàng xóm xung quanh để có tiền sinh hoạt hàng tháng. Bà còn dự định nhận hàng về may gia công để vượt qua khó khăn trước mắt.

Tình trạng nhiều lao động mất việc làm, đành phải trả phòng trọ để về quê, không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các chủ nhà trọ mà ngay cả hàng quán, khu chợ phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân tại TPHCM cũng lao đao vì ế ẩm, sức mua giảm xuống chỉ còn 50-60%.

Chị Nguyễn Thị Hồng (40 tuổi, quê Vĩnh Long) buôn bán phía trước Công ty PouYuen Việt Nam, nhớ lại những năm trước dịch Covid-19, việc buôn bán ở khu công nghiệp rất thuận lợi, hàng hoá của chị nhập về bao nhiêu cũng bán hết trong vòng vài tiếng. Tuy nhiên, giờ có khi ngồi cả ngày chỉ bán được khoảng vài trăm ngàn đồng tiền hàng, giảm hơn 50% so với trước đây. Thậm chí ế ẩm đến mức chỉ nhập 10 kg củ sắn để hai mẹ con chia nhau bán hàng nhưng hai ngày qua vẫn chưa hết.

Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) cắt giảm lao động, công nhân buộc phải về quê hoặc chuyển đi nơi khác khiến chị Nguyễn Thị Hồng (mặc áo màu xám) và nhiều người bán hàng tại khu vực này rơi vào tình trạng buôn bán ế ẩm. Ảnh: Minh Thảo

Theo dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thị trường lao động những tháng tiếp theo của năm 2023 cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức. Các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày… dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Nhiều chuyên gia cho rằng để giúp người thất nghiệp có cơ hội tái gia nhập thị trường lao động, bảo đảm cuộc sống, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm thất nghiệp, cần quan tâm đến đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Theo đó, ngành lao động cần có chính sách để đồng hành với người mất việc hoặc có nguy cơ mất việc để giúp họ ổn định cuộc sống.

Trước thực trạng này, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết trong thời gian tới sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung một số giải pháp để hỗ trợ người lao động mất việc. Cụ thể, đơn vị này sẽ nắm bắt thông tin tuyển dụng lao động, kết nối người lao động đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để duy trì việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, sở cũng tổ chức các phiên sàn giao dịch, tổ chức các buổi gặp gỡ, tư vấn các chính sách bảo hiểm thất nghiệp như trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề…

Về việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động mất việc, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, theo quy định, người mất việc đáp ứng các điều kiện sẽ được hỗ trợ học nghề với mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học (nếu khóa học dưới 3 tháng) và hỗ trợ thực tế không quá 1,5 triệu đồng/tháng đối với khóa học từ 3 tháng trở lên.

Người lao động thuộc các đối tượng chính sách như phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo… sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cao hơn. Cụ thể, cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, người lao động nông thôn. Người lao động thuộc diện này còn được hỗ trợ tiền ăn hằng ngày và hỗ trợ một lần tiền đi lại nếu địa điểm học cách nơi ở từ 15 km trở lên.

Theo Cục Thống kê TPHCM, tính đến hết tháng 8-2023, thành phố đã tiếp nhận 99.206 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 93.877 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2022, số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 2.787 trường hợp, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 2.960 người.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối