Ngọc Ánh -
In 3D và robot – hai xu hướng công nghệ mới của thế giới – đang tác động đến ngành dệt may Việt Nam, khi mà những lời dự báo về sự thay thế người lao động trong ngành này dường như bắt đầu trở thành hiện thực.
Từ lý thuyết...
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp ở Việt Nam sẽ chịu sự tác động lớn từ các xu hướng công nghệ mới như in 3D và robot. Ảnh: Thanh Tao
Tại cuộc hội thảo “Tăng cường năng lực chuỗi cung ứng ngành dệt may ASEAN hướng tới phát triển bền vững” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp với Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc tổ chức vào đầu tháng 11 này ở Hà Nội, ông Chương Văn Cẩm, Phó chủ tịch VITAS, nhận định rằng ngành dệt may trong nước có thể chịu tác động rất lớn từ những công nghệ mới.
Trên thực tế, những nỗi e ngại về việc robot thay thế con người tại nơi làm việc và lấy công việc của họ đã xuất hiện kể từ buổi bình minh của công nghệ tự động. Bây giờ, có vẻ như những nỗi lo ngại này sắp trở thành hiện thực ở Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, nơi mà những ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may vẫn đang đóng góp đáng kể vào tổng nguồn thu nội địa.
Theo bản báo cáo do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) của Liên hiệp quốc phát hành trong thời gian gần đây, khoảng 2/3 trong số 9,2 triệu người lao động ngành dệt may và da giày ở Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ của khoa học-công nghệ, đặc biệt là công nghệ in 3D và robot. Cụ thể, khoảng 86% số người lao động của Việt Nam, 88% của Campuchia và 64% của Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ xu thế tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành. Điều này cũng cho thấy thời kỳ hoàng kim của chi phí lao động thấp cũng như các nhà xưởng không được trang bị các giải pháp công nghệ hiện đại đã qua đi.
Cuộc nghiên cứu của ILO, với tên gọi “ASEAN in transformation: How Technology is changing jobs and enterprises” (tạm dịch: “ASEAN trong thời kỳ chuyển đổi: Công nghệ đang thay đổi việc làm và doanh nghiệp ra sao”), cho biết sự phát triển của nền kinh tế cùng điều kiện sống khiến mức lương bình quân của người lao động trong các ngành này đã gia tăng từ 145 lên 175 đô la Mỹ mỗi tháng (tương đương 3,2 và 3,9 triệu đồng) trong hai năm 2014 và 2015. Xu thế này đang diễn ra tại một số quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Một bản báo cáo khác đến từ hãng nghiên cứu thị trường Korn Ferry thuộc Tập đoàn Hay Group cũng cho biết mức lương tại các nước như Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan sẽ tăng tương ứng khoảng 6,3%, 7,3% và 6,1%, thuộc hàng tăng mạnh nhất châu Á.
Kể từ đây, nhiều vấn đề bắt đầu nảy sinh. Trong khi sự cạnh tranh trong ngành dệt may, da giày ngày càng tăng khiến các nhà gia công phải đẩy giá hợp đồng đi xuống thì chi phí nhân công tại các nhà máy lại đi lên, tạo nên nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trước tình hình trên, các nhà máy tận dụng nguồn nhân công giá rẻ có rất ít sự lựa chọn, hoặc đóng cửa hoặc di chuyển sang những khu vực có chi phí lao động thấp hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn và nhiều nhà sản xuất đã tiến hành đàm phán lại với các thương hiệu lớn của châu Âu và Mỹ nhằm nâng mức giá hợp đồng, một số khác lại chọn giải pháp nâng cao năng lực sản xuất nhờ tự động hóa.
... đến hiện thực
Hãng Adidas tại Indonesia cho biết họ muốn cắt giảm 30% số người lao động trong mảng cắt may nhằm tiết kiệm chi phí, thay vào đó là những thiết bị tự động và máy móc. Tập đoàn May mặc Hung Wah tại Campuchia cũng vừa thực hiện việc sa thải lao động thủ công trong khâu cắt may.
Không dừng lại ở đó, nhiều nhà sản xuất còn nhận ra rằng công nghệ in ấn 3D cùng những kỹ thuật tiên tiến khác có thể giúp họ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng với một tốc độ vượt xa so với sử dụng lao động thủ công. Ví dụ, công nghệ sản xuất không dùng máy khâu (Non-sewing hay Stichless Technology) đang được các nhà máy chú ý khi các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy kỹ thuật này có thể giảm 25-35% thời gian vận hành cũng như giảm nhân công.
Trong khi đó, ILO cũng cho biết các doanh nghiệp dệt may, da giày tại Thái Lan và Trung Quốc sẽ ngày càng có lợi nếu đầu tư công nghệ tự động hóa trong sản xuất, đặc biệt là đầu tư sau năm 2020 khi chi phí công nghệ rẻ dần còn giá nhân công lại đi lên. Cụ thể, vào năm 2025, chi phí nhân công tại Trung Quốc sẽ đắt hơn 50% so với sử dụng các cánh tay máy tự động hay robot và tỷ lệ này là ngang nhau tại Thái Lan.
Cuộc khảo sát của ILO cũng chỉ ra rằng Trung Quốc, thị trường lớn của ngành sản xuất cũng như tiêu dùng về may mặc, da giày đang dần chuyển sang giai đoạn tự động hóa trước xu thế chi phí lao động tăng cao và điều này có thể ảnh hưởng mạnh đến Đông Nam Á. Ngành dệt may xuất khẩu Trung Quốc hiện đã sử dụng ít lao động hơn với mức độ tự động hóa ngày một tăng. Trong năm 2014, 25% số thương vụ về robot của toàn thế giới thuộc về các nhà máy ở Trung Quốc và tỷ lệ này đang ngày một tăng lên.
Trong đà phát triển như vậy, liệu các nước Đông Nam Á có cạnh tranh được với Trung Quốc về năng suất và hiệu quả trong ngành dệt may sau 5-10 năm nữa hay không vẫn là một câu hỏi bày tỏ mối lo ngại.
Quay trở lại với dệt may Việt Nam, ngành công nghiệp mang về 27,3 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu vào năm ngoái (đóng góp gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước) và sử dụng trên 2,5 triệu nhân công, mới chỉ đầu tư vào công nghệ tự động trong vòng hai năm gần đây.
Phát biểu tại cuộc hội thảo hôm 2-11, ông Cẩm của VITAS, nói rằng ngành dệt may ở các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cần tính đến việc làm thế nào để tăng được năng lực cạnh tranh trong thời gian sắp tới. Đề cập đến việc ứng dụng công nghệ mới, ông cho rằng việc này sẽ gặp một số thách thức như vốn đầu tư và nguồn lực. Mặc dù những lời dự báo về công nghệ in 3D và robot sẽ phát triển nhanh chóng và thay thế một tỷ lệ không nhỏ người lao động nhưng trong khoảng thời gian sắp tới ngành dệt may vẫn cần đến bàn tay khéo léo của người lao động.