Thùy Dung-
Lao động phi chính thức không chỉ là người bán hàng rong, xe ôm, nhân viên bán hàng... mà còn là những lao động có kỹ năng và trình độ ở các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.
Những thiệt thòi mà lao động phi chính thức phải chịu, như trường hợp anh Vũ Tuấn Trung (34 tuổi, Hà Nội), là không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không hợp đồng lao động và các chế độ khác, kể từ khi anh chuyển sang lái xe cho một hãng taxi công nghệ.
Nhiều thành phần
Anh Trung từng là lái xe cho một doanh nghiệp nhà nước gần 10 năm. Tại đây, anh có đầy đủ các chế độ lao động của nhân viên chính thức, nhưng tiền lương thấp là nguyên nhân anh nghỉ việc. “Gia đình có hai con trai đang tuổi ăn học nên rất tốn kém, trong khi làm lái xe cho doanh nghiệp nhà nước lương chỉ trên 7 triệu đồng/tháng thì không đủ chi tiêu”, anh nói. Từ khi làm việc cho hãng taxi công nghệ, anh Trung thu nhập hàng tháng trên dưới 20 triệu đồng, nhưng không hài lòng vì anh đã bị xếp vào nhóm lao động phi chính thức.
Cũng tại Hà Nội, có một tiệm giày trên đường Quang Trung, quận Hà Đông đã hoạt động khá lâu. Hệ thống có hai cửa hàng lớn nhưng chưa sẵn sàng đăng ký thành doanh nghiệp, dù nếu chiếu theo quy định thì cửa hàng này bắt buộc phải đăng ký khi họ có hơn 20 người làm công. Chủ tiệm cho biết, ông không đăng ký vì lo ngại không đáp ứng được quy định phức tạp về sử dụng lao động. Ông cũng không có nhiều kiến thức về quản trị cũng như kế toán nên chưa có ý định trở thành doanh nghiệp. Như vậy, hơn 20 lao động trong tiệm giày này đều thuộc diện lao động phi chính thức.
Không chỉ vậy, ngay cả khi đã làm việc trong các công ty, cơ quan nhà nước, dù là khu vực chính thức, một số người không được đóng bảo hiểm bắt buộc, không ký kết hợp đồng lao động thì cũng thuộc diện lao động phi chính thức.
Lao động phi chính thức thường không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Thuỳ Dung
Chiếm 57% tổng số lao động
Theo Báo cáo lao động phi chính thức của Việt Nam do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh thành với quy mô mẫu khoảng 240.000 hộ/năm cho thấy, cả nước có trên 18 triệu lao động phi chính thức, chiếm 57% tổng số lao động. Đây là nhóm lao động yếu thế, dễ bị tổn thương và gần như không có khả năng thương lượng trong công việc.
Lao động phi chính thức xuất hiện ngay cả trong các khu vực việc làm chính thức. Trong tổng số hơn 16 triệu người làm công ăn lương thì có khoảng 1/3 là lao động phi chính thức. Nói cách khác, cứ ba người làm công ăn lương trong khu vực chính thức thì có một lao động phi chính thức.
Con số trên chưa bao gồm lao động trong khu vực nông nghiệp, tập trung khu vực nông thôn nơi có các làng nghề và tổ hợp tác. Nếu tính khoảng 22 triệu lao động nông nghiệp thì tổng số lao động phi chính thức ở Việt Nam có thể lên tới 40 triệu người, chiếm trên 70% lực lượng lao động.
Hà Nội và TPHCM là hai thành phố có số lao động phi chính thức cao nhất, chiếm trên 20% tổng số lao động phi chính thức của cả nước. Phần lớn họ làm việc trong các nhóm ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; buôn bán; sửa chữa xe.
Yếu thế
Khu vực phi chính thức có những đặc điểm dễ nhận thấy, như việc làm bấp bênh, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài. Cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực này thường có quy mô rất nhỏ, không đăng ký kinh doanh, không đóng các loại bảo hiểm, phụ cấp và phúc lợi xã hội khác.
Theo báo cáo lao động phi chính thức kể trên, có 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương, và chỉ có 14% lao động chính thức được xếp vào nhóm này. Nữ giới có xu hướng làm các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới, với khoảng 59%.
Bên cạnh đó, lương tháng của lao động phi chính thức thấp hơn ở tất cả các vị trí việc làm. Trong khi lương bình quân của nhóm chính thức khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, lương của nhóm phi chính thức chỉ hơn một nửa con số này. “Mặc dù làm việc với khoảng thời gian dài hơn, thường nhiều hơn 2 giờ, nhưng tiền lương của lao động phi chính thức chỉ bằng 2/3 so với lao động chính thức. Điều này cho thấy sự bất bình đẳng trong việc trả lương giữa hai nhóm lao động và một phần phản ánh về chất lượng công việc của lao động phi chính thức”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.
[box] Để giải quyết những vấn đề trên, theo giới chuyên môn, cần đẩy mạnh chính thức hoá khu vực phi chính thức bằng cách khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường thực thi pháp luật lao động trong khu vực chính thức nhằm chuyển số lao động không có hợp đồng, không được đóng bảo hiểm thành lao động chính thức. Các chính sách đào tạo nghề cần hiệu quả hơn, tăng cường sự trợ giúp pháp lý cũng như tăng sức hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện.[/box]