Trans fat, chất béo có hại, đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia khuyến cáo về ảnh hưởng của nó đến sức khỏe tim mạch, tiểu đường và ung thư. Thế nhưng, trên thị trường Việt Nam, thông tin về loại chất béo này ít khi được nhà sản xuất ghi đầy đủ trên sản phẩm của mình, nếu có thì cũng chung chung.
Kiểm nghiệm là thấy
Qua ghi nhận thực tế một số sản phẩm dầu ăn và mì gói có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng đang bán trên thị trường TPHCM có thể thấy thông tin về hàm lượng trans fat ghi trên nhãn hàng không rõ ràng, và cũng không nhiều nhà sản xuất thực hiện điều này.
Tại một siêu thị trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TPHCM, ở khu vực tầng trệt bày bán khá nhiều sản phẩm dầu ăn có thương hiệu được đóng trong những chai nhựa lớn, nhỏ. Có ba trong số bốn nhãn hàng công bố hàm lượng trans fat trên sản phẩm là 0 g. Phía bên trong có khoảng 10 nhãn hàng dầu ăn khác nhưng chỉ có phân nửa số đó công bố hàm lượng về trans fat. Nhiều sản phẩm không nói gì về hàm lượng chất này mà chỉ ghi thông tin về hàm lượng chất béo toàn phần và/hoặc “không cholesterol”.
Tại khu vực bày bán mì gói cũng vậy. Trong số hàng chục nhãn hàng khác nhau, cả sản phẩm trong và ngoài nước sản xuất, khách hàng có tìm đỏ mắt, mỏi tay cũng chỉ thấy vài ba sản phẩm có công bố hàm lượng trans fat trên bao bì.
Không chỉ các siêu thị nhỏ hay các chợ truyền thống, một số siêu thị quy mô lớn của nước ngoài cũng trong tình trạng tương tự.
Trong khi đó, khi tìm thông tin tại những trung tâm kiểm nghiệm, nơi các doanh nghiệp gửi mẫu dầu ăn và mì ăn liền kiểm nghiệm lại cho thấy kết quả ngược lại. Chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã kiểm nghiệm 80 mẫu sản phẩm, trong đó có 26 mẫu dầu ăn và 54 mẫu mì gói. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có đến 11 trong số 26 mẫu dầu ăn có hàm lượng trans fat khoảng 1-3,6%, hai mẫu có hàm lượng 1%, số mẫu còn lại dưới mức 1%. Còn trong 54 mẫu mì gói, có 38 mẫu có hàm lượng trans fat khoảng 0,1-0,3%, còn lại 16 mẫu có hàm lượng dưới 0,1%. Như vậy, hàm lượng chất béo trans trong dầu ăn cao gấp cả chục lần mì gói.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) và các nước châu Âu đã nhiều năm nay yêu cầu các hãng sản xuất thực phẩm chế biến phải ghi rõ thành phần, hàm lượng axit béo dạng trans lên sản phẩm. Năm ngoái, FDA đã bỏ trans fat ra khỏi danh sách những chất được xem là an toàn. Tổ chức này đã đưa ra một đề nghị cấm chất béo trans, và đặt vấn đề về số người mắc và đột tử vì bệnh tim có liên quan đến chất béo trans. Đây được xem là bước sơ khởi để loại bỏ trans fat, và các nhà chế biến thực phẩm nước ngoài cũng đang chạy đua loại bỏ chất béo này.
Luật Canada cho phép các nhà sản xuất được quyền ghi câu “zero trans”, “no trans fat” hay “trans fat free” nếu sản phẩm chứa ít hơn 2% trans. Như vậy, “no trans fat” không có nghĩa là hoàn toàn không có chất béo này, nghĩa là nếu ăn nhiều thì hàm lượng trans fat ăn cũng tăng lên đáng kể. WHO khuyến cáo nên giới hạn sự tiêu thụ trans fat ở mức 3 g/ngày.
Từ kết quả kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm nói trên ở thị trường trong nước có hàm lượng chất béo có hại không chỉ cao mà quan trọng hơn là thông số này không được ghi minh bạch trên nhãn sản phẩm để người tiêu dùng biết.
Mầm mống của bệnh
PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức, công tác tại trường Đại học Y dược TPHCM, cho biết axit béo dạng trans chủ yếu là axit béo nhân tạo. Trong dầu thực vật chứa axit béo không no dạng lỏng, và từ dầu lỏng tự nhiên như dầu bắp, dầu hạt hướng dương, dầu đậu nành, người ta có thể chế biến thành margarin (bơ thực vật) bằng phản ứng hóa học “hydrogen hóa”. Khi hydrogen hóa, một số nối đôi của axit béo không no của dầu sẽ được gắn thêm hydro để trở thành bão hòa, trong khi một số nối đôi khác sẽ trở thành dạng trans. Vậy, để chế biến dầu lỏng sang dạng đặc, người ta đã biến chất béo không no thành chất béo bão hòa và chất béo dạng trans. Chất béo dạng trans được tìm thấy trong margarin, shortening dùng trong việc trộn salad, mì gói, kể cả thức ăn nhanh được chiên với dầu ăn như khoai tây chiên, gà rán, chuối chiên, cá viên chiên, tôm viên chiên…
TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho rằng người tiêu dùng không nên dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư ruột già.
Ông Nguyễn Nam Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, cho rằng việc công bố hàm lượng dinh dưỡng, trong đó có chất béo trans, trên nhãn hàng là một cách tiếp thị thương hiệu. Nếu nhà sản xuất nào không ghi, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về chất lượng sản phẩm và cách làm ăn của họ. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm đến những thực phẩm tốt cho sức khỏe, do vậy khi đi mua thực phẩm, họ cũng đã xem trước, ngó sau về những thành phần, thông số ghi trên nhãn của sản phẩm đó. Ai cũng muốn sử dụng những thực phẩm an toàn, đảm bảo về dinh dưỡng cho gia đình mình.
Một số nhà khoa học cho rằng để đảm bảo sức khỏe cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước cần phải đưa ra quy định. Theo đó, các nhà sản xuất thực phẩm phải ghi rõ hàm lượng axit béo dạng trans trên sản phẩm là bao nhiêu, còn nếu không công bố, sản phẩm đó thì không được lưu hành.
Hoàng Nhung