Phúc An -
Tuy các điện thoại thông minh hiện nay đều có tính năng Wi-Fi Hotspot (tạo và chia sẻ mạng Wi-Fi từ sóng 3G của điện thoại) nhưng lại làm cho điện thoại nhanh bị nóng, hao pin, ảnh hưởng đến độ bền của điện thoại. Vì vậy, người dùng có thể tìm mua các thiết bị công nghệ phát sóng Wi-Fi từ SIM 3G/4G được bán trên thị trường với đa dạng mẫu mã, tính năng và giá cả. Chỉ cần gắn SIM 3G/4G có dung lượng truy cập Internet người dùng có thể kết nối vào Internet mọi lúc, mọi nơi và chia sẻ mạng Wi-Fi để nhiều người cùng truy cập mạng. Sau đây là một số mẫu bộ phát Wi-Fi 3G/4G thông dụng và phổ biến trên thị trường:
Softbank 007Z
Vỏ của bộ phát Wi-Fi 3G Softbank 007Z được làm từ nhựa, nhỏ gọn như một chiếc điện thoại. Mặt trước của thiết bị có một màn hình nhỏ để hiển thị thông tin hoạt động. Với phương thức giao tiếp không dây (LAN) chuẩn IEEE802.11b/g/N nên Softbank 007Z cho phép tốc độ tải xuống (download) đạt 42 Mbps, tải lên (upload) đạt 5,7 Mbps, cho phép 10 thiết bị kết nối cùng một lúc. Khe cắm thẻ nhớ hỗ trợ dung lượng lên đến 32 GB nên người dùng có thể sử dụng bộ phát sóng này như một ổ cứng lưu trữ di động. Ngoài ra, dung lượng pin của Softbank 007Z là 1.900 mAh, có thể kết nối Internet trong bốn giờ và sạc pin qua cổng USB.
Giá tham khảo: 750.000 đồng
Huawei E5573
Bộ phát Huawei E5573 có thiết kế mỏng 12.8 mm x 5.8 mm x 96.8 mm (bằng khoảng tấm danh thiếp), vỏ được làm từ nhựa cao cấp nên sản phẩm khá cứng cáp và nhỏ gọn. Huawei E5573 có thể cho phép 10 thiết bị kết nối cùng lúc với tốc độ Wi-Fi sử dụng đạt 150 Mbps, và việc chuyển đổi qua lại các băng tần nhà mạng cũng khá dễ dàng nhờ ứng dụng đi theo sản phẩm. Dung lượng pin đạt 1.500 mAh, cho phép thiết bị sử dụng liên tục trong 6 giờ và thời gian chờ cũng khá cao. Trên thân máy là dãy đèn LED để báo hiệu dung lượng pin cũng như tình trạng kết nối mạng, giúp người dùng tiện theo dõi và quản lý.
Giá tham khảo: 1,29 triệu đồng
Netgear 782s
Bộ phát Netgear 782s mang thương hiệu Mỹ, hỗ trợ Wi-Fi băng tần 2.4 GHz và 5 GHZ, tốc độ download lên đến 300 Mbps và cho phép 15 thiết bị kết nối cùng lúc. Với màn hình hiển thị màu, cảm ứng 2.4 inch giúp người dùng có thể theo dõi trạng thái truy cập, tên Wi-Fi và mật khẩu, tình trạng pin… một cách trực quan và dễ dàng. Pin của Netgear 782s đạt dung lượng 2.930 mAh, sử dụng công nghệ tiết kiệm pin nên cho thời gian sử dụng lên đến 10 giờ liên tục, được trang bị thêm 2 cổng anten 3G/4G để cắm thêm anten ngoài ở những vùng có chất lượng sóng 3G/4G yếu.
Giá tham khảo: 1,48 triệu đồng.
ZMI MF885
Đây là bộ phát nâng cấp từ phiên bản trước đó (MF855) của hãng Xiaomi, ZMI MF885 được làm từ vỏ nhôm nguyên khối, nặng 257 g nên rất nhỏ gọn, tiện lợi để mang theo xa. Dung lượng pin của bộ phát là 10.000 mAh, hỗ trợ sạc nhanh QC 2.0 nên cho thời gian chờ của bộ phát khá cao (lên đến 65 giờ) và có chức năng như một cục sạc dự phòng. Điểm nhấn của bộ phát này là khả năng chuyển đổi băng tần đa dạng, từ FDD-LET, TD-LET đến WCDMA nên có thể sử dụng bộ phát này ở một số quốc gia khác nhau. Với tốc độ download đạt 150 Mbps khi sử dụng 4G, WCDMA 3G là 21 Mbps và tốc độ ở TD-WCDMA là 2.8 Mbps nên người dùng sẽ khá thoải mái trong việc truy cập và download dữ liệu. Người dùng có thể quản lý ZMI MF885 thông qua ứng dụng được hãng viết riêng để bảo đảm hiệu năng tốt nhất cho thiết bị.
Giá tham khảo: 1,55 triệu đồng
TP-Link M7350
Đây là mẫu bộ phát được đánh giá cao từ người dùng đến từ thương hiệu TP-Link. TP-Link M7350 hỗ trợ chuẩn kết nối 4G LTE với tốc độ download đạt 150 Mbps và upload là 50 Mbps, chạy trên băng tần Wi-Fi 2.4 GHz hoặc 5 GHZ, hỗ trợ 10 thiết bị kết nối và dùng Wi-Fi cùng lúc. Ngoài ra, người dùng có thể theo dõi hoạt động của thiết bị thông qua màn hình hiển thị trên bộ phát, tránh tình trạng vượt quá giới hạn dữ liệu sử dụng (sẽ bị đóng thêm tiền cước phát sinh). Pin của M7350 là 2.000 mAh, cho thời gian sử dụng liên tục lên đến 8 giờ và thời gian sử dụng ở chế độ chờ cũng khá cao.Tính năng khá hay của M7350 chính là khả năng tự nhận diện và cấu hình sẵn cho thẻ SIM nhà mạng tại Việt Nam (Vinaphone,MobiFone, Viettel).
Giá tham khảo: 1,89 triệu đồng
Một số lưu ý khi chọn mua bộ phát Wi-Fi 3G/4G
- Với người dùng có nhu cầu cơ bản như lướt web, đọc tin tức thì có thể chọn mua bộ phát tầm trung, bởi những tính năng cao cấp thường làm cho giá sản phẩm bị đội lên nhiều hơn.
- Nên chọn mua loại có thể chuyển đổi qua lại giữa hai băng tần (2.4 GHz và 5 GHz), do băng tần 2.4 GHz tuy có tầm phủ sóng xa nhưng có nhiều người chọn loại băng tần này nên chất lượng mạng kém, không ổn định, lúc này người dùng có thể chuyển sang băng tần 5 GHz để chất lượng mạng ổn định hơn.
- Nên chọn mua bộ phát có 2 anten để bảo đảm đường truyền tốt hơn, do một bộ phát thông thường có hai chức năng chính là thu sóng và phát sóng, nếu sử dụng loại 1 anten dễ dẫn đến tình trạng nghẽn sóng điện từ sẽ cho chất lượng mạng kém.
- Tuy các bộ phát ngày nay có tính tương thích cao với các mẫu điện thoại di động, nhưng nếu có thể người dùng nên chọn mua đồng bộ các sản phẩm công nghệ của một hãng công nghệ để có được sự ổn định tốt nhất.
- Nên chọn mua những bộ phát có cấu hình bảo mật WPA/WPA2 và phần cài đặt QoS để quản lý những ai đang truy cập vào mạng của mình, điều chỉnh mức độ ưu tiên các đối tượng đang dùng Wi-Fi.