(SGTT) - Vào những ngày đầu năm mới, người Việt thường lễ chùa để cầu mong cho gia đình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Năm nay, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, người dân đi lễ chùa cũng đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
- Chùa Bà Thiên Hậu, nét đẹp văn hóa cầu bình an năm mới của người Hoa ở Chợ Lớn
- Kinh doanh du lịch mùa tết: vẫn chưa dám kỳ vọng lớn
Theo cổng thông tin tỉnh Đồng Nai, chùa Ông được xây dựng cách đây hơn 300 năm. Chùa tọa lạc ở xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, được người dân xem là ngôi chùa cổ kính bậc nhất ở vùng đất Nam bộ hiện nay.
Lễ hội chính của chùa Ông được tổ chức thường xuyên từ mùng 10 đến 13 tháng Giêng hàng năm, thu hút rất đông khách thập phương tới chiêm bái dâng hương dâng lễ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay các hoạt động lễ hội đã ngừng hoặc không tổ chức ở quy mô lớn. Vì vậy, người dân chỉ đến viếng chùa trong những ngày đầu năm.
Chị Thuý, một người đi lễ chùa cho biết, Tết đến là cả gia đình chị cùng nhau đi lễ chùa. Khác với mọi năm, năm nay ngoài việc cầu bình an cho gia đình và người thân, chị cũng cầu mong dịch bệnh mau hết để công việc làm ăn của gia đình được suôn sẻ.
Theo nghi thức truyền thống từ lâu đời, lễ hội chùa Ông hàng năm có những nghi lễ như: Lễ cung nghinh Quản Trạch Tôn Vương, Thiên hậu Thánh Mẫu, Đức ông Trần Thượng Xuyên, Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh... Lễ vía đức Ông, lễ cúng Trời, lễ thả phúc khí cầu, lễ cầu an, lễ thả hoa đăng trên sông...Ngoài ra, còn có các chương trình biễu diễn nghệ thuật với các bản tuồng cổ "Tứ tự đăng khoa" và "Bao Công xử án Thủy Ngư" và đờn ca tài tử diễn ra rất hấp dẫn cuốn hút người xem suốt thời gian diễn ra lễ hội...
Có thể nói, chùa Ông là một công trình kiến trúc cổ, độc đáo, ngoài giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh còn có giá trị về lịch sử, đánh dấu sự có mặt của cộng người Hoa cư trú sinh sống ở vùng đất Nam bộ xưa và nay.
Thùy Trang