(SGTT) - Cả chặng đường mười mấy cây số với điểm khởi hành là trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột theo các cánh vườn cà phê nối đuôi, con người ta như lạc vào cảnh tiên.
Những chùm hoa cà phê, một màu trắng muốt đắp trên từng cành lá dài bằng sải tay, ánh nắng mai dịu dàng làm lóng lánh rừng cây đẹp như tuyết phủ. Càng vào sâu giữa rừng, gió lạnh đem hương hoa cà phê phả khắp nơi, như hương của một mùi hoa lài, làm rung lên các khứu giác thơm thơm, êm êm, dịu dịu.
Các vườn cà phê vào xuân ở đây như cảnh một cánh rừng hùng tráng tuyết phủ. Nhưng cái khác ở đây với vùng giá lạnh là “tuyết” treo lủng lẳng trên những cành lá còn xanh, giữa ánh nắng chan hòa thỏa thê tầm mắt.
Mùng 5 Tết. Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng EaTu (HTX EaTu), nơi có đến trên 90% xã viên là người dân tộc Ê-đê, đã bắt đầu làm việc. Chị H’ Djueh cùng vài người khác âm thầm đảo các lô cà phê đang sấy nắng.
Bây giờ, hầu như cách gọi “dân tộc thiểu số” không mấy khi được sử dụng. Bạn bè trong và ngoài buôn làng đã quen nói với nhau là “người đồng bào”. Cách gọi ấy xóa dần cách biệt, con người trong ngoài buôn trở nên thân thiện và trân trọng nhau hơn. Gọi nhau bằng tiếng “người đồng bào” là quá đúng vì uống chung dòng nước, hít thở chung mùi hương cà phê đậm đà thì không chung một dạ là gì?
Trước đây, người đồng bào có Tết riêng của mình. Thời gian Tết Nguyên đán đối với “đồng bào” thường là mùa lên rẫy, vào rừng. Mấy chục năm trước, dù Tết người Kinh vui rộn rã, vẫn thấy từng đoàn “đồng bào” theo hàng một vào rừng, lên nương, làm rẫy, săn thú… một cách âm thầm. Còn đối với đồng bào Ê-đê, Tết là hội ngày mùa, khi lúa đưa về sân, nồi đồng vui cơm mới… Nay thì đã cùng ăn Tết Nguyên đán chung.
Ché rượu cần đã để sẵn, nhưng Giám đốc HTX EaTu Trần Đình Trọng nói để dành cho bữa khác. Anh đưa ra khoe mấy loại “cognac” tự chế làm từ vỏ trái cà phê. Mỗi thứ một ngụm nhỏ, đưa vào lưỡi, cay cay, tê tê nhưng vị ngọt và độ dịu khác nhau.
“Nếu kiếm sống với hột cà phê không thôi, khó mà ổn định sinh kế vì biết bao nhiêu tác động lên giá thị trường. Năm Trâu Vàng, hợp tác xã phải tìm cách tăng giá trị trên cả các sản phẩm phụ như trà làm bằng vỏ cà phê (còn gọi là trà cascara), rượu làm từ vỏ trái cà phê và nhiều thứ khác nữa”, anh Trọng cho biết.
Kéo chúng tôi ra vườn, bên lò nướng dã chiến, chung quanh là thinh không với sắc trắng hoa cà phê và hương thơm nhẹ nhàng, quyện với niềm vui và vị “cognac” cà phê đặc hiệu, với tình nghĩa đồng bào mà lòng dạ cảm thấy ấm dần, một thứ men say hợp quần, trong khi nắng chiều dịu dàng lẻn đi mất lúc nào không hay chỉ còn lại “đồng bào” với nhau.
Nguyễn Quang Bình