Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

“Lên đời” cho thẻ ATM

(SGTTO) - Thẻ thanh toán nội địa (thẻ ATM) sẽ được “tân trang” bằng công nghệ thẻ chip tiên tiến trên thế giới. Người dùng sẽ được hưởng lợi như thế nào và mức phí phải trả liệu có tương ứng?

Hiện nay, việc thanh toán mua sắm hàng hóa dịch vụ bằng thẻ đang dần phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, đa phần người dùng lại sử dụng các loại thẻ quốc tế (thẻ tín dụng – credit, hoặc thẻ ghi nợ - debit), còn các loại thẻ nội địa thì hầu như chỉ để rút tiền tại trụ ATM hoặc để giao dịch qua internet Banking.

Trong bối cảnh đó, mới đây Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) chính thức “lên đời” cho thẻ thanh toán nội địa với chuẩn thẻ mới, sử dụng công nghệ thẻ chip thay cho thẻ từ cũ với kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen sử dụng thẻ thanh toán của người Việt.

An toàn hơn

Trên thực tế, dù muốn hay không, chúng ta sẽ phải hoàn tất đổi thẻ ATM từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chip. Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, các ngân hàng thương mại sẽ phải chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng máy POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Đến cuối năm 2020, toàn bộ thiết bị tại điểm giao dịch phải đạt tiêu chuẩn và đến cuối năm 2021 thì toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành sẽ phải “biến mất”.

Một trong những lý do để khách hàng cần chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip là yếu tố bảo mật. Theo đại diện NAPAS, thẻ chip nội địa đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế EMV. Đây cũng là chuẩn mà các tổ chức thẻ quốc tế như Visa hay Mastercard đang áp dụng, giúp hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ. “Dù có nhiều công nghệ hỗ trợ nhưng việc thẻ từ bị skimming (lấy cắp thông tin) vẫn còn tồn tại rất nhiều. Do đó, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa là rất cần thiết và cần nhanh chóng”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nhận định.

Bên cạnh việc bảo mật thông tin chủ thẻ tốt hơn, thẻ chip cũng được kỳ vọng sẽ giúp cho người dân Việt Nam dễ dàng thanh toán hơn trong tương lai bởi có thêm nhiều chức năng được cộng gộp. Nhờ khả năng lưu trữ thông tin nhiều hơn, thẻ chip có thể sử dụng để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ, hoặc tích hợp các ứng dụng thanh toán trong giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục, thanh toán nhiều dịch vụ công ngay trên cùng một chiếc thẻ.

Không tăng phí với thẻ chip

Với các ngân hàng, việc chuyển đổi hơn 70 triệu thẻ từ hiện đang lưu hành lại là một thách thức lớn, không chỉ bởi phí phát hành thẻ chip cao hơn nhiều lần so với thẻ từ (phí phôi thẻ đã cao hơn từ 5-7 lần), mà còn phải nâng cấp hệ thống các điểm chấp nhận thẻ.

Do đó, ở góc độ người dùng, câu hỏi đặt ra là liệu các loại phí liên quan đến việc chuyển đổi hay sử dụng thẻ công nghệ mới có tăng lên hay không. Tất nhiên điều này còn tùy thuộc vào chính sách riêng của từng ngân hàng trong từng giai đoạn, nhưng hiện tại hầu hết các ngân hàng cho biết sẽ hỗ trợ tối đa khách hàng chuyển thẻ trong thời gian sớm nhất.

NAPAS dự kiến nâng cấp cho các thẻ ATM lên chuẩn EMV. Ảnh: Đỗ Hoa

Chẳng hạn, đại diện TPBank cho biết ngân hàng sẽ có những chương trình ưu đãi phí cho khách hàng trong giai đoạn đầu chuyển đổi. “Tùy vào tình hình thực tế triển khai, chúng tôi sẽ đưa ra những chương trình cụ thể về mức phí và ưu đãi. Hiện tại, các loại phí người dùng trả cho loại thẻ mới này không có thay đổi gì so với thẻ cũ và chúng tôi vẫn miễn phí giao dịch rút tiền như thẻ cũ”, ông Hưng, TPBank cho biết. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết ngân hàng sẽ không thay đổi phí phát hành và phí thường niên hay thu thêm phí khác liên quan đến việc sử dụng thẻ chip, đồng thời thực hiện chuyển đổi miễn phí cho khách hàng có nhu cầu trong tháng 6 và tháng 7.

TPBank và Sacombank là 2 ngân hàng tư nhân trong số 7 nhà băng thực hiện việc phát hành thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip từ đầu tháng 6 và bắt đầu chuyển đổi thẻ. Các nhà băng còn lại bao gồm 4 ngân hàng quốc doanh lớn là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và ngân hàng còn lại là ABBank. Bên cạnh các ngân hàng đăng ký “tiên phong” đổi thẻ trước, nhiều ngân hàng khác cho biết cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa. Theo bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NAPAS, đơn vị này sẽ triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch lên đến 80% (tùy theo loại giao dịch) cho các ngân hàng hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa từ 1-5-2019.

Thẻ thanh toán nội địa được “lên đời” trong bối cảnh các hình thức thanh toán hiện đại khác trên thiết bị di động như Ví điện tử hay QR Code hiện ngày càng phổ biến hơn; tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đặt kỳ vọng lớn vào thẻ thanh toán nội địa. “Thẻ nội địa đã tiến lên một bước phát triển mới và chúng tôi kỳ vọng rằng số lượng và doanh số thẻ nội địa trong thời gian tới sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ”, đại diện Sacombank bình luận. Còn ông Hưng, TPBank, tin rằng “Trong khoảng 4 -5 năm nữa, việc thanh toán qua thẻ nội địa vẫn là phổ biến”.

Dũng Nguyễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối