Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Lên phương án với dịch Ebola

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến sáng hôm qua (7-8), đã có hơn 1.700 người nhiễm vi rút Ebola, trong đó gần 1.000 người tử vong. Bên cạnh đó, tại Philippines, ngành y tế nước này đang đối phó với nỗi lo dịch bệnh lây lan khi họ đã phát hiện bảy trường hợp nghi nhiễm Ebola. Thêm vào đó, gần 700 lao động Việt Nam sẽ được sơ tán từ Libya về nước ít nhiều khiến dư luận quan tâm.

Phòng dịch từ cửa ngõ

Bác sĩ Nguyễn Đình Anh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ Y tế đã kết hợp với các bộ ngành có liên quan (Giao thông Vận tải, Công an, Ngoại giao...) để kết hợp cùng nhau kiểm soát, giám sát những người từ vùng có dịch để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh không vào Việt Nam. Theo đó, tất cả các trường hợp nhập cảnh có biểu hiện sốt, ngành y tế sẽ cách ly, làm xét nghiệm và lên phương án điều trị. Theo ông, hiện Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng đang kết hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Cơ quan Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) lên kế hoạch ứng phó bằng các biện pháp y tế hiện đại nhất để ngăn chặn đại dịch này.

Nhân viên y tế đang thực hiện các biện pháp phòng chống sự lây lan của vi rút Ebola tại Sierra Leone. Ảnh: NBC
Nhân viên y tế đang thực hiện các biện pháp phòng chống sự lây lan của vi rút Ebola tại Sierra Leone. Ảnh: NBC

Tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, sở này đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tăng cường giám sát để phát hiện, có biện pháp phòng ngừa và điều trị khi có ca bệnh do vi rút Ebola xuất hiện trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là các quận, huyện có nhiều người nước ngoài nhập cư, du lịch hoặc di chuyển từ vùng nguy cơ cao đến như khu vực phường Phạm Ngũ Lão (quận 1).

Theo cơ quan y tế, dịch Ebola có thể lây lan vào Việt Nam qua các đối tượng: công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch; công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh Việt Nam; người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm vi rút Ebola; người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm vi rút Ebola. Ông Hưng cho biết, các cơ quan chức năng tại TPHCM đang theo dõi, cập nhật chặt chẽ thông tin diễn biến bệnh do vi rút Ebola trên thế giới, đồng thời tập trung giám sát để phát hiện ca bệnh ngay từ cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất và các cảng quốc tế. Các bệnh viện lớn thông qua những dấu hiệu dịch tễ nghi ngờ bệnh, sớm có biện pháp theo dõi để có hướng cách ly, điều trị bệnh. “Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM tăng cường thông tin, kiến thức về dịch bệnh đến cho người dân để chủ động phòng chống”, ông Hưng nói.

[box type="info"] Vệ sinh cá nhân giúp hạn chế lây lan

Theo thông tin tư vấn từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện Bộ Y tế chưa có phác đồ cụ thể điều trị vi rút Ebola nhưng người dân có thể phòng chống bệnh nhờ vệ sinh cá nhân sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh.

Nên hạn chế tiếp xúc gần: Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nghiêm trọng được xếp vào nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm bởi cơ chế lây lan nhanh. Vi rút Ebola được lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tương tự, vi rút cũng lây truyền từ người mắc bệnh sang người lành do sự tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch...), các vết xước trên da, máu của người mắc bệnh Ebola.

Giữ vệ sinh cá nhân: Để chủ động phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Nên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn. Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. Ngoài ra, không nên cầm, nắm các vật đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó. Nếu người dân nào đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt thì cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo thông tin từ WHO, dịch Ebola hiện nay có tỷ lệ cứu sống là 40%; nếu được điều trị và chăm sóc tốt có thể cứu sống người đã mắc bệnh. Hiện, vi rút Ebola chưa có vắc xin để phòng ngừa. Vì vậy, người dân cần thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng bệnh.[/box]

Sẵn sàng các biện pháp

 Những địa điểm khởi phát dịch Ebola tại châu Phi. Ảnh: MSF

Những địa điểm khởi phát dịch Ebola tại châu Phi. Ảnh: MSF

Đại diện cho khối điều trị, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TPHCM) cho biết, bệnh viện này cũng đang chờ chỉ đạo cụ thể của Sở Y tế thành phố về các phương án dự phòng và điều trị. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hiện đã có khu cách ly sẵn sàng từ những mùa dịch bệnh trước đây như cúm A/H1N1; A/H5N1, các loại máy thở, máy truyền dịch đã sẵn có.

Cũng theo ông Châu, nếu phát hiện bệnh chủ yếu cách ly, bệnh nhân được chăm sóc hỗ trợ tích cực. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng chỉ có phương án điều trị cho những bệnh nhân Ebola theo triệu chứng: nếu bệnh nhân sốt cho uống thuốc hạ sốt, bệnh nhân nặng, bị mất nước, cần bù nước đường uống bằng các dung dịch chứa chất điện giải hoặc bằng dịch truyền tĩnh mạch; nếu bệnh nhân thiếu máu thì truyền máu. Theo ông Châu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang chuẩn bị kế hoạch trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế và tập huấn cho họ về những kỹ năng cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, không thể đánh giá được khả năng điều trị cứu sống bệnh này vì 90% các bệnh nhân ở Tây Phi mắc phải đều tử vong. Giới bác sĩ cũng chia sẻ với cảm xúc rất thật rằng lúc này việc cấp cứu và điều trị chết hay không là tùy thuộc vào cơ địa của bệnh nhân có chống chịu được loại virus này hay không mà thôi. Bác sĩ Châu cũng đưa ra ý kiến, bất kỳ bệnh viện nào cũng có thể điều trị bệnh này vì chủ yếu là việc cách ly tốt, huấn luyện cho nhân viên kỹ năng chăm sóc, điều trị và phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn. Bệnh nhân nhiễm bệnh được phát hiện ở địa phương nào sẽ được đưa đến bệnh viện ở tại địa phương đó chăm sóc, điều trị để tránh lây lan rộng hơn trong cộng đồng.

Tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã tổ chức một phòng khám lớn gần sân bay quốc tế Nội Bài để cách ly, điều trị người nghi nhiễm vi rút Ebola nhập cảnh Việt Nam và sẵn sàng mọi máy móc để phát hiện bệnh. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm đủ chuẩn đảm bảo an toàn sinh học cấp 4, do vậy ngành y tế đang lên kế hoạch tập huấn, trang bị phòng hộ cho cán bộ phòng xét nghiệm lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu theo quy chuẩn quốc tế. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM đã có phòng xét nghiệm đảm bảo an toàn sinh học cấp 3, nếu có trường hợp nào nghi nhiễm do vi rút Ebola tại Việt Nam, mẫu bệnh phẩm sẽ được thu thập, bảo quản và vận chuyển theo đúng quy định về hai viện này.

Người đứng đầu ngành y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố cũng phải xây dựng kế hoạch phòng, chống trên địa bàn, chủ động ứng phó cách ly người bệnh kịp thời; các đội phòng chống dịch, đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng làm nhiệm vụ và thường trực chống dịch...

[box type="info"] Theo WHO, triệu chứng lâm sàng do vi rút Ebola rất dễ bị nhầm với các bệnh siêu vi khác như sốt, suy nhược, đau đớn, khó chịu... Tuy nhiên, các triệu chứng đặc thù của bệnh là mất dịch do tiêu chảy, nôn, xuất huyết hay khạc ra máu sẽ xuất hiện ngay sau đó. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị nổi ban, mắt đỏ, nấc hoặc bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.

Nguyên nhân là do vi rút Ebola tạo ra các cục máu đông nhỏ trong máu của người bệnh. Cục máu ngày càng nhiều lên khiến dòng chảy của máu bị chậm lại và không đủ nuôi các cơ quan trong cơ thể như gan, não, phổi, thận, ruột, mô vú... Khi các cục máu đông bị tắc ở các mạch máu sẽ dẫn đến hình thành nên các đốm đỏ trên da của người bệnh. Những đốm đỏ này sẽ ngày càng to khi bệnh trở nặng. Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ bị chảy máu từ miệng, mắt, tai, mũi và những vết hở trên da. Người bệnh tử vong do mất quá nhiều máu, suy thận hoặc bị sốc.[/box]

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối