(SGTT) - Lễ hội Khô Già Già là một nghi lễ tâm linh của người Hà Nhì vùng biên ải Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đây là nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thần rừng, thần nước mang đậm bản sắc của người Hà Nhì, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Theo phong tục, Lễ hội "Khô Già Già" theo tiếng Hà Nhì có nghĩa là bội thu. Lễ hội sẽ được tổ chức trong ba ngày vào đúng ngày thìn tháng 6 Âm lịch hàng năm, với mong muốn thần đất, thần rừng, thần nước, thần tình duyên bảo vệ con người khỏe mạnh, phù hộ cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chăn nuôi phát triển, mùa vụ bội thu. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 2 đến 4-7, tại trung tâm xã Y Tý.
Công tác chuẩn bị cho lễ hội luôn được mọi người dân đồng tình hưởng ứng, ngoài các khoản đóng góp cho việc tổ chức cúng tế, mỗi gia đình sẽ cử một người lên núi cắt khoảng năm bó cỏ gianh đem về lợp mái lán để thực hiện nghi lễ tế thần.
Ngoài mong ước về một mùa màng bội thu no đủ, lễ hội Khô Già Già còn thể hiện sự tôn kính của đồng bào người Hà Nhì với thần rừng, thần núi và thần đất trời. Nơi chọn diễn ra lễ hội phải là nơi cao nhất trong làng. Hướng làm lễ sẽ quay về hướng Đông, hướng của mặt trời mọc.
Điều đặc biệt trâu tế thần là con vật không thể thiếu đối với lễ hội. Trâu được chọn để làm lễ phải là con đực to khỏe, màu đen tuyền, trên thân trâu không có bất cứ một đốm trắng hay vết trầy xước nào.
Lễ hội bắt đầu khi thầy cúng thực hiện xong nghi lễ, trâu sẽ được dắt ra buộc vào cột đu đã chuẩn bị sẵn. Các thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất trong làng sẽ lấy dây da buộc chặt chân trâu lại, cùng nhau dùng sức mạnh giật cho trâu ngã ra. Ngay sau đó thầy cũng sẽ thực hiện công đoạn lấy một nắm cỏ gianh đã chuẩn bị sẵn xoa và buộc vào mõm của con vật để không phát ra tiếng kêu.
Người được chọn để chôn cột đu sẽ là người thực hiện nhiệm vụ mổ trâu tế thần. Sau đó thanh niên trong làng sẽ tiến hành xẻ thịt trâu chia đều cho các gia đình trong bản mang về nhà làm lễ cúng tổ tiên và bắt đầu tổ chức ăn uống vui vẻ.
Theo quan niệm của người Hà Nhì, tổ chức cúng lễ và mở hội vui chơi vào buổi chiều tối sẽ giúp thần gió, thần đất được nghỉ ngơi yên tĩnh. Mâm cỗ cúng tổ tiên của người Hà Nhì thường có rượu nếp, thịt trâu, chè gừng, bánh dầy… Đặc biệt những gia đình mang mâm cỗ ra cúng tại khu vực lán tế thần phải là những gia đình làm ăn phát đạt, không gặp những điều xui rủi trong năm qua.
Lễ hội Khô Già Già cũng là dịp để các nam thanh nữ tú trong bản có dịp gặp nhau tìm hiểu tâm sự giao duyên. Lễ hội cũng không thể thiếu được các điệu múa truyền thống của người Hà Nhì và các trò chơi dân gian như đu dây, bập bênh, hát giao duyên, thổi kèn lá… được các nam thanh nữ tú và các chị các mẹ luôn nhiệt tình hưởng ứng tham gia.
Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì Đen ở Y Tý không chỉ độc đáo, thú vị mà còn mang đến những trải nghiệm quý giá cho du khách gần xa mỗi dịp đến đây thăm quan, du lịch, thưởng thức những sản vật đặc sắc mà chỉ có ở người Hà Nhì.
Với những nét riêng độc đáo kể trên, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015.
Ngọc Lương