BẢO HƯỚNG -
“Tôi biết tôi mới nói
tôi nhớ tôi mới kể
tôi nhận ra điều đó tôi mới bảo
trâu ăn cỏ để lại dấu vết
cỏ tranh trâu đi qua để lại dấu vết mới biết
con trâu tắm bùn con nai nằm ngủ đều để lại dấu vết…”.
Giọng trầm ấm của K’Vâng – chàng trai kiểm lâm kiêm dẫn đường người K’Ho lai Ê Đê – vang lên trong đêm tĩnh mịch núi rừng. Ánh lửa từ đống củi bập bùng hắt lên từng khuôn mặt và nghiêng nghiêng trên những chiếc lều lúp xúp vây quanh. Chúng tôi co ro trong chiếc áo dày, vây quanh đống lửa, hơ tay cho ấm và lắng nghe K’Vâng ngân nga huyền sử tộc người K’Ho, xen lẫn là tiếng gió rít qua từng kẽ lá trên đỉnh Bidoup.
Leo Bidoup là ý tưởng bất chợt khi chúng tôi mệt nhoài giữa phố thị bụi bặm khói xe, muốn lên rừng, hòa vào thiên nhiên trong lành, làm mới lại bản thân sau chuỗi ngày cần mẫn làm việc. Vậy là rủ rê nhau thành nhóm, rồi gọi điện cho K’Vâng – anh chàng kiểm lâm tại Vườn quốc gia Bidoup nhờ lo thủ tục và cũng chính K’Vâng sẽ là bạn đồng hành – dẫn đường cho chúng tôi suốt hành trình hai ngày một đêm chinh phục Bidoup – “nóc nhà” Tây Nguyên với độ cao 2.287 m.
Bidoup đón chúng tôi bằng ly sữa đậu nành ấm nóng trong hai tay khi xe khách vừa đến Đà Lạt giữa hừng đông, sau đó là ánh nắng vàng nhẹ trải từ Đà Lạt dọc tỉnh lộ 723 đến trạm kiểm lâm Klong Klanh, mùi hoa cỏ ngai ngái. Và miên man xanh ngát của cánh rừng. Len lỏi giữa cây là cây, K’Vâng như một ông thầy đầy am hiểu thiên nhiên, chỉ cho chúng tôi từng loại cây, tai nấm. Mọi người giật mình xen lẫn thích thú khi lần đầu tiên tận mắt thấy cây lá ngón, hoa màu vàng cam rất đẹp nhưng lại rất độc, và thường được lưu truyền bí ẩn qua chuyện kể. Tiếng ồ à ngạc nhiên vang lên khi dân thị thành nhặt được quả óc chó, còn K’Vâng thì thật thà nói quả này tới mùa rụng nhiều lắm mà chẳng biết để làm gì, thấy sóc tha đi thôi.
Lần lượt chúng tôi đi qua hệ sinh thái đặc trưng đa dạng, đây thông hai lá, sồi ba chồi, và nếu may mắn còn nhặt được cả lá phong vàng. K’Vâng kể, đến mùa, đỗ quyên sẽ rực rỡ cả cánh rừng này. Thỉnh thoảng, anh chàng người K’Ho đó giơ tay suỵt khẽ và lắng nghe tiếng ríu rít xa xa vọng lại của Mi Langbiang hay một gia đình heo rừng đang ủi đất đâu đó.
Leo núi, vượt rừng, sợ nhất là mưa. Bidoup “ưu ái” tặng chúng tôi một cơn mưa rừng “chợt đến, chợt đi” y như Sài Gòn. Mưa làm bước chân nặng hơn, vướng víu hơn và phải tinh mắt hơn vì sau cơn mưa họ hàng nhà vắt ở đâu lũ lượt kéo đến, “vắt ông, vắt cha, vắt con, vắt cháu” sẵn sàng nhảy bổ vào những kẻ thị thành. Sau khi vượt qua những ngọn dốc đứng mà “người trước kéo, người sau đẩy” chúng tôi đã đặt chân lên “nóc nhà” Tây Nguyên. Trời sụp tối rất nhanh, các anh người K’Ho dẫn đường nhanh nhẹn hạ lều, nhóm lửa, nấu cơm, nướng thịt. Có lẽ đó là bữa cơm ngon nhất sau một ngày dài “hành xác”, và giấc ngủ yên lành giữa thiên nhiên hòa tấu.
Có bao giờ bạn ngắm bình minh trong rừng? Ô, cây rừng che tán làm sao thấy mặt trời? Nhưng bạn sẽ thấy điều kỳ diệu khác, nắng len qua kẽ lá, rót xuống từng tia đủ sắc màu giữa màn sương mờ tỏ. Cảnh sắc lúc ấy chỉ có thể cảm nhận mà chẳng bút mực nào tả được.
[box] Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 50 km theo tỉnh lộ 723, hiện đang được đề nghị UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây bảo tồn các hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu nhiệt đới, núi cao và các loài động thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm, góp phần cho việc bảo tồn sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ. [/box]
Xuống núi, qua chặng đường gia đình nhà vắt, bạn có thể chạm tay vào thân cây pơ mu đại thụ hơn 1.300 tuổi, cao hơn 40 m, và đến ba người ôm vẫn chưa hết vòng cây. Miệt mài đi tiếp, chúng tôi bước sang rừng lá thông trải dài, mát rượi, cảnh sắc tươi vui ngập tràn nắng gió, khung cảnh đẹp đến mức mọi người hạ ba lô, nằm xuống thảm lá, ngắm trời mây và nghe gió hát. Từ đây chỉ còn là con đường thoai thoải xuống núi.
Đến với Vườn quốc gia Bidoup, bạn có thể thăm, khám phá cộng đồng người K’Ho Cil sinh sống dưới chân núi, cạnh dòng Đa Nhim. Bạn có thể nếm thử vị thức ăn hàng ngày, thử dệt một tấm thổ cẩm hay hòa vào đời sống tinh thần của họ. Hay chọn tuyến du lịch sinh thái Hòn Giao-Giang Ly, để lắng nghe, quan sát các loài chim đặc hữu và hiểu thêm về giá trị đa dạng sinh học của vườn quốc gia gắn liền với văn hóa bản địa.
Còn nếu bạn đủ khát khao chinh phục thì cùng hướng đến đỉnh Bidoup, ngọn núi cao nhất ở cao nguyên Lâm Viên, thuộc xã Đa Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt khoảng 50 km về phía Đông Bắc, nằm gần giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng ở phía Nam Tây Nguyên.
Từ Sài Gòn, bạn có thể gọi đến hãng xe Mai Linh hay Phương Trang để đi đến Đà Lạt và tiếp tục chạy xe máy đến Vườn quốc gia Bidoup. Chinh phục Bidoup là một hành trình đẹp như mơ bởi những cung đường mây phủ, những cánh rừng thông, rừng tre trùng điệp, rừng già nguyên sinh, cây pơ mu đại thụ, núi non hùng vĩ…
Leo Bidoup đẹp nhất là từ tháng 12 đến tháng 4, khi tiết trời vào xuân và mùa khô, nếu may mắn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cánh rừng đỗ quyên rợp trời như tranh vẽ. Tuyệt đối tránh đi vào mùa mưa bão lớn từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10. Có hai đường lên được đến đỉnh: từ ĐT 723-trạm Bidoup-đỉnh Bidoup-trạm Klong Klanh (27 km); hay từ trạm Klong Klanh-đỉnh Bidoup-trạm Bidoup-ĐT 723 (27 km), trong đó có 10 km đường xe be và 17 km đường bộ.