Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Li-Fi có thể thay thế Wi-Fi

HOÀNG XUÂN PHƯƠNG -

Một loạt công ty công nghệ truyền dẫn vô tuyến như Velmenni, Oledcomm hay pureLiFi đã sẵn sàng để đưa bộ truyền tín hiệu Internet bằng ánh sáng Li-Fi vào thị trường, thay thế bộ truyền dẫn bằng sóng radio Wi-Fi phổ biến hiện nay.

li-fi Giáo sư Harald Haas đang cầm trên tay một thành phần quan trọng của hệ thống Li-Fi dựa trên đèn LED.

Những thí nghiệm thực tế cho thấy tốc độ truyền bằng ánh sáng đèn LED cao gấp 100 lần so với Wi-Fi, đạt đến tốc độ 1 Gbps (gigabit/giây), và nhờ đó có thể truyền tải một bộ phim HD chỉ trong vài giây. Đèn LED được sử dụng vì nhờ vào hai ưu thế được xem là đặc tính của ánh sáng: tốc độ nhanh và tính nhị phân đều đặn.

Giáo sư Harald Haas tại Đại học Edinburgh, nhà phát minh Li-Fi và cũng là người sáng lập Công ty pureLiFi, cho biết các tần số ánh sáng dùng để truyền dẫn tín hiệu Internet chỉ ở độ dài cực ngắn nanosecond nên mắt người không bị ảnh hưởng vì không thể cảm nhận những thay đổi ánh sáng trong bóng đèn. Các sóng truyền bằng ánh sáng không thể xuyên qua tường vì thế có thể bảo mật tối đa cho người sử dụng, và hiện tại các thiết bị của pureLiFi đưa vào thị trường áp dụng tốc độ thực tế 10 Mbps (megabit/giây), ổn định và nhanh hơn nhiều lần so với Wi-Fi nhưng không quá nhanh để làm đảo lộn thói quen của người sử dụng.

Thuật ngữ Li-Fi (light fidelity) được giáo sư Haas định nghĩa và trình diễn lần đầu tiên tại diễn đàn công nghệ TED Talk 2011. Theo đó, Li-Fi cũng truyền dẫn dữ liệu trên phổ điện từ, nhưng không phải bằng dải tần số của sóng radio như kỹ thuật Wi-Fi mà bằng tần số ánh sáng. Bề rộng của dải tần số ánh sáng lớn gấp 10.000 dải tần số radio, trong khi việc sử dụng tần số radio hiện nay đang bị hạn chế, phải xin phép vì liên quan đến nhiều hoạt động khác nhau của con người. Vì thế Li-Fi sẽ có môi trường ứng dụng rộng rãi, không sợ trùng lặp.

Khả năng phân tích nhị phân (mở, tắt) cực nhanh tới cấp nano mỗi giây trên mỗi điện cực hay di-ốt bán dẫn GaN làm cho mắt người không thể cảm nhận sự thay đổi nơi ánh sáng đèn LED, nay được dùng để truyền tín hiệu Internet. Trước đó, dự án Ultra Parallel Visible Light Communications cũng đã nghiên cứu kết hợp công nghệ truyền dữ liệu với công nghệ chiếu sáng, với sự tham dự của sáu trường đại học gồm Oxford, Cambridge, Edinburgh, St Andrews và Strathclyde, do Engineering and Physical Sciences Research Council, Anh Quốc tài trợ.

Các nhà chuyên môn cho rằng Li-Fi sẽ là tương lai của Internet di động và sẽ nhanh chóng thay thế Wi-Fi nhờ chi phí thấp, độ chính xác cao và tạo sự kết hợp đồng bộ giữa hệ thống truyền tín hiệu với hệ thống chiếu sáng. Các thiết bị thông minh nơi các kiến trúc, trong các gia đình hay nơi mỗi căn phòng sẽ nhận được tín hiệu Internet và đi vào hoạt động ngay khi bóng đèn được bật lên. Mặt khác, mật độ truyền tải dữ liệu cũng tăng theo số lượng di-ốt hay điện cực bán dẫn lắp đặt bên trong mỗi bóng đèn.

Phổ ứng dụng rộng và sự tiện dụng của Li-Fi thu hút một làn sóng đầu tư vào các công ty công nghệ và các trung tâm nghiên cứu. Về lý thuyết, điện cực GaN có thể tạo tốc độ truyền dẫn lên 224 Gbps, nhưng trên thực tế, Viện Fraunhofer Heinrich Hertz ở Đức mới chỉ đạt được tốc độ 3 Gbps, và mới đây một nhóm nghiên cứu tại Anh Quốc cho biết họ đã đạt đến 10 Gbps, trong khi một nghiên cứu khác tại Trung Quốc đạt được tốc độ 150 Mbps. Tốc độ truyền dẫn của Li-Fi cũng tùy thuộc một phần vào công thức chế tạo di-ốt bán dẫn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối