Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Liên kết đào tạo, đôi bên cùng lợi

ThS. Trịnh Thị Hiền, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM -

Có một nghịch lý đang tồn tại theo dạng “khổ lắm, nói mãi” giữa giáo dục và nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp, đó là sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong khi các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động sau đào tạo đáp ứng nhu cầu. Để giải quyết vấn đề này, sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp đang được xem là cách làm khả quan.

“Sản xuất” theo đơn hàng

hinh-bai-lao-dongThay vì tuyển dụng theo thời vụ, mô hình “đặt hàng” lao động đang được xem là hướng đi đúng đối với cả doanh nghiệp và nhà trường. Ảnh: Thành Hoa

Hiện nay, các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo có tính khả thi và phổ biến là hệ thống giáo dục nghề nghiệp cung cấp cho doanh nghiệp những nguồn nhân lực cao theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có các hình thức hợp tác, trao đổi và tiếp nhận chuyên gia, cố vấn, các hoạt động và dịch vụ khoa học, ứng dụng khai thác và tư vấn khác…

Về phía doanh nghiệp, việc tham gia vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư phát triển, làm cho doanh nghiệp có thêm quyền và cơ hội lựa chọn những người có năng lực chuyên môn vào làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng có cơ hội quảng bá hình ảnh của mình với xã hội. Về phía hệ thống cơ sở đào tạo, quá trình hợp tác với doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, học viên tại các trường có đầu ra ổn định.

Với người học, việc nhận được sự đầu tư tài chính và được tiếp cận thực tiễn các quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ góp phần điều chỉnh nhận thức; nâng cao khả năng thực tiễn trong cuộc sống, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, giảm những phí tổn học hành cả về tài chính, thời gian và tâm sức…

Doanh nghiệp lớn đã thực hiện

Hiện nhiều cơ sở giáo dục, các trường đại học trên cả nước đã thành lập trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên. Nhiệm vụ của các trung tâm này là hỗ trợ sinh viên tìm việc làm, các hoạt động dịch vụ việc làm, cho sinh viên đi thực tập cuối khóa, đi tham quan, tìm hiểu thực tế, hướng nghiệp… Có trung tâm còn tiếp nhận đơn đăng ký việc làm của sinh viên và nhu cầu tiếp nhận từ các doanh nghiệp, tạo cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số trường đại học cũng đã đăng ký với các công ty, nhà máy, xí nghiệp xác định nhu cầu nhân sự của các đơn vị này hàng năm, giai đoạn 5 năm, 10 năm… để từ đó có kế hoạch đào tạo theo sát với nhu cầu của thị trường lao động, giảm thiểu lãng phí xã hội trong quá trình đào tạo.

Có thể kể đến mô hình này như Đại học Lạc Hồng ký kết với hơn 500 công ty, nhà máy, xí nghiệp ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… để tiếp nhận học viên thực tập cuối khóa. Với hoạt động này, Đại học Lạc Hồng đã “biến” công ty nhà máy, xí nghiệp thành nơi thực hành cho sinh viên của mình.

Trường hợp thứ hai là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Đại học Kinh tế-Luật TPHCM đã ký kết hợp tác. Theo đó, những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực ngân hàng có tính ứng dụng cao sẽ được ứng dụng vào hoạt động của ngân hàng, mặt khác ngân hàng sẽ có cơ hội quảng bá thương hiệu của mình trong các hoạt động của trường. Sinh viên trường này cũng được ưu tiên nhận những suất học bổng từ ngân hàng và ngân hàng cũng tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập thực tế có nhiều cơ hội thực tiễn trong công việc.

Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn. Vì có quy mô nhỏ nên năng lực tài chính của doanh nghiệp còn rất hạn hẹp để dành cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Giải pháp mà các doanh nghiệp nhỏ đưa ra là thường xuyên tìm kiếm trên thị trường lao động để tuyển dụng các vị trí mà công ty đang thiếu hụt. Điều này dẫn đến sự bị động trong công việc mà đôi khi nhân sự tuyển vào chưa thực sự đáp ứng được yêu của doanh nghiệp. Đó là lý do nếu nhà trường và doanh nghiệp chủ động bắt tay nhau, ký kết hợp đồng đào tạo sẽ góp phần quan trọng giải quyết việc làm đúng chuyên môn, giảm thiểu những phí tổn xã hội nói chung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối