(SGTTO) - Tại lễ ký kết và công bố chương trình liên kết hành động phục hồi và phát triển du lịch ba địa phương chiều nay, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều đồng ý rằng việc liên kết là cực kỳ cần thiết và quan trọng.
Liên kết là vấn đề sống còn
“Liên kết hợp tác phát triển là vấn đề sống còn đối với hoạt động du lịch”, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ tại buổi lễ ký kết và nói thêm hơn lúc nào hết, cần thiết phải có sự chung tay góp sức của các ngành có liên quan, chính quyền các địa phương phải tỏ rõ quyết tâm, phải thật sự vào cuộc với tinh thần hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.
Ông Thọ cũng nói thêm theo dự báo từ nay đến cuối năm 2020, khách du lịch nội địa sẽ chiếm tới 95% tổng lượng khách trong năm 2020. Từ dự báo này cũng như qua các khảo sát đánh giá và thực tế gần đây, nhiều giải pháp đã được đề xuất, tập trung vào vấn đề làm thế nào để kích cầu du lịch nội địa, để du lịch nội địa bù đắp được cho việc sụt giảm nghiêm trọng lượng khách quốc tế, giảm bớt thiệt hại cho các doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
“Vì vậy sự chung tay của ba địa phương miền Trung với thông điệp “Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam an toàn và mến khách” là cực kỳ quan trọng, giúp hồi phục nhanh sau Covid-19.
Có cùng chung quan điểm, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết du lịch là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng đầu tiên, nặng nề nhất của nền kinh tế khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng đây cũng sẽ là ngành khôi phục nhanh nhất sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Chương trình liên kết hành động phát triển du lịch “ Ba địa phương – Một điểm đến” được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ, cung cấp cho du khách nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, chất lượng cao với giá ưu đãi và nhanh chóng giúp khôi phục thị trường khách nội địa và chuẩn bị cho công tác xúc tiến, khôi phục các thị trường khách quốc tế trong thời gian đến.
“Để chương trình đi vào thực chất, tôi đề nghị hiệp hội du lịch ba địa phương phối hợp, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đồng hành chú ý đến chất lượng dịch vụ, nâng cấp sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách; tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch; đặc biệt cần chú ý công tác phòng chống dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, vận chuyển du lịch đảm bảo an toàn cho khách du lịch”, ông Chinh cho biết.
Cam kết đưa ra những sản phẩm chung
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết năm ngoái ba địa phương miền Trung tổng cộng thu hút hơn 20 triệu khách du lịch, trong đó có 10 triệu khách du lịch quốc tế. Vì vậy, việc phục hồi dần thị trường này là rất quan trọng và liên kết tốt giữa 3 địa phương miền Trung sẽ tạo điều kiện để thực hiện điều này.
Cụ thể tại buổi lễ, lãnh đạo 3 tỉnh cùng thống nhất hợp tác thực hiện nội dung kích cầu và phát triển du lịch chung với nhiều cam kết.
Lãnh đạo ba địa phương tạo các cơ chế chính sách thuận lợi nhất để triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch với thông điệp “Điểm đến Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam an toàn và mến khách”. Ba địa phương cùng cam kết là Điểm đến du lịch an toàn và mến khách đáp ứng các tiêu chí về an toàn phục vụ khách du lịch; có chính sách ưu đãi khuyến mãi tốt cho du khách và doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến 3 địa phương.
Ba địa phương cùng thống nhất kế hoạch hành động tại các thị trường nguồn khách trong và ngoài nước, cùng xây dựng và kết nối các sản phẩm có giá trị riêng và chung của mỗi địa phương để tạo thành chuỗi dịch vụ trong bộ sản phẩm 3 địa phương một điểm đến và thống nhất nội dung truyền thông, quảng bá du lịch chung cho cả ba địa phương trên các kênh thông tin, truyền thông của Trung ương và các địa phương.
“Trên cơ sở biên bản hợp tác được ký kết hôm nay, các chương trình hợp tác cụ thể sẽ được ba bên bàn bạc, thống nhất thành kế hoạch hành động cụ thể và ký thành phụ lục”, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ với TBKTSG Online. Ông cho biết thêm quá trình triển khai nội dung đã ký kết sẽ thường xuyên duy trì đối thoại giữa lãnh đạo các Bên nhằm tháo gỡ và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Ba địa phương thống nhất thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động, trong đó 3 đồng chí lãnh đạo các địa phương là đồng Chủ tịch, cùng một số thành viên ban ngành liên quan của các địa phương.
Cũng tại sự kiện chiều nay, 30-5, đại diện hiệp hội du lịch ba địa phương ký cam kết hợp tác cùng nhau, cũng như cùng ký cam kết với một số công ty lớn như Vietravel, VietjetAir, Sun Group, Mường Thanh… để đưa ra những gói kích cầu chung
Thiết lập vùng tam giác phát triển du lịch ở miền TrungTại buổi lễ, đại diện ba địa phương cũng cam kết thiết lập vùng tam giác phát triển du lịch miền Trung.Với vai trò là điểm kết nối du lịch quan trọng giữa các vùng, trong nhiều năm qua, ngành du lịch của khu vực miền Trung ước tính đóng góp gần 20% vào doanh thu du lịch của cả nước. Hơn 80% số du khách quốc tế đến Việt Nam ghé chân tại khu vực này. Theo số liệu thống kê của các Sở quản lý Du lịch, trong năm 2019, lượng khách nội địa đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam trong năm 2019 lần lượt là 2,63 triệu lượt – 5,16 triệu lượt - 3,12 triệu lượt. Lượng khách quốc tế lần lượt là 2,19 triệu lượt – 3,52 triệu lượt – 4,66 triệu lượt khách.Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng đều bị ảnh hưởng rất nặng nề.Và với việc ký kết lần này, ba địa phương hy vọng sẽ chủ động liên kết nhằm tạo động lực thúc đẩy du lịch nội vùng và du lịch Việt Nam hồi phục.
Theo Nhân Tâm
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online