Trung tuần tháng 3 vừa qua, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với tỉnh An Giang. Đây là một trong những hợp đồng mới nhất trong khuôn khổ chương trình hợp tác thương mại giữa các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Hướng tới năng suất, chất lượng
Theo hợp đồng ký kết nói trên, Saigon Co.op sẽ tiêu thụ các sản phẩm trái cây, rau màu và đặc sản của An Giang. Đồng thời, hai bên sẽ hợp tác đầu tư các dự án theo mô hình nhà màng, nhà lưới nhằm tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm rau củ quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap có giá bán hợp lý để cung cấp cho người tiêu dùng.
Sau ba năm triển khai chương trình, Saigon Co.op đã ký kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác sản xuất nhãn hàng riêng với 104 nhà cung cấp tại các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam với doanh số đạt hơn 925 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh Saigon Co.op, một số doanh nghiệp khác của TPHCM như Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH Phạm Tôn, Công ty TNHH Ba Huân... cũng liên kết đầu tư các dự án sản xuất, chăn nuôi; ký kết hợp đồng cung ứng con giống, bao tiêu sản phẩm tại các tỉnh, thành với số vốn lên tới hàng trăm tỉ đồng. Từ những chương trình hợp tác này, các doanh nghiệp đã tạo được nguồn hàng hóa ổn định để cung ứng cho thị trường TPHCM.
Trong hai năm 2012 và 2013, Sở Công Thương TPHCM đã phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành liên tiếp tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi với nhau. Hội nghị năm 2012 đã thu hút 201 doanh nghiệp tham gia; trong đó có 101 doanh nghiệp sản xuất từ các địa phương, 34 đơn vị phân phối lớn và 66 doanh nghiệp sản xuất của TPHCM. Kết quả là đã có 43 hợp đồng nguyên tắc được các doanh nghiệp ký kết, đưa nhiều mặt hàng đặc sản của các địa phương như bánh pía Tân Huê Viên (Sóc Trăng); bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng, khóm Cầu Đúc (Hậu Giang); xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp)... vào các hệ thống phân phối Saigon Co.op, Citimart, Big C, Lotte Mart...
Năm 2013, chương trình được mở rộng đến 347 doanh nghiệp từ 23 tỉnh, thành. Trong đó bên cạnh 20 tỉnh, thành ở phía Nam còn có thêm ba tỉnh phía bắc là Bắc Giang, Bắc Kạn và Quảng Ninh. Kết quả là đã có 229 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các hệ thống siêu thị, nhà hàng của TPHCM với các nhà sản xuất ở các tỉnh.
Đôi bên cùng có lợi
Chương trình hợp tác thương mại đã giúp cho các hệ thống siêu thị tại TPHCM tìm được những nhà cung cấp nông sản, thực phẩm… uy tín tại các địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của TPHCM cũng mở rộng được mạng lưới phân phối tại các địa phương để tiêu thụ hàng hóa và tăng doanh số.
Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, hiện nay thông qua hơn 90 siêu thị do các doanh nghiệp của TPHCM đầu tư tại các tỉnh, thành phía Nam, nhiều sản phẩm hàng hóa mới đã đến tay người tiêu dùng địa phương. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp của TPHCM còn tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương. Chẳng hạn, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hệ thống siêu thị Vinatex đã tham gia chương trình bình ổn thị trường tại 6 tỉnh, thành với tổng số vốn được giao đạt 78,5 tỉ đồng; Saigon Co.op cũng tham gia bình ổn thị trường tại 10 tỉnh, thành với tổng số vốn được giao là 80 tỉ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp như Vinamilk, Vissan, Cầu Tre, Hương Mi, Fahasa… đang thực hiện chính sách một giá, áp dụng tại TPHCM lẫn các địa phương.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TPHCM, trên cơ sở chương trình hợp tác thương mại được ký kết vào cuối năm 2011, chính quyền các tỉnh, thành đã có công cụ hỗ trợ và làm cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và tăng cường phát triển hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau trong công tác nghiệp vụ để từ đó đưa ra chính sách điều hành ổn định giá cả thị trường.
Tâm An