An Minh-
Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1-8, khoảng 40 bệnh viện tuyến trung ương chính thức thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm thay vì từ ngày 1-7 như kế hoạch trước đó.
Chưa thống nhất
Ngày 20-7, bà H. ngụ ở tỉnh Đồng Nai đến Bệnh viện Thống Nhất TPHCM khám bệnh. Bà cho biết bà bị bệnh tiểu đường, và hôm trước bà bị tăng huyết áp, nhức đầu. Ban đầu, gia đình đưa bà đến bệnh viện tỉnh cấp cứu, điều trị ba ngày thì bà được cho về nhà.
Sau đó, bà tiếp tục bị sốt nên gia đình chuyển bà lên Bệnh viện Thống Nhất TPHCM. Ở đây, các bác sĩ không yêu cầu bà làm xét nghiệm lại, mà dựa vào kết quả xét nghiệm ở bệnh viện tỉnh để điều trị. Bà H. cho biết bà cảm thấy vui vì đã giảm được một khoản tiền và không mất nhiều thời gian đợi chờ.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, một bệnh nhân tên Y. nhà ở tỉnh Tiền Giang, cho biết khoảng một tuần trước ông bị sốt cao liên tục. Đến bệnh viện đa khoa tỉnh, ông được chỉ định làm xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang ổ bụng nhưng không xác định được nguyên nhân.
Nằm điều trị tại đó một tuần thì hết sốt, ông được về nhà. Nhưng ngay ngày hôm sau, ông bị sốt trở lại. Lần này, ông đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, và mặc dù ông có đưa kết quả của lần thăm khám cách đây một tuần tại bệnh viện tỉnh nhưng bác sĩ chỉ xem qua và yêu cầu làm lại toàn bộ các loại xét nghiệm như ban đầu.
Sau 10 ngày điều trị, ông Y. được chẩn đoán bị suy tủy, được chuyển đến Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Tại đây, một lần nữa ông Y. lại được chỉ định làm các xét nghiệm, chiếu chụp như ban đầu và được chỉ định làm thêm các xét nghiệm công thức máu khác.
Bác sĩ Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, cho biết hiện nay Bệnh viện Thống Nhất đã sẵn sàng liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện tương đương, mặc dù Bộ Y tế cho lùi thời gian đến ngày 1-8. Hiện nay, một số chỉ số xét nghiệm của bệnh nhân được thực hiện tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, Bộ Y tế đã liên thông. Tuy nhiên, những bệnh nặng, bệnh cần có những thông tin thêm để chỉ định phẫu thuật thì bác sĩ vẫn buộc bệnh nhân phải làm lại.
Liên thông kết quả xét nghiệm được lùi thời gian đến ngày 1-8, thay vì từ ngày 1-7 như kế hoạch trước đó. Ảnh: Hoàng Nhung
Kiểm định chất lượng
Bộ Y tế cho biết, do hiện nay chất lượng xét nghiệm giữa các bệnh viện chưa đồng đều nên bộ đang tiến hành kiểm tra các thiết bị để đánh giá độ chính xác, tin cậy của các phòng xét nghiệm, trên cơ sở đó xếp hạng các đơn vị này. Sau khi phân tích và đánh giá, bộ sẽ cho phép liên thông khoảng 100 loại xét nghiệm. Đây là những xét nghiệm cơ bản về sinh hóa, vi sinh giữa các bệnh viện trung ương.
Từ ngày 7-7, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3148/QĐ-BYT về danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm. Theo đó, sẽ liên thông và công nhận kết quả ba chuyên ngành gồm huyết học 22 xét nghiệm, sinh hoá 17 xét nghiệm, vi sinh 26 xét nghiệm. Thời gian có giá trị cho từng xét nghiệm cũng được được quy định cụ thể.
Bộ Y tế cũng quy định rõ mức chất lượng xét nghiệm được đánh giá theo căn cứ để liên thông kết quả xét nghiệm theo nguyên tắc: mức nhỏ sẽ phải công nhận kết quả xét nghiệm của các phòng xét nghiệm có mức chất lượng cao hơn hoặc bằng. Các phòng xét nghiệm đã đạt ISO 15189 chỉ áp dụng liên thông đối với các xét nghiệm có trong danh mục được công nhận.
Sở Y tế TPHCM cũng cho biết, hiện nay, các lãnh đạo bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh đang tăng cường triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng xét nghiệm tại bệnh viện, với 14 khuyến cáo cụ thể về thực hiện an toàn sinh học, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, nội kiểm, ngoại kiểm, quy trình thao tác chuẩn… Đây là những nội dung cấu thành trong bộ tiêu chí chất lượng xét nghiệm.
Hiện nay, các bệnh viện đang phối hợp với Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm TPHCM để được hướng dẫn cụ thể, cử người tham gia các buổi tập huấn của trung tâm để biết cách triển khai cho đúng các yêu cầu chất lượng xét nghiệm.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho hay theo nguyên tắc, việc liên thông kết quả xét nghiệm chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm có thể liên thông được, khi kết quả xét nghiệm đó có giá trị trong một thời gian nhất định. Bệnh viện đó chỉ sử dụng và công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác mà phòng xét nghiệm của bệnh viện khác đó có mức chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Bệnh viện xét nghiệm cho người bệnh là nơi chịu trách về dịch vụ xét nghiệm mình thực hiện.
Cũng theo ông Khuê, trong quá trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết, tất nhiên việc chỉ định xét nghiệm phải dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh. Bước đầu Bộ Y tế sẽ thí điểm mỗi chuyên ngành có 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục các xét nghiệm có thể liên thông.
Ông Trương Hùng, Phó hội trưởng Hội Thiết bị y tế TPHCM, cho rằng thời gian qua, các bệnh viện không chấp nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau gây lãng phí. Hiện nay, hai trung tâm kiểm chuẩn chất lượng nằm trong trường Đại học Y Dược TPHCM, không phải cơ quan độc lập nằm riêng.
Hiện nay, có một doanh nghiệp được xác nhận phòng xét nghiệm đạt chuẩn của Úc, không theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Nhiều cơ sở y tế tín nhiệm gửi làm xét nghiệm ở phòng xét nghiệm ấy. Đơn vị này còn nhận mẫu từ những bác sĩ gia đình, phòng khám đưa mẫu xét nghiệm và trả kết quả nhanh qua e-mail.
Theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ thực hiện liên thông xét nghiệm với các bệnh viện trong cùng một tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 sẽ liên thông xét nghiệm ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.