Chỉ mới hơn sáu tháng, từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những đau thương, mất mát, khó khăn vì dịch bệnh chưa kịp lu mờ thì người Việt Nam lại chuẩn bị đón một cơn bão mới, được dự báo ảnh hưởng nặng nề hơn, sâu rộng hơn, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xong xã hội. Cơn bão giá…
“Cơn bão” tăng giá, trong đó có tăng giá xăng và giá hàng loạt mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã làm cho người nghèo và rất nhiều doanh nghiệp nhỏ gần như hết cách để xoay xở.
Những cách như tiết kiệm chi tiêu, kiếm thêm việc để tăng thu nhập, tìm chỗ mua thực phẩm rẻ hơn… đã không đủ để bù đắp phần phải chi thêm do vật giá leo thang.
Giá cả tăng cao đã làm cho bữa cơm của nhiều người kém chất lượng hơn, khiến cho người nghèo không chỉ lo thiếu tiền trọ, tiền gửi về quê mà còn lo cữ thuốc chữa bệnh có thể không kham nổi và doanh nghiệp nhỏ phải dừng việc làm ăn.
Dưới đây là những câu chuyện mà KTSG Online đã ghi lại tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước về nỗi lo toan đó.
Giá xăng RON 95-III hiện đang ở mức kỷ lục 32.800 đồng/lít. Với nhiều người, 32.000 đồng chỉ bằng giá một ly cà phê sữa đá nhưng với ông Nguyễn Văn Diên, thợ chụp ảnh trước Bưu điện TPHCM, thì đó là gần 1/3 thu nhập trong ngày. Giá xăng tăng một chút là phần tiền dành cho tiền ăn, tiền thuốc của ông lão 80 tuổi này lại hụt đi một phần.
“Với những ngày trời đẹp, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 100.000 đồng. Từ khi giá xăng lên, số đó chi hết 30.000 đồng tiền xăng, tiền ăn 40.000 đồng, còn lại là tiền thuốc”, ông nói.
Ông Diên ở trọ một mình. Mỗi ngày ông đều chạy chiếc xe máy cũ đến trước Bưu điện thành phố để chờ khách nhưng có rất ít khách hàng, vì hiện tại gần như người nào cũng có điện thoại để tự chụp ảnh. Trong khi đó, chuyện kiếm thêm công việc khác để tăng thu nhập là gần như không thể vì ông đã quá lớn tuổi.
Ông Cao Thành Tuấn, 48 tuổi, bán kem ở khu vực gần đó cũng có câu chuyện tương tự. Ông ở Thủ Đức, mỗi ngày chạy khoảng 30 km lên trước Bưu điện TPHCM để bán hàng. Ngày khá, ông bán được 300.000 đồng, ngày kém được chừng 100.000 đồng. Từ ngày giá xăng tăng, tiền đổ xăng để đi bán hàng tăng cao, giá nguyên liệu làm kem cũng đắt hơn nhưng ông lại không dám tăng giá vì sợ mất khách hàng.
“Ảnh hưởng nhất vẫn là tiền xăng, mọi khi chỉ đổ 50.000 đồng chạy được ba bữa, giờ đổ ngày 30.000 đồng đều như vắt chanh mà không đổ thì không đi bán được”, ông Tuấn nói và cho biết do đã bán hàng ở đây được 4 năm, đã quen mặt khách nên khó đổi sang điểm bán hàng khác.
Vật giá tăng khiến tiền mua nguyên liệu tăng gấp đôi, tiền xăng cũng tăng cao nhưng vẫn không dám tăng giá bán vì sợ mất khách hàng cũng là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Bạch Loan ở quận 12.
Cứ 6 giờ sáng hằng ngày, bà lại chở bánh tráng từ quận 12 ra đường Nguyễn Du, quận 1 để bán.
Bà cho biết giá xăng lên, thực phẩm, nguyên liệu cũng tăng giá khiến cho việc buôn bán không có lời.
“Dạo này tôi bán ế lắm. Giá xăng cũng mắc, thường ngày tôi đổ 50.000 đồng chạy lòng vòng bán cũng được hai đến ba ngày, giờ chạy cùng lắm là đủ một ngày. Tiền nguyên liệu cũng vậy, tăng gấp hai”, bà nói.
Trong khi đó, để đủ sống trong lúc giá cả tăng cao, bà Nguyễn Thị Bích ở quận Bình Thạnh phải làm 2 việc, ban ngày phụ bán cơm, tối nhặt thêm ve chai.
Trong căn phòng trọ có giá thuê 1,3 triệu đồng/tháng, bà kể, từ ngày giá xăng lên, từng ký gạo, bó rau, chai mắm cũng được đà tăng theo, như bữa cơm mới vài bữa trước chỉ 20.000 đồng nay đã tăng thêm 5.000 đồng. Nhiều bữa bà tự nấu ăn ở nhà, bữa cơm chỉ có quả trứng với nước canh từ mì tôm, tiết kiệm là vậy nhưng số tiền có thêm không đáng bao nhiêu và nỗi lo trả tiền phòng mỗi tháng vẫn đeo đẳng người phụ nữ này hàng ngày.
Với anh Hà Quang Hạnh, sinh năm 1974, chạy xe ôm tại Hà Nội, cách để chống chọi với bão giá là tiết kiệm hết mức có thể và chỉ mua những món hàng giảm giá để có thêm chút tiền gửi về cho gia đình ở quê.
Ngoài thời gian chạy xe, anh Hạnh còn làm bảo vệ tại nhà hàng vào buổi tối để có thêm thu nhập.
Chị Phạm Thị Liên, công nhân ở Hà Nội, cũng chọn cách tương tự. “Giờ đi mua đồ phải đi đến chợ đầu mối, đi khi chợ sắp đóng cửa, lúc đó thực phẩm sẽ giảm giá. Tôi cố gắng chi tiêu tằn tiện cho qua ngày”, chị nói.
Cô Nguyễn Thanh Thúy, buôn bán trái cây tại Hà Nội, cũng cho biết thu nhập giảm hơn một nửa so với trước đây vì giá cả tăng cao.
“Giờ giá hoa quả nhập vào tăng nên giá bán cũng phải tăng hơn trước đây. Ngày xưa, 1 kg khoai lang tôi bán có 15.000 đồng, nay phải bán 25.000 đồng. Nhiều người hỏi giá xong rồi không mua nữa, bởi vậy thu nhập của chúng tôi gần đây chưa bằng một nửa của trước kia”.
Xăng dầu tăng giá quá cao cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến việc kinh doanh của ông Lê Năng, một chủ tàu ở thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An.
Hiện tại, ông đành phải cho tàu “đắp mền” nằm bờ vì từ Tết Nhâm Dần đến nay, đi biển chuyến nào cũng lỗ. “Mỗi chuyến ra khơi 7 ngày về lỗ ít nhất cũng 20 triệu đồng. Nối liền 5 chuyến lỗ thâm vốn, nợ tiền dầu nên các cây dầu không cho mua thiếu nữa”.
Nhóm Phóng viên
Theo KTSG Online