Thứ tư, Tháng Một 8, 2025

Lo cháy chợ mùa khô

Nguyễn Quyên

Theo ban quản lý một số chợ trên địa bàn TPHCM, trước tình hình cháy chợ xảy ra vừa qua ở một vài địa phương, vấn đề an toàn cháy nổ đối với chợ lại tiếp tục được ban quản lý đặt ra, cũng như đôn đốc, nhắc nhở tiểu thương thực hiện nghiêm các quy định phòng chống.

Hiểm họa rình rập

Chợ Kim Biên (quận 5) là một trong những chợ có nhiều hộ kinh doanh hóa chất. Các cửa hàng có diện tích khá nhỏ, nằm san sát nhau, hàng ngày vẫn thường xuyên pha chế, sang chiết đủ loại hóa chất. Để bảo đảm an toàn cháy nổ trong khu vực kinh doanh và dân cư xung quanh chợ này, UBND quận đã quyết định sẽ di dời các hộ kinh doanh nói trên sang một địa điểm tập trung khác.

Tương tự như chợ Kim Biên, ở nhiều khu chợ dân sinh khác, mặt bằng các quầy sạp cũng thường chật hẹp, hàng hóa ngổn ngang, để gần các thiết bị điện, có nơi bày lấn ra cả lối đi, cửa thoát hiểm. Ngoài ra, hệ thống đường dây điện ở một số chợ đã cũ, sử dụng nhiều loại dây không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nên rất dễ bị quá tải và gây chập điện.

Tại các chợ này, ban quản lý chợ đã nghiêm cấm việc đốt nhang đèn vào ngày rằm, mùng một, thậm chí cấm hút thuốc trong khu vực chợ. Bên cạnh đó, ban quản lý cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy cho tiểu thương.

Bà Trần Thị Thái Thanh, Phó ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), cho hay mỗi năm chợ đều phối hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy quận tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy cho các hộ kinh doanh tại chợ. “Công tác này nhằm mục đích giúp mọi người thao tác những kỹ năng về chữa cháy tại chỗ và kiểm tra các thiết bị phòng cháy tại chợ xem có còn đảm bảo yêu cầu để kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố hay không”, bà Thanh nói.

Cũng theo bà Thanh, đối với những ngành hàng có nguy cơ cháy cao như quần áo, tạp hóa, ăn uống thì tại mỗi hộ kinh doanh đều phải bắt buộc trang bị một bình chữa cháy và định kỳ hàng năm đều có kiểm tra, thay đổi. Ngoài ra, tại chợ còn xây dựng quy chuẩn sạp an toàn về điện, tất cả các cầu dao đều được đưa ra bên ngoài sạp. Chợ còn dùng hai hệ thống điện riêng biệt dành cho các hộ kinh doanh và cho bảo vệ để đảm bảo an toàn.

Còn ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng ban quản lý chợ Hòa Hưng (quận 10), cho biết ban quản lý dành hai ngày trong tuần đi kiểm tra điện của các quầy sạp và phối hợp với cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra ba tháng một lần. Định kỳ sáu tháng, ban quản lý tổ chức họp với lực lượng chữa cháy tại chợ để thông tin, tập huấn chữa cháy...

Bảo hiểm cháy chợ: khó!

Đề cập đến vấn đề mua bảo hiểm cháy nổ, bà Thanh ở chợ Phạm Văn Hai cho hay thực tế đã có đơn vị bán bảo hiểm xuống chợ khảo sát nhưng cuối cùng chẳng đi đến đâu. Theo bà Thanh, khi ký hợp đồng bảo hiểm, các doanh nghiệp đều phải biết được giá trị hàng hóa bên mua là bao nhiêu, từ đó mới tính mức bồi thường cũng như mức phí bảo hiểm. Nhưng đối với tiểu thương, họ không có thói quen ghi chép số lượng hàng hóa, vì thế bên bảo hiểm không có cơ sở định giá được sạp hàng của tiểu thương.

Còn về phía tiểu thương, ông Ba ở chợ Hòa Hưng cho biết, mặc dù có vận động nhưng tiểu thương vẫn chưa mặn mà với việc mua bảo hiểm cháy nổ. Theo ông Ba, chợ ế ẩm trong khi tiểu thương phải đóng nhiều khoản thuế nên họ không muốn chi thêm tiền cho bảo hiểm cháy nổ.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho rằng hiện các công ty bảo hiểm không muốn bảo hiểm hàng hóa cho chợ vì rủi ro cháy nổ cao, trong khi lượng tài sản ở đây rất lớn lại khó kiểm kê. Ngoài ra, ở các chợ, khoảng cách cháy an toàn, tường chống lửa đúng theo yêu cầu phòng cháy chữa cháy hầu như không có, các sạp hàng nối nhau, nếu xảy ra cháy thì sẽ cháy sạch, tức khoản bồi thường rất lớn.

Theo một doanh nghiệp bảo hiểm, do hệ thống điện của nhiều chợ hiện đã xuống cấp nên nguy cơ cháy nổ do chập điện lớn. Hàng hóa rất nhiều, người lại đông khiến cho việc chữa cháy rất khó khăn. Tiểu thương lại thường không lưu tâm tới việc quản lý sổ sách nên khi xảy ra cháy thì công ty bảo hiểm không chứng minh được số lượng hàng hóa phải bồi thường, do vậy doanh nghiệp ngại bán bảo hiểm cho chợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối