Trung Chánh -
Những người trong ngành lo ngại sự lan tỏa nhanh chóng của mô hình nuôi tôm công nghệ cao có thể gây ô nhiễm môi trường, nếu không có sự chọn lọc, kiểm soát thật chặt trong việc cấp giấy “thông hành” cho các nhà đầu tư.
Năng suất tăng
Thông tin nêu trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Bạc Liêu với các cơ quan báo chí trong khuôn khổ chuyến tham quan thực tế và tổ chức hội thảo “Làm nông nghiệp công nghệ cao: kinh nghiệm và giá trị tham khảo từ mô hình nuôi tôm mới của Tập đoàn Việt- Úc” do Công ty NS BlueScope Lysaght phối hợp với Tập đoàn Việt-Úc tổ chức mới đây tại địa phương này.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết sau nhiều năm gặp khó khăn, không ít hộ nông dân hiện nay đã không còn mặn mà với con tôm. “Ở Bạc Liêu, không ít hộ dân đã bán đất hoặc chuyển sang nuôi quảng canh, nuôi thiên nhiên, nhưng tình trạng lỗ lã vẫn đến, thành ra nhiều người rất thờ ơ với con tôm”, ông dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo ông Trung, khi địa phương chuyển mạnh sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính thì tỷ lệ nuôi thành công cũng gia tăng rất nhanh. “Nếu bên ngoài nuôi thành công chỉ 25-30%, thì mô hình nuôi tôm công nghệ cao tỷ lệ nuôi thành công lên đến 80-85%”, ông Trung cho biết.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, cũng là hộ nông dân nuôi tôm được Tập đoàn Việt-Úc hỗ trợ triển khai nuôi hai ao nuôi công nghệ cao trong nhà kính, quy mô 100 m2/ao. Ông Nhiệm cho biết, qua bốn vụ nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao, tất cả đều thành công, dù không hoàn toàn đạt mức 1 tấn/100 m2, tức tương đương 100 tấn/ha như tuyên bố của đơn vị hỗ trợ là Tập đoàn Việt- Úc.
Ông Nhiệm cho biết, vụ đầu tiên ông thả nuôi với mật độ 400 con/m2, kết quả thu hoạch đạt 1,6 tấn, tương đương 800 kg/ao 100 m2. Vụ thứ hai ông thả nuôi với mật độ 500 con/m2, thu được 2 tấn, tương đương 1 tấn/ao 100 m2. Vụ thứ ba và tư, ao nuôi trong mô hình công nghệ cao của ông tiếp tục thu được 1,7 và 1,6 tấn.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt- Úc, đơn vị dẫn đầu về mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỷ lệ nuôi thành công theo mô hình của đơn vị này hiện nay đạt trên 80%, trong khi tỷ lệ nuôi theo mô hình truyền thống chỉ đạt khoảng 25-30%.
Từ kết quả như nêu trên, ông Trung của UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, nuôi tôm công nghệ cao là hướng đi mới, đưa ngành tôm địa phương nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung phát triển, giúp thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.
Lo ô nhiễm môi trường
Lý giải nguyên nhân chỉ có thể đi theo hướng nuôi công nghệ cao mới thành công, ông Trung cho rằng môi trường nuôi hiện đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. “Cách nay hơn 10 năm, ai nuôi tôm cũng đều trúng hết vì yếu tố môi trường lúc bấy giờ còn tốt. Còn hiện nay, tỷ lệ nuôi tôm thành công rất thấp, dịch bệnh xảy ra liên tục do môi trường nuôi đã bị ô nhiễm”, ông Trung dẫn chứng và khẳng định nuôi tôm mà không ứng dụng công nghệ cao sẽ khó phát triển.
Theo ông Trung, thời gian qua, mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại địa phương lan tỏa rất nhanh và hiện đã có khoảng 100 hộ đi theo hướng nuôi này. Tuy nhiên, ông Trung cho biết địa phương đang rất dè chừng với tốc độ lan tỏa này. Bởi không khéo, nuôi tôm sẽ trở thành phong trào. Ngoài ra, hiện nay vẫn có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao chưa hoàn hảo, nhất là vấn đề xử lý môi trường.
“Chúng tôi sợ nếu để nó lan tỏa nhanh, không kiểm soát được thì nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là ảnh hưởng đến môi trường nuôi”, ông Trung nói.
Ông Trung cho biết, tôm trong giai đoạn đạt trọng lượng 30-40 con/kg nhu cầu tiêu thụ thức ăn cũng như đào thải chất thải rất lớn. Vào giai đoạn này, nhu cầu làm sạch môi trường nước rất cao, có thể lên đến 100%, tức phải thay nước ao nuôi mỗi ngày. Điều này dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường gia tăng.
Tuy nhiên, theo ông, ở địa phương, hiện có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả tốt, không cần phải thay nước trong suốt quá trình nuôi. “Nước trong ao nuôi sẽ được đưa vào hệ thống xử lý, loại bỏ thành phần nguy hại, có ảnh hưởng đến con tôm. Sau đó, nước tiếp tục được đưa trở lại ao nuôi theo một vòng tuần hoàn khép kín nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường”, ông Trung cho biết. Với cách nuôi này, nước chỉ có châm thêm vào ao, chứ không lấy ra, và trong quá trình nuôi nước cũng bị thất thoát do hiện tượng bốc hơi.
Chính những lo ngại về ô nhiễm môi trường nên theo ông Trung, ngoài phần diện tích 315 ha đã chuyển giao cho Tập đoàn Việt- Úc thực hiện khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, gồm sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính và nhà máy chế biến tôm, thì khu vực lõi 60 ha còn lại nằm trong khu công nghệ cao ngành tôm Bạc Liêu, địa phương rất thận trọng trong việc giao đất cho các doanh nghiệp đầu tư.
Ông Trung cho biết hiện có 20 doanh nghiệp và nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào khu vực lõi 60 ha này, nhưng địa phương chỉ mới đồng ý cho 6 doanh nghiệp hàng đầu hoạt động ở lĩnh vực này đầu tư trong lần cấp phép đầu tiên. “Số còn lại, chúng tôi cũng rất thận trọng trong cấp phép, vì nếu cấp ào ạt sẽ không kiểm soát được”, ông Trung giải thích và cho rằng khi đó ô nhiễm môi trường sẽ xảy ra, đẩy ngành tôm vào cảnh có thể thất bại.