CHÍ THỊNH -
Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu tháng 7-2016 hiện đang khiến cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) cũng như những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ tỏ ra lo lắng. Vì nếu xét theo điều luật này, một số hành vi liên quan đến công việc họ đang làm có thể bị quy vào tội hình sự, có thể dẫn tới việc bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ, thậm chí bị đi tù, tịch thu tài sản (xem điều luật ở phần box).
Nếu chiếu theo Điều luật 292 thì những người đang viết game di động, phát triển ứng dụng (app) và đưa lên các cửa hàng ứng dụng Android (Google Play) hoặc iOS (iTunes Store của Apple) có thể dễ dàng vi phạm vào điều luật trên do không có giấy phép cho việc cung cấp game hoặc ứng dụng đó.
Theo chia sẻ với cộng đồng mạng của ông Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia trong ngành thương mại điện tử, Điều 292 sẽ khiến người tiếp nhận thông tin hiểu rằng kể từ ngày 1-7 nếu có ai mở trang web rao vặt, forum có phần rao vặt, viết game tung lên các cửa hàng ứng dụng… để kiếm tiền quảng cáo mà chưa xin phép thì có nguy cơ bị phạt theo điều luật nói trên. Điều luật này có thể ảnh hưởng lớn đến cộng đồng khởi nghiệp, bởi vì các startup phải thường xuyên thử nghiệm các mô hình mới, phải nhanh mới nắm bắt được cơ hội kinh doanh. Nếu cứ chờ đến lượt cấp phép thì cơ hội đã bay xa.
Ông Trần Đức Hoàng, người sáng lập Công ty Luật EZLaw – một công ty khởi nghiệp, cho rằng đa số startup tập trung vào công nghệ thông tin (CNTT) và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số trên mạng máy tính và mạng viễn thông. Việc phi hình sự hóa tội kinh doanh trái phép trở nên không còn ý nghĩa với đa số startup (chủ yếu tập trung vào dịch vụ CNTT, mạng máy tính, viễn thông) khi mà Điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015 đang hình sự hóa những gì các công ty khởi nghiệp hiện đang muốn làm.
Theo ông Trần Viết Quân, phụ trách marketing ở công ty khởi nghiệp eDoctor, với Điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015 sắp có hiệu lực, những người muốn phát triển game phải tìm hiểu tường tận về quy trình cấp phép cho game, phê duyệt kịch bản game, quy định về độ tuổi đối với người chơi game…; các doanh nghiệp công nghệ phải hiểu rõ về cách thức đăng ký kinh doanh cho mô hình mạng xã hội, dịch vụ kết nối mạng máy tính, viễn thông… Nếu người viết game chưa xin giấy phép mà phát sinh doanh thu từ game mình viết ra thì họ đã vi phạm điều luật này.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu pháp luật quy định việc cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông phải có giấy phép thì cứ đi xin phép, tuy nhiên một số chuyên gia trong ngành CNTT cho rằng việc xin giấy phép cho nội dung như phát triển game hay ứng dụng nào đó là không đơn giản.
Từng làm việc trong một công ty game, ông Quân của eDoctor chia sẻ về việc xin cấp phép phát hành game. Theo đó, người viết game phải đi xin bản quyền cho sản phẩm game của mình, rồi tìm tới một công ty phát hành game đã có giấy phép cung cấp trò chơi điện tử trực tuyến để đề nghị phát hành. Trong trường hợp không thể nhờ công ty phát hành game thì họ cần phải làm thủ tục thành lập công ty và đi xin phép các giấy phép cung cấp game.
Một số người làm trong ngành game cho biết, một game di động đơn giản vẫn đòi hỏi phải hoàn tất một bộ hồ sơ có mô tả đầy đủ về game, hệ thống máy chủ vận hành game; thậm chí phải kèm theo cách thức thanh toán ở Việt Nam. Hoặc sau khi các lập trình viên đưa game hoặc ứng dụng di động lên các kho ứng dụng cần phải ghi rõ đây là phiên bản thử nghiệm, đang chờ xin phép và không được thu tiền người dùng.
Theo ý kiến của một số luật sư thì việc đưa Điều 292 vào Bộ luật Hình sự 2015 nhằm “hình sự hóa” những hành vi cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông lâu nay. Thông thường, các nghị định trước đây về lĩnh vực CNTT, viễn thông, thương mại điện tử… chỉ nhằm quản lý hành chính đối với các hoạt động này.
[box] Điều luật 292 Bộ luật Hình sự 2015
Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông: Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỉ đồng, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Kinh doanh vàng trên tài khoản
b) Sàn giao dịch thương mại điện tử
c) Kinh doanh đa cấp
d) Trung gian thanh toán
đ) Trò chơi điện tử trên mạng
e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức
b) Phạm tội hai lần trở lên
c) Có tính chất chuyên nghiệp
d) Tái phạm nguy hiểm
đ) Thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 2 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên hoặc có doanh thu 5 tỉ đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1,5 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[/box]