(SGTT) – Vườn quốc gia Tràm Chim đang thực hiện nhiều biện pháp liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, chống cháy rừng, quản lý nước đồng thời tiến hành đốt cỏ chủ động, phục hồi bãi năng kim... để kéo sếu đầu đỏ về.
- Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim sau 2 năm
- Nhiều công trình được đầu tư trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Tràm Chim
Ngày 7-3 vừa qua, việc 4 cá thể sếu đầu đỏ tìm về Vườn quốc gia Tràm Chim chừng 30 phút, bay lượn ở phân khu A5 rộng 60 hec-ta là một tín hiệu vui đối với Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim và các đơn vị hữu quan.
Phục hồi cây năng kim, thức ăn khoái khẩu của sếu đầu đỏ
Theo ông Đoàn Văn Nhanh, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và Hợp tác Quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim, thông thường sau chuyến "tiền trạm", đàn sếu sẽ kiếm ăn dọc các cánh đồng lúa quanh đây 7-10 ngày, sau đó về vườn trú ngụ đến hết mùa khô.
“Kể từ năm 2016, đây mới là lần đầu tiên, cá thể sếu đầu đỏ mới quay lại nơi đây dù trước đó là bãi ăn quen thuộc. Trong thời gian qua, Vườn quốc gia Tràm Chim đã thực hiện rất nhiều biện pháp liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, chống cháy rừng, quản lý nước đồng thời tiến hành đốt cỏ chủ động, phục hồi bãi năng kim”, ông Nhanh thông tin.
Cây năng kim, thức ăn khoái khẩu của sếu, đã hồi sinh tại Vườn quốc gia Tràm Chim, củ được phát triển to bằng đầu đũa. Cây năng kim rất quan trọng với hệ sinh thái Tràm Chim bởi vào mùa khô, chỉ loài thực vật này sinh sôi mạnh, bên dưới còn có nhiều loài côn trùng là thức ăn của chim cò.
Trong thời gian qua, Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim đã cho nhân viên kỹ thuật dùng máy cày trục đất, tạo rãnh rộng 40-60m, cách ly vùng cỏ chuẩn bị đốt. Đến nay vườn đã đốt chủ động 260 hec-ta đồng cỏ, dự kiến đốt thêm 60 hec-ta nữa. Do ngâm nước nhiều năm, lớp thực bì bên dưới dày 70-100cm, khiến nhiều loài côn trùng không thể sinh sôi, đàn cá cũng suy giảm do thiếu thức ăn.
Sắp tới, Vườn quốc gia Tràm Chim còn tạo thêm một số bãi ăn cho loài sếu gồm những khu đất trống, cỏ không quá cao. Sếu vốn là loại động vật có tập tính cảnh giác cao, thích tìm đến những nơi có tầm quan sát rộng. Đàn sếu sẽ cử một con "cảnh giới" trong khi cả bầy tìm thức ăn. Cả đàn chỉ rời đi khi tất cả thành viên tìm đủ thức ăn.
Dự án “Xây dựng trạm quan trắc tự động tại Vườn quốc gia Tràm Chim”
Dự án quốc tế “Xây dựng trạm quan trắc tự động tại Vườn quốc gia Tràm Chim” cũng góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở đây. Theo kế hoạch và thoả thuận với chính phủ Australia, dự án đã tiến hành sử dụng các camera AI để tự động chụp ảnh tại vị trí cố định trong Vườn quốc gia, từ đó, áp dụng công nghệ nhận dạng ảnh để phân tích, phân loại và đánh giá các quần thể thực vật và động vật, đặc biệt là các loài chim quý.
Đây là các thiết bị giao tiếp không dây tầm xa nên khoảng cách giữa mỗi thiết bị có thể lên đến 10km. Để được lắp đặt trong Vườn quốc gia, các thiết bị này phải thỏa mãn các yếu tố không phá cảnh sắc thiên nhiên, không làm phiền các loài sinh vật, nằm đầu hoặc cuối nguồn nước.
PGS.TS Phạm Quốc Cường, Giảng viên khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính (ĐH Bách khoa TPHCM), Chủ nhiệm dự án, chia sẻ tùy từng nhóm sinh vật, chúng tôi sẽ có những phân tích và đánh giá dựa trên bộ tiêu chí khác nhau. Đối với chim, mục tiêu chủ yếu là nhận dạng và kiểm đếm số lượng. Cụ thể, với sếu đầu đỏ, hệ thống sẽ nhận dạng được nó khi loài chim này di cư về lại khu vực Tràm Chim cũng như có thể đếm được số lượng hiện hữu ở mỗi mùa di cư.
"Còn thảm thực vật, chúng tôi sẽ phân tích ảnh để đưa ra mức độ nguy cơ gây cháy (một trong những vấn đề rất được quan tâm ở Tràm Chim). Về nguồn nước, chúng tôi sẽ đánh giá các thông số liên quan mực nước, độ đục của nước… dựa vào những ảnh chụp mặt nước”, PGS.TS Phạm Quốc Cường cho biết.
Theo PGS.TS Phạm Quốc Cường, các tiêu chí cụ thể sẽ cần phải được phân tích rất cẩn thận thông qua việc khảo sát chi tiết vị trí lắp đặt thiết bị và điều kiện môi trường tại đó. Để đưa ra được các tiêu chí này, dự án cần ý kiến của chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan. Đó cũng là lý do tại sao dự án có sự kết hợp của nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực từ khoa học máy tính đến khoa học môi trường và cả chuyên gia về động vật, bảo tồn thiên nhiên.
Theo TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ), những giải pháp hữu ích của của Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ thu hút đàn sếu di cư hàng năm tìm về. Điều đáng nói là những giải pháp này được thực hiện đúng lúc, từ đó giúp những cá thể sếu già từng đến vườn còn lưu giữ bản đồ di trú trong đầu, dẫn dắt những cá thể sếu mới trưởng thành trở lại Việt Nam.
"Nếu trễ hơn, e rằng hệ sinh thái của vườn phục hồi, sếu cũng không biết đường quay về", TS Dương Văn Ni cho biết.
Hướng đến phát triển du lịch bền vững
Vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 Âm lịch (khoảng tháng 1 – 6 Dương lịch) là mùa ngắm “vũ điệu”của sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Bởi khác với nhiều loài chim trong vùng, sếu đầu đỏ chỉ kiếm ăn trên mặt đất, nên vào mùa nước nổi ở Ðồng Tháp Mười thì chúng phải đi kiếm ăn nơi khác. Vì vậy, chỉ có thể ngắm sếu đầu đỏ vào mùa khô, dễ trông thấy nhất là từ tháng 2 – 5 Dương lịch hằng năm.
Vườn quốc gia Tràm Chim có hơn 230 loài chim sinh sống, trong đó, có 32 loài quý hiếm, 16 loài nằm trong sách đỏ. Ở Tràm Chim, du khách được chiêm ngưỡng khung cảnh Đồng Tháp Mười thu nhỏ với rừng tràm, ruộng cỏ năng, lúa ma, cánh đồng sen, những đàn chim, cò bay lượn rợp trời cùng nhiều loài thực vật bản địa.
“Sáng sớm, trời mát, trong lành, ngồi trên xuồng len lỏi giữa tán rừng tràm, cảm giác thật tuyệt vời. Tôi được tận mắt thấy những loài chim, nhiều loài cây trước đây chỉ bắt gặp trong truyền hình và mạng xã hội”, chị Kim Yến, du khách đến từ Quảng Nam, chia sẻ.
Sau đại dịch Covid-19, du khách đến với Vườn quốc gia Tràm Chim ngày càng đông. Bình quân, mỗi ngày, nơi đây đón trên 300 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và vui chơi giải trí. Vào những ngày cuối tuần lượng du khách đến tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim tăng lên trên 400 lượt người.
Theo anh Trần Vũ, hướng dẫn viên công ty DakViet Travel, đơn vị thường xuyên tổ chức tour du lịch trải nghiệm Vườn quốc gia Tràm Chim, du khách của công ty đến đây thường chọn xem điểm trưng bày các loại trứng chim, cá nước ngọt, chụp ảnh lưu niệm với các tiểu cảnh đẹp và mua sắm nhiều quà lưu niệm.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, tỉnh định vị Vườn quốc gia Tràm Chim là một trong những nơi để du khách đến tham quan, trải nghiệm, hiểu hơn về hệ sinh thái đất ngập nước.
"Tỉnh khai thác du lịch trên tinh thần tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn tại Vườn quốc gia và phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan định hướng người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường nhằm phát triển du lịch bền vững", bà Thu thông tin.