Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Lợi thế đang nghiêng về “đội chủ nhà”

Kết quả khảo sát về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa được công bố cho thấy hầu hết những người được khảo sát đều quan tâm đến cuộc vận động này, với tỷ lệ chiếm đến 96%. Trong đó, có 67,3% rất quan tâm và 28,7% quan tâm.

Lựa chọn ưu tiên khi mua sắm

Số liệu trên lấy từ cuộc khảo sát năm 2014 của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, được đưa ra trong hội nghị tổng kết năm năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM vào ngày hôm qua, 16-10.

Cũng theo kết quả khảo sát, có 73,43% số người được khảo sát cho biết “khi mua hàng hóa, hàng Việt Nam là ưu tiên lựa chọn hàng đầu”; 62,8% cho biết đã khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam. Mặt khác, 28,15% số người được khảo sát cho biết trước đây có thói quen mua hàng ngoại nhập nay đã dừng mua hoặc mua ít hơn, thay vào đó là mua hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, nhận xét qua năm năm thực hiện, cuộc vận động đã có kết quả nổi bật. “Nếu người tiêu dùng mua hàng Việt Nam thì người sản xuất được việc làm. Doanh nghiệp bán được hàng, người lao động có việc làm. Còn nếu người tiêu dùng mua hàng nước ngoài, thì người Việt không có thu nhập”, ông Nhân nói.

Chương trình bình ổn thị trường là một trong những hoạt động có hiệu quả trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Vũ Yến
Chương trình bình ổn thị trường là một trong những hoạt động có hiệu quả trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Vũ Yến

Hiệu quả nhiều mặt

Bà Võ Thị Dung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động của TPHCM, cho biết, trong năm năm thực hiện cuộc vận động, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong hệ thống cửa hàng, siêu thị; lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối, đặc biệt là đưa hàng Việt Nam về chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Tuy vậy, theo bà, vẫn còn những hạn chế tồn tại. Ví dụ, tình hình vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, các hành vi gian lận thương mại khác vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi triệt để. Một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa chủ động tiếp cận mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng, quy mô doanh nghiệp trong nước đa số vừa và nhỏ, yếu về tiềm lực vốn đầu tư, trình độ công nghệ... nên còn hạn chế về năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng.

Vừa là động lực, vừa là áp lực

Bà Nguyễn Thị Kim Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho biết, với việc tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sản phẩm của công ty đã đến được nhiều hơn với người tiêu dùng. Đồng thời là sức ép để công ty phải có những cải tiến, thay đổi nhằm tạo ra những sản phẩm tốt, chất lượng.

Còn theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng Giám đốc phụ trách khối bán lẻ của Saigon Co.op, giám đốc chuỗi Co.opMart, cuộc vận động có ba tác động rõ ràng. Trước tiên, nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt Nam đối với người tiêu dùng; tạo suy nghĩ hàng Việt Nam cũng có nhiều hàng chất lượng, giá cả hợp lý. Thứ hai, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày càng tự ý thức, cải thiện mình để đáp ứng nhu cầu người dùng. Trong môi trường cạnh tranh, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tự nâng cao chất lượng sản phẩm thì sớm hay muộn sẽ bị bật khỏi thị trường. Thứ ba nữa, cuộc vận động cũng giúp cho hệ thống phân phối, đặc biệt hệ thống phân phối hàng Việt Nam có cơ hội tăng trưởng, phát triển.

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chống hàng gian, hàng giả. Đồng thời, xây dựng một cuộc vận động mà ở đó mỗi cửa hàng, khu chợ, người bán hàng chỉ bán hàng có địa chỉ sản xuất. Hàng không có địa chỉ sản xuất không bán. Song song đó, xây dựng hệ thống phân phối cố định, bền vững, nhân rộng chương trình bình ổn thị trường...

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối