Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Long An tìm cách tăng tiêu thụ nông sản

VŨ YẾN -

Nông sản của tỉnh Long An phong phú về chủng loại, sản lượng lớn, nhưng hiện gặp nhiều khó khăn về thị trường. Vấn đề này được đặt ra tại hội thảo kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực tỉnh Long An, diễn ra tại tỉnh này mới đây. Trong đó, địa bàn có tiềm năng tiêu thụ mạnh là TPHCM.

Làm ra nhiều, bán khó

img_9429Một đơn vị sản xuất chanh không hạt giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ hội thảo kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực tỉnh Long An.

Ông Đặng Duy Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất dịch vụ và thương mại Phước Thịnh, cho biết mặc dù sản phẩm của hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP nhưng đầu ra lại không ổn định. Sản phẩm làm ra nhiều, hợp tác xã thu mua không hết, xã viên phải bán cho thương lái bên ngoài.

Tương tự như HTX Phước Thịnh, ở HTX sản xuất thanh long Long Trì mỗi năm sản lượng đạt hơn 3.000 tấn, chưa kể sản lượng của các thành viên hợp tác, liên kết vào khoảng 16.000-17.000 tấn/năm, nhưng theo ông Lê Minh Chánh, Giám đốc HTX, thị trường tiêu thụ khá hạn chế, nhất là khó tiếp cận với các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Sản phẩm của HTX này chủ yếu xuất qua Trung Quốc nhưng cũng rất bấp bênh bởi thường xuyên bị ép giá. Bên cạnh đó, HTX luôn thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Ông Bùi Văn Khắp, Chủ nhiệm HTX Sản xuất Dịch vụ Thuận Bình, đơn vị chuyên sản xuất chanh, cho biết thời gian qua diện tích trồng chanh của HTX tăng từ 42 ha lên 65 ha, sản lượng bình quân đạt 20-25 tấn/ha/năm, chất lượng đạt chuẩn VietGAP. Với sản lượng lớn như vậy nhưng HTX vẫn chỉ bán được theo đơn hàng chứ chưa ký được hợp đồng bao tiêu. Mặt khác, do đặc điểm giao thông trong vùng không thể vận chuyển được bằng đường bộ, buộc phải di chuyển bằng đường thủy, nên tốn nhiều thời gian và chi phí.

Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, mặc dù ngành nông nghiệp của tỉnh những năm qua vẫn tiếp tục phát triển nhưng chưa đảm bảo tính bền vững. Ông Cảnh ví dụ, vùng tập trung liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị khép kín còn hạn chế. Đặc biệt, kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu vẫn thông qua thương lái (chiếm 87% lượng nông sản của tỉnh), sản phẩm từ khi được thu hoạch tới tay người tiêu dùng trải qua nhiều khâu trung gian, giữa các khâu không có mối liên hệ chặt chẽ. Hậu quả là người sản xuất và người tiêu dùng chịu thiệt thòi, còn nhà chế biến, nhà xuất khẩu trong tình trạng bị động, chi phí lưu thông gia tăng, chất lượng sản phẩm giảm nhanh, không có cơ hội để truy xuất nguồn gốc…

Thúc đẩy kết nối tiêu thụ

Để khắc phục tình trạng trên, ông Cảnh cho biết tỉnh cần quy hoạch, bố trí lại sản xuất để hình thành nên vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa. Đồng thời tăng cường thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành khác, đặc biệt là TPHCM.

Ông Lê Minh Chánh, Giám đốc HTX sản xuất thanh long Long Trì, cho rằng chất lượng và an toàn sản phẩm là vấn đề quan trọng hàng đầu mà các đơn vị sản xuất cần chú ý. Để làm được điều này, ngoài ý thức của người trồng trọt, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát lại danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành, qua đó, loại bỏ các chủng loại thuốc có chứa chất độc hại, gây dư lượng hóa chất...

Ông Đặng Duy Dũng của HTX Phước Thịnh lại cho rằng, để nông sản Long An tới tay người tiêu dùng nhiều hơn, đảm bảo an toàn chất lượng, để người sản xuất-phân phối-người tiêu dùng cùng có lợi trong bài toán nông sản thì cơ quan chức năng cần sớm ban hành chính sách kích thích phát triển HTX, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, tăng cường chính sách hỗ trợ vốn để HTX, đơn vị sản xuất xây dựng, phát triển… Đồng thời, tăng cường chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ ở TPHCM, các bếp ăn công nghiệp trên địa bàn Long An…

Đại diện cho một trong các đơn vị phân phối thực phẩm lớn tại TPHCM, bà Bùi Thị Minh Thu, Phó giám đốc kinh doanh thực phẩm của Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết hiện nay Saigon Co.op cũng đã hỗ trợ, tiêu thụ khá nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc Long An.

Theo bà Thu, sản phẩm vào hệ thống Saigon Co.op phải đạt chất lượng cao, tuân thủ quy trình kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt và phải đảm bảo quy trình sản xuất an toàn bền vững, hàng hóa cung ứng đều đặn. Với những cơ sở, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì rất khó đáp ứng yêu cầu. Vì thế, Saigon Co.op mong muốn các hộ nông dân hoặc HTX tại Long An có sự liên kết chặt chẽ để có thể đáp ứng được các tiêu chí này.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết nhu cầu tiêu thụ hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm của TPHCM rất lớn, trong khi khả năng tự cung ứng còn hạn chế. Hiện nay, TPHCM tự đáp ứng được khoảng 20%, trong khi 80% còn lại là nguồn hàng hóa từ các tỉnh. Theo đó, tiềm năng cung ứng cho TPHCM của các tỉnh khá lớn, nhất là Long An, tỉnh tiếp giáp với TPHCM, đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Theo bà Trang, các hộ nông dân, HTX sản xuất tại Long An nên chú trọng hơn nữa quy trình sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, đạt các chứng nhận như VietGAP, HACCP, GlobalGAP…

“Long An cần nghĩ tới việc thành lập đơn vị/hệ thống thu mua để kết nối những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ với nhà phân phối”, bà Trang đề xuất thêm.

Về phía tỉnh Long An, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sở đang rà soát lại quy hoạch vùng sản xuất và sẽ sớm thực hiện quy hoạch vùng này. Ngoài ra sở cũng đang nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ cho HTX cũng như các hộ nông dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối