Thứ ba, Tháng Một 7, 2025

Lồng đèn truyền thống – còn hàng, còn làm

(SGTT) - Khu lồng đèn truyền thống Phú Bình, quận 11, TPHCM sau nhiều năm trở lại nay khác quá nhiều. Nếu như ngày xưa những hộ dân theo nghề nhiều bao nhiêu thì nay việc đi tìm một cơ sở còn làm lồng đèn truyền thống khó khăn hơn rất nhiều.

Chỉ cách đây mấy năm, các con hẻm gần như giống nhau vì đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân ngồi làm lồng đèn, đặc biệt là vào mùa trung thu.

Xóm làm lồng đèn truyền thống Phú Bình, quận 11 nổi tiếng từ lâu ở TPHCM.

Những ngày này, may lắm mới tìm thấy được vài hộ còn theo nghề. Phần lớn họ đều lớn tuổi, còn lớp trẻ không ai mấy mặn mà với nghề truyền thống này nữa. Anh Bình, chủ một cơ sở làm lồng đèn đã truyền qua hai đời, cho hay nếu như trước đây xóm lồng đèn Phú Bình có hơn trăm hộ theo nghề thì nay còn chỉ khoảng chục gia đình. “Những người làm lồng đèn trước kia nay đã chuyển đổi nghề nghiệp hết rồi, người thì già không làm nổi nữa, con cháu thì chọn nghề khác nên bỏ, cũng có gia đình trước làm lồng đèn nhưng có không gian rộng nên giờ chuyển thành xây nhà trọ để hàng tháng thu tiền thay vì để mặt bằng đó tới mùa mới làm lồng đèn…”, anh Bình nói.

Lồng đèn truyền thống kiểu như ở Phú Bình teo tóp dần một phần do vật tư làm lồng đèn như tre, giấy kiếng… đều tăng giá trong khi giá bán lồng đèn ra thị trường lại không tăng nên tiền lời không được bao nhiêu. Khi được hỏi hiện có rất ít người còn theo nghề trong khi giới trẻ không ai muốn kế nghiệp thì liệu nghề này có khi nào mai một, anh Bình chậm rãi cho hay: “Bây giờ còn hàng thì mình còn làm. Cố gắng truyền lại cho con cháu tuy nhiên việc chúng có chọn hay không thì không biết được”.

Đầu tiên phải mua tre về để chẻ nhỏ làm khung cho lồng đèn. Tùy vào ý định làm lồng đèn lớn nhỏ khác nhau mà người chẻ tre tính toán độ dài cũng như độ dày của nan tre.
Giai đoạn tiếp theo là ngồi tạo khung cho lồng đèn từ những thanh tre đã chuẩn bị sẵn.
Trong các giai đoạn làm lồng đèn truyền thống thì dán giấy kiếng là khâu phải thuê người ngoài làm. Đây là công đoạn dễ làm nhất, tùy vào độ lớn nhỏ của lồng đèn khác nhau mà có giá thuê khác nhau.
Sau khi lồng đèn được dán giấy kiếng thì tới công đoạn vẽ cho lồng đèn, đây là giai đoạn quyết định, khá khó nên không phải ai cũng vẽ được mà chỉ có những người có kinh nghiệm mới được vẽ.
Anh Bình – truyền nhân thứ hai của một gia đình làm lồng đèn tại xóm làm lồng đèn Phú Bình – với chiếc lồng đèn hoàn chỉnh.
Dù không còn nhiều, nhưng lồng đèn truyền thống phủ giấy màu hay phủ giấy bóng kính vẫn được bán ở phố Lương Nhữ Học, quận 5, TPHCM cùng với các loại lồng đèn vải và loại dùng pin.

Thành Hoa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối