Minh Duy -
Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 buộc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và lưu trú phải đáp ứng một số quy định mới. Theo cơ quan quản lý, những điều này nhằm để tăng cường bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Cấm nhà nghỉ tự gọi là khách sạn
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề buổi phổ biến Luật Du lịch 2017 cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp từ Đà Nẵng đến các tỉnh, thành phía Nam hôm 12-1, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng tiến bộ nhất của bộ luật lần này là tất cả các điều khoản đều quan tâm đến quyền lợi của du khách, đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Những quy định về lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, khu – điểm du lịch đều liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.
Với cơ sở lưu trú, khoản 8, điều 9 của luật quy định doanh nghiệp quảng cáo không đúng loại và hạng đều bị phạt. Luật quy định có tám loại cơ sở lưu trú gồm khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch khác.
Tiêu chuẩn của từng loại cơ sở lưu trú đã có, nếu doanh nghiệp thấy đủ điều kiện thì cứ hoạt động. Sau đó, cơ quản quản lý sẽ kiểm tra chất lượng, nếu thấy đáp ứng thì cho hoạt động còn không đạt thì phải nâng cấp cho đủ, hạ xuống loại khác hoặc sẽ cho ngừng hoạt động nếu doanh nghiệp không chịu nâng cấp mà cũng không chịu hạ bậc.
“Khách sạn chuẩn 1 sao mà nói 2 sao là công bố sai hạng. Chủ đầu tư làm nhà nghỉ mà gọi là khách sạn là sai loại. Doanh nghiệp phải rõ ràng để khách hàng dễ nhận biết”, bà Hương nói.
Luật mới cho khách sạn được tự nguyện đăng ký xếp hạng nhưng không cho gắn bảng công nhận hạng sao nếu chưa được cơ quan quản lý thẩm định xếp loại. Các khách sạn được tiếp tục sử dụng hạng đã công nhận cho đến hết thời hạn theo quyết định cũ. Sau đó, doanh nghiệp có thể yêu cầu thẩm định lại hoặc nếu không có nhu cầu thì vẫn hoạt động nhưng không được gắn sao công bố chất lượng.
Bà Hương cũng cho rằng, cơ quan quản lý cũng tính đến những loại hình lưu trú mới trên thị trường, trong đó có condotel (căn hộ khách sạn). Cũng là một tòa nhà nhưng nếu người dân mua căn hộ trong đó không để ở mà giao cho người khác quản lý và kinh doanh theo mô hình khách sạn thì cơ quan quản lý sẽ áp dụng tiêu chuẩn khách sạn. Trong trường hợp, trong tòa nhà có căn hộ để ở, căn khác lại cho khách du lịch ở thì sẽ áp dụng theo chuẩn căn hộ du lịch.
Tổng cục Du lịch cũng làm việc với những cơ quan liên quan để bàn về tính pháp lý của những dịch vụ như dịch vụ chia sẻ phòng, trong đó nổi tiếng nhất là trang web chia sẻ phòng Airbnb. “Chúng tôi cho rằng, kinh doanh dịch vụ này cũng phải tuân theo những quy định về lưu trú du lịch bởi loại hình này chỉ khác ở phương thức bán hàng còn bản chất vẫn là kinh doanh dịch vụ lưu trú”, bà Hương nói.
[box] Năm 2017, ngành du lịch thu hút 12,9 triệu lượt khách quốc tế và 73,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch lên đến 510.900 tỉ đồng, tương đương 23 tỉ đô la Mỹ. Năm nay, du lịch kỳ vọng sẽ đón khoảng 15,5-16 triệu lượt khách quốc tế, 78 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 620.000 tỉ đồng.[/box]
“Cho mượn” giấy phép sẽ bị phạt nặng
Cũng liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, luật mới cũng có những thay đổi về quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp lữ hành. Chẳng hạn như phạt nặng những trường hợp cho mượn giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, buộc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải ký quỹ, các hành động như ép khách vào cửa hàng mua sắm… cũng bị nghiêm cấm.
Theo bà Hương, tình trạng mượn giấy phép xảy ra khá phổ biến ở một số địa phương, nhiều nhất là ở phía Bắc. Đặc biệt, với thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp có giấy phép lữ hành quốc tế nhưng không kinh doanh mà lại cho đơn vị khác “mượn” để làm dịch vụ gây ra tình trạng lộn xộn trên thị trường, ảnh hưởng lớn đến khách hàng khi có sự cố. Vì thế, bộ luật mới quy định sẽ xử phạt cả người “cho mượn” lẫn người “mượn” giấy phép.
Hiện nay, trên thị trường cũng đã xuất hiện những công ty bán tour giá rẻ nhưng lại buộc khách hàng mua sắm ở những cửa hàng bán giá cao, chất lượng thấp. Vì thế, cơ quan quản lý kỳ vọng, quy định mới trong điều 9, cấm phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, tranh giành, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ, sẽ giúp giải quyết tình trạng doanh nghiệp ép khách đi tour mua sắm. “Với quy định này thì những doanh nghiệp kinh doanh những tour như kiểu tour 0 đồng, gây ảnh hưởng đến khách du lịch sẽ bị phạt”, bà Hương nói.
Với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cũng vậy. Trước đây, doanh nghiệp không cần phải có giấy phép nhưng nay phải có và phải ký quỹ 100 triệu đồng tại ngân hàng. Tương tự như hai mảng kinh doanh khác là inbound và outbound, tiền ký quỹ sẽ được sử dụng trong các trường hợp xảy ra tai nạn với khách du lịch hoặc các trường hợp khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí kịp thời giải quyết hoặc khi doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong kinh doanh dịch vụ lữ hành. Công ty kinh doanh mảng này có 12 tháng để bổ sung hồ sơ.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch, cho biết tuy bộ luật mới yêu cầu doanh nghiệp làm lữ hành nội địa nhưng sẽ không tăng tiền ký quỹ cho doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Theo ông, luật quy định làm nội địa phải ký quỹ 100 triệu đồng, kinh doanh dịch vụ lữ hành với khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) là 250 triệu đồng và kinh doanh dịch vụ lữ hành với du khách ra nước ngoài (outbound) là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ lữ hành quốc tế thường là được phép cung cấp dịch vụ lữ hành nội địa nên doanh nghiệp làm outbound hoặc inbound sẽ không phải đóng thêm tiền ký quỹ nếu làm thêm mảng nội địa.