Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Lừa đảo mua sắm qua mạng xã hội gia tăng ở Mỹ

Khi mua sắm trực tuyển bắt đầu nở rộ trên các mạng xã hội ở Mỹ , những kẻ lừa đảo tìm cách nhắm đến giới trẻ để quỵt tiền mua hàng (thu tiền nhưng không giao hàng) và ăn cắp thông tin thẻ tín dụng.

Những kẻ lừa đảo mua sắm trên mạng xã hội thường nhắm đến giới trẻ để quỵt tiền mua hàng và ăn cắp thông tin thẻ tín dụng. Ảnh: Ugetfix

Hồi tháng 11 năm ngoái, Jessica Longoria đang lướt TikTok thì thấy một quảng cáo về kệ để giày dép bằng nhựa trong suốt. Quảng cáo cho biết sản phẩm này chỉ bán trong một thời gian giới hạn. Cô truy cập vào trang web từ mẩu quảng cáo và đặt mua một chiếc kệ có thể chứa 36 đôi giày với giá 45 đô la Mỹ. Cuối tháng 12, gói hàng đến nhưng bên trong chỉ có một túi ni lông lớn.

Longoria, chuyên gia thẩm mỹ, 30 tuổi ở Fresno, bang California, đã bày tỏ sự thất vọng lên TikTok. Một số người dùng TikTok khác cũng cho biết họ cũng bị mẩu quảng cáo này lừa đảo. Tổng cộng, các video của họ được xem 32 triệu lần.

Trải nghiệm này đã dạy Longoria cẩn thận hơn với các quảng cáo trên mạng xã hội. Cô nói: “Tôi chắc chắn sẽ hoài nghi bất kỳ loại quảng cáo hấp dẫn trên TikTok trừ khi chúng đến từ một công ty nổi tiếng, đã được xác minh”.

Người phát ngôn của TikTok cho biết người bán hàng của mẩu quảng cáo đó đã bị cấm quảng cáo trên TikTok.

“Chúng tôi có các quy tắc rõ ràng về quảng cáo trên TikTok và sẽ xóa nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng, chính sách quảng cáo hoặc điều khoản dịch vụ của chúng tôi”, người phát ngôn nói.

Theo Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC), mua sắm trực tuyến là nơi diễn ra lừa đảo thương mại phổ biến nhất và các vụ lừa đảo thường bắt đầu trên mạng xã hội. Báo cáo của FTC ghi nhận thiệt hại do gian lận trên mạng xã hội lên tới hơn 1,2 tỉ đô la trong năm 2022, tăng từ 42 triệu đô la trong năm 2017. Đối với nhóm người trưởng thành từ 18-29 tuổi, mạng xã hội là điểm khởi đầu lớn nhất cho gian lận mua sắm trực tuyến. Trong một cuộc khảo sát năm 2021, gần 40% số người bị lừa đảo mua sắm trực tuyến trong nhóm này xác nhận gian lận bắt nguồn từ một trang mạng xã hội.

“Thế hệ Z (những người sinh từ năm 1998 đến 2006)  lớn lên với điện thoại thông minh hoặc iPad trên tay. Họ rất thoải mái và tin tưởng khi mua hàng trực tuyến”, Christine Halvorsen, giám đốc điều hành của Protiviti, một công ty tư vấn về rủi ro và tuân thủ pháp lý, nói.

Hồi tháng 3, FTC yêu cầu cho các công ty truyền thông xã hội lớn, bao gồm TikTok và Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook và Instagram, cung cấp thông tin về cách họ kiểm tra các nhà quảng cáo trên trang nền tảng của họ.

Người phát ngôn của TikTok giải thích các đơn hàng quảng cáo trải qua nhiều cấp độ xem xét của con người và máy móc trước khi được phê duyệt.

Trong khi đó, người phát ngôn của Meta nhấn mạnh: “Chúng tôi có thể ngăn chặn rất nhiều tài khoản giả mạo hoạt động. Và chúng tôi đã ngăn chặn rất nhiều vụ lừa đảo trước khi chúng xảy ra”.

Các chuyên gia nghiên cứu về gian lận trực tuyến cho biết, dù số tiền bị mất không lớn nhưng thường liên quan đến một chiến dịch lừa đảo quy mô. Christine Halvorsen nói những kẻ lừa đảo đặt quảng cáo trên mạng xã hội thường là một phần của băng nhóm tội phạm có tổ chức, tập trung vào đánh cắp dữ liệu hơn là kiếm tiền từ các giao dịch mua nhỏ. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng thông tin thẻ tín dụng của người mua hàng để mua thẻ quà tặng hoặc tiền ảo. Hoặc bọn chúng sẽ bán số thẻ tín dụng, tên và địa chỉ của người tiêu dùng.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Elly Sloman, sinh viên đại học 20 tuổi ở Atlanta, bang Georgia muốn mua một chiếc máy chơi game của PlayStation. Cô đã tìm thấy mẫu máy PS4 Pro trên Facebook Marketplace rao bán với giá giá 300 đô la. Người bán đã hướng dẫn cô thực hiện giao dịch qua Facebook Messenger. Cô đã sử dụng Meta Pay, hệ thống thanh toán của Meta, để gửi tiền. Khoản thanh toán được gắn với thẻ ghi nợ của cô.

Nhưng sau đó, người bán đã chặn Facebook của cô và món hàng không bao giờ được giao như cam kết.

“Ngay sau khi thanh toán cho chiếc máy chơi game, tôi có cảm giác mình vừa làm điều gì đó ngu ngốc” Sloman kể lại.

Cô đã báo cáo vụ lừa đảo với Facebook và ngân hàng của mình, nhưng giao dịch mua không được bảo hiểm vì cô sử dụng thẻ ghi nợ. Theo chính sách bảo vệ mua hàng của Facebook, các giao dịch mua tranh chấp không được bảo vệ nếu người mua thực hiện giao dịch qua Facebook Messenger hoặc các dịch vụ nhắn tin khác hoặc trang web của bên thứ ba. Để yêu cầu hoàn tiền, người mua cần phải nhấn vào nút “Buy Now” (Mua ngay) ở sản phẩm rao bán trên Facebook Marketplace.

Để tránh bị lừa đảo, các chuyên gia khuyên người mua hàng qua mạng xã hội sử dụng công cụ tìm kiếm Google để kiểm tra thông tin về công ty bán hàng và sản phẩm liên quan. Nếu một người bán gian lận, có thể những người từng bị lừa sẽ cảnh báo trên các diễn đàn trực tuyến. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên đọc bình luận về mẩu quảng cáo bán hàng. Nếu mục bình luận này bị tắt, người tiêu dùng nên cảnh giác.

Người tiêu dùng cũng nên kiểm tra tra các đánh giá về sản phẩm bán trực tuyến. David Richardson, Phó chủ tịch của Công bảo mật dữ liệu Lookout, gợi ý người tiêu dùng nên tìm kiếm trên Amazon và nền tảng mạng xã hội Reddit để tìm xem có bất kỳ phàn nàn  trong các bài đánh giá của khách hàng hay không. Nhưng họ cũng cần lưu ý, nếu các bài đánh giá chỉ toàn nói tốt đẹp, đó cũng là một dấu hiệu đáng báo động.

Chánh Tài

Theo WSJ, Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối