PHAN CHÚC -
Từ lâu, Facebook được ví như “chợ trời ảo” mà ở đó có thể rao bán bất kể thứ gì từ đồ ăn, quần áo, nhà cửa, điện thoại... đến xe máy hay ô tô. Các mặt hàng xe máy “đen” nhập lậu, ăn cắp cũng không ngoại lệ và dễ dàng được rao bán công khai.
Dạo một vòng Facebook, có thể thấy nhiều fanpage bán xe giá rẻ như cho, giật quảng cáo hấp dẫn “bán xe SH 150i, Vespa LX 125, Exciter 150, Liberty, Air Blade trốn thuế hải quan” hay “SH nhập ngoại 28 triệu đồng, Exciter từ 9 triệu tới 11 triệu đồng”. Thậm chí có trang còn mạo danh công an, hải quan với ảnh đại diện là huy hiệu của Bộ Công An rao bán nhiều loại xe máy dưới dạng thanh lý xe máy trốn thuế. Người bán cam kết đây là xe mới 100%, nhập lậu trốn thuế từ Campuchia bị công an bắt giữ, xe chưa đăng ký nên chưa có biển. Vì quá thời hạn giam giữ nên thanh lý giá siêu rẻ.
Chiêu thức của người bán là không để lại địa chỉ cụ thể, người mua phải liên hệ qua số điện thoại hoặc để lại thông tin trên bình luận Facebook thì họ sẽ liên hệ lại. Dù biết việc mua xe trốn thuế, xe không giấy tờ là phạm pháp, nhưng vì ham rẻ, muốn có xe xịn để đi, nên nhiều người đã đánh “liều”, và bị sập bẫy giao dịch ảo.
Mới đây, một người bạn của tôi liên hệ qua số điện thoại 08.68.441.xxx để mua chiếc xe Exciter đời mới với giá hời. Đầu dây bên kia người đàn ông xưng tên Sinh, nói rằng anh ta có loại xe mà anh bạn tôi cần, giá chỉ 8 triệu đồng. Giá đã bảo gồm tiền chuyển hàng, chỉ cần anh đặt cọc trước 1 triệu đồng sẽ có hàng tới trong vòng 3-5 ngày. Còn nếu muốn làm giấy tờ hoàn chỉnh, cọc thêm 1 triệu. Khi giao hàng họ sẽ cho chạy thử và khách ưng ý mới thanh toán tiền. Khi người bạn tôi ngỏ ý muốn tới tận nơi xem hàng thì người này vòng vo rằng “sợ bị lộ đường dây xe trốn thuế nên không giao dịch trực tiếp. Để đóng tiền cọc thì chỉ cần nạp bằng thẻ cào điện thoại gửi qua Facebook là được”.
Liên hệ thêm một số trang bán xe thanh lý khác, điểm chung là họ không để lại thông tin cụ thể, số điện thoại trang có, trang không và tất cả đều phải đặt tiền cọc trước. Do không gặp trực tiếp hay chuyển khoản ngân hàng, bên bán yêu cầu nạp thẻ cào điện thoại từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng để đặt cọc. Tương tự, trang fanpage giả mạo Bộ Công an thanh lý xe máy còn yêu cầu truy cập một trang web và đặt tiền cọc 100.000 đồng để có thể mua được xe, còn “cam kết” sẽ trả lại tiền cọc sau khi thanh toán tiền hàng.
Ngoài việc lừa tiền những người ham mua xe giá rẻ, các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu để lại thông tin cá nhân gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ. Thực chất họ ăn cắp thông tin của người dùng rồi bán lại cho các bên thứ ba như bảo hiểm, nhà đất hoặc tư vấn bán hàng.