Khánh Nghi-
Đầu tuần này, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch (sửa đổi), với nhiều thay đổi liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và người làm việc trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, luật yêu cầu người phụ trách lữ hành phải có bằng chuyên ngành lữ hành, khách sạn được tự nguyện đăng ký xếp hạng, hướng dẫn viên du lịch chỉ cần bằng cao đẳng.
Có bằng đại học chưa đủ
Luật Du lịch sửa đổi yêu cầu giám đốc, người phụ trách lữ hành phải có bằng cao đẳng chuyên ngành lữ hành trở lên hoặc chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch thay vì chỉ cần ba năm kinh nghiệm như quy định hiện tại. Trong trường hợp không có bằng cao đẳng chuyên ngành lữ hành trở lên thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế hoặc nội địa, tùy theo mảng đăng ký kinh doanh.
Điều này đồng nghĩa với việc dù doanh nhân có bằng đại học, cao đẳng trong nước hay quốc tế mà không có văn bằng nghiệp vụ thì không thể đứng đầu mảng lữ hành ở Việt Nam.
Quy định mới tuy đã được Quốc hội thông qua nhưng hiện vẫn có hai luồng ý kiến trái chiều. Phía ủng hộ cho rằng, lữ hành là ngành dịch vụ đặc thù, liên quan đến tính mạng của con người nên cần có những quy định ràng buộc về trình độ chuyên môn. Ở những nước khác, quy định về người đứng đầu các công ty du lịch còn ngặt nghèo hơn nên quy định mới là phù hợp.
Phía không ủng hộ cho rằng không cần thiết vì pháp luật đã có những quy định bảo vệ quyền lợi của khách hàng nên quy định mới không cần thiết. Để mở một công ty du lịch, doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu của Luật Doanh nghiệp đồng thời phải ký quỹ hàng trăm triệu đồng theo quy định của Luật Du lịch để giải quyết sự cố với khách hàng trong quá trình kinh doanh và phải mua bảo hiểm cho du khách khi đi tour.
Vì vậy, quy định mới không có thêm tác dụng bảo vệ người tiêu dùng mà chỉ làm người điều hành phải đi học để lấy chứng chỉ, trong khi thực tế có rất nhiều doanh nghiệp tự thân khởi nghiệp và đang điều hành dịch vụ rất tốt dù không có bằng cấp liên quan. Cả nước hiện có hàng ngàn doanh nghiệp du lịch. Trong đó, có rất nhiều người không có loại văn bằng này.
Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang trao đổi hợp tác tại hội chợ du lịch tại TPHCM. Ảnh: Đào Loan
Khách sạn tự xếp hạng sao
Khi luật mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, các khách sạn sẽ được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, không bị bắt buộc như hiện tại.
Trong trường hợp khách sạn muốn được cơ quan chức năng thẩm định chất lượng và gắn tiêu chuẩn xếp hạng của nhà nước thì thẩm quyền thẩm định khách sạn 4-5 sao thuộc về Tổng cục Du lịch còn các sở văn hóa thể thao và du lịch hoặc sở du lịch tỉnh/thành phố sẽ thẩm định loại 1-3 sao, thay vì chỉ 1-2 sao như hiện nay.
Sự thay đổi này được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những người điều hành các khách sạn quốc tế xem là tích cực. Doanh nghiệp cho rằng quy định mới sẽ giúp việc kinh doanh dịch vụ lưu trú vận hành theo quy luật thị trường. Các khách sạn sẽ tự chịu trách nhiệm về chất lượng để khách hàng thẩm định, nếu không đúng như chuẩn cam kết thì khách sẽ quay lưng, điều này cũng bảo vệ lợi ích, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Về chất lượng chung, luật cũng có những quy định trước khi đi vào hoạt động, các cơ sở lưu trú phải đáp ứng những điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật tối thiểu để phục vụ khách hàng nên việc tự nguyện xếp hạng sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại thị trường khách sạn có thể “lộn xộn” nếu để doanh nghiệp tự quyết việc gắn chất lượng vì mảng khách sạn hiện nay đang phát triển rất mạnh mẽ trong khi đó, việc quản lý chưa thật sát sao và tiếng nói của các hiệp hội nghề nghiệp, hội bảo về người tiêu dùng chưa đủ sức để răn đe những nơi làm ăn không đàng hoàng.
Hướng dẫn viên không cần bằng đại học
Luật Du lịch mới có một quy định được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch tháo gỡ khó khăn về việc thiếu hướng dẫn viên du lịch. Đó là bỏ quy định yêu cầu phải có bằng đại học với những người hành nghề này.
Theo đó, về bằng cấp, hướng dẫn viên du lịch nội địa chỉ cần tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa. Hướng dẫn viên du lịch quốc tế chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên, nếu tốt nghiệp ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế và dĩ nhiên là phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ đăng ký hành nghề.
Luật Du lịch sửa đổi cũng có nhiều quy định mới khác. Chẳng hạn, quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Quỹ này sẽ được hình thành từ vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp, trích từ nguồn thu phí tham quan, phí cấp thị thực, nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp... Quỹ này sẽ dùng vào bốn mục đích là xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển du lịch, hỗ trợ đào tạo-bồi dưỡng nguồn nhân lực và hỗ trợ hoạt động truyền thông trong cộng đồng.