Minh Duy-
Hiện nay, cả nước có khoảng 20.000 hướng dẫn viên du lịch có thẻ để hành nghề, phần lớn trong số đó đang làm việc tự do. Theo quy định của Luật Du lịch 2017 có hiệu lực vào đầu năm tới, những hướng dẫn viên tự do có thể sẽ mất việc nếu họ không nhanh chóng tham gia hội nghề nghiệp hoặc một doanh nghiệp trong ngành nào đó.
Có thẻ cũng không được dẫn khách
Hiện tại, chỉ cần có đủ điều kiện về trình độ văn hóa, nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ (với người hướng dẫn du khách nước ngoài) là hướng dẫn viên đã được cấp thẻ để hành nghề. Người có thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa sẽ phục vụ khách trong nước, còn người có thẻ hướng dẫn viên quốc tế sẽ được phục vụ cả khách nội địa lẫn quốc tế. Để biết hướng dẫn viên nào có thẻ, thẻ còn hiệu lực hay không, nói ngôn ngữ nào, nơi nào cấp thẻ… thì chỉ cần vào trang http://www.huongdanvien.vn của Tổng cục Du lịch là biết.
Đến đầu năm 2018 khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực thì thẻ hướng dẫn viên chỉ là một trong những điều kiện để hướng dẫn viên hành nghề. Những yêu cầu khác bao gồm: có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Hướng dẫn viên du lịch phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Giải thích cho sự thay đổi này, bà Phạm Lê Thảo, Vụ phó Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch, cho biết trước đây, hướng dẫn viên không cần các điều kiện ràng buộc khác là do quy mô hoạt động ngành và số lượng hướng dẫn viên còn ít. Sự tăng trưởng ngày càng tăng cao nên đã nảy sinh ra một số vấn đề buộc phải thay đổi cách quản lý.
“Có trường hợp hướng dẫn viên được thuê đi vài đoàn rồi tự đón khách, ôm tiền bỏ trốn khiến doanh nghiệp lao đao. Có những hướng dẫn viên lại than phiền vì làm tự do nên không được đóng bảo hiểm, ảnh hưởng đến những phúc lợi xã hội về sau nên luật mới buộc những người này phải thuộc một đơn vị nào đó", bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, Luật Du lịch 2005 cũng có quy định là ngoài chiếc thẻ, hướng dẫn viên cần có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên trên thực tế, hướng dẫn viên chỉ cần có thẻ là làm việc vì có thể lách yêu cầu thứ hai bằng cách ký hợp đồng vụ việc, là thỏa thuận làm việc ngắn hạn, theo tour, theo từng đoàn khách. Vì thế, luật mới quy định phải “có hợp đồng với doanh nghiệp”, nghĩa là hợp đồng lao động, bao gồm các trách nhiệm cho người lao động như bảo hiểm y tế, xã hội và “hợp đồng hướng dẫn” hoặc “văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch”.
Những hướng dẫn viên tự do có thể sẽ mất việc nếu họ không nhanh chóng tham gia hội nghề nghiệp hoặc một doanh nghiệp trong ngành khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực vào đầu năm tới. Ảnh: Đào Loan
Vẫn có thể lách
Phạm Văn Út, 27 tuổi, là một trong những hướng dẫn viên tự do ở thành phố Cần Thơ. Ba năm trước, anh làm cộng tác viên thường xuyên cho chi nhánh tại Cần Thơ của một công ty du lịch lớn có trụ sở ở TPHCM với thù lao 350.000 đồng/ngày. Sau đó, anh Út hành nghề tự do, với thù lao dao động từ 500.000-700.000 đồng/ngày.
Giải thích về quyết định “ra riêng”, anh Út cho rằng vì cơ hội để trở thành nhân viên chính thức quá mong manh. Do tính chất mùa vụ nên các công ty du lịch thường chỉ có vài hướng dẫn viên cơ hữu, còn phần lớn là thuê khi cần để để bớt chi phí đào tạo, chi phí quản lý cùng các chế độ đãi ngộ khác. Do vậy, không dễ để một hướng dẫn viên trở thành nhân viên chính thức của công ty. “Nếu ở đó, tôi phải chờ khoảng ba năm rồi mới có cơ hội thi tuyển thành nhân viên chính thức, với đầy đủ chế độ nhưng cũng chưa chắc đã đậu”, anh Út nói.
Vì thế, để đáp ứng yêu cầu của luật mới, anh hướng dẫn viên này chỉ còn cách là gia nhập hội nghề nghiệp. Hiện nay, anh đang tìm cách kết nối để trở thành thành viên của Hiệp hội du lịch thành phố Cần Thơ. “Vào hiệp hội thì cũng chỉ đảm bảo được yêu cầu chính danh để tiếp tục hành nghề còn những những quyền lợi khác, trong đó quan trọng là bảo hiểm xã hội để hưởng những phúc lợi sau này cũng không thay đổi”, anh Út băn khoăn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng như anh Út. Có những người như Nguyễn Văn Thư, hướng dẫn viên tiếng Nhật, lại cho rằng tuy có một chút thay đổi nhưng luật mới không làm khó anh. “Chỉ cần vào hiệp hội, đóng phí thành viên là tôi có mã hội viên để tiếp tục hướng dẫn tự do như hiện nay. Tôi sẽ làm cho bất cứ công ty nào mà tôi muốn, vào mùa vắng thì làm việc khác như phiên dịch”, anh Thư nói.
Song, anh Thư cũng băn khoăn về việc, nếu điều khoản buộc hướng dẫn viên phải là thành viên của doanh nghiệp hoặc hiệp hội xã hội là để đảm bảo quyền lợi của hướng dẫn viên thì quy định mới chưa đủ. “Lấy gì để đảm bảo hiệp hội sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ chúng tôi khi có sự cố? Nếu không có gì ngoài yêu cầu chính danh thì quy định mới chỉ khiến chúng tôi tốn phí tham gia hội nghề nghiệp”, anh Thư nói.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, nơi vừa công bố quyết định thành lập Hội hướng dẫn viên du lịch vào ngày 3-11, cho biết hiện có khoảng 70% hướng dẫn viên không có bảo hiểm xã hội. Hội sẽ không thể cùng san sẻ chi phí để cùng hướng dẫn viên đóng loại phí này nhưng sẽ hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tạo điều kiện cho người lao động được đóng phí tiện hơn, có thể đóng trực tuyến.
Ông cho biết, hiện có 5.000 hướng dẫn viên đã đăng ký tham gia hội, ngoài những hoạt động về đào tạo thì hội sẽ tạo sàn giao dịch việc làm để kết nối doanh nghiệp và người lao động. “Chúng tôi đang trên đường thực hiện các hoạt động mục tiêu này và chưa tính toán mức phí mà các hội viên phải đóng nhưng tinh thần là mức phí thấp”, ông Bình nói.