CAO BAN -
Sau một số tai nạn thương tâm đã xảy ra tại một số hồ bơi thời gian vừa qua, không ít người thắc mắc không biết ai chịu trách nhiệm quản lý hồ bơi ở các chung cư. Ghi nhận thực tế cho thấy vấn đề quản lý, giám sát hoạt động hồ bơi chung cư hiện nay vẫn có nhiều điều bỏ ngỏ.
Ai quản lý?
Trẻ em đang bơi ở một hồ bơi chung cư tại TPHCM.
Tuần trước, một bạn đọc đã gửi phản ánh lên Sài Gòn Tiếp Thị về một trường hợp trẻ đuối nước tại một hồ bơi chung cư ở quận 9, TPHCM. Bạn đọc này kể, một bé trai khoảng 14 tuổi đã bị đuối nước, và rất may mắn đã được người dân cứu kịp thời. Điều đáng nói là, chung cư này được đưa vào sử dụng gần hai tháng qua nhưng khu hồ bơi lại không hề có người cứu hộ.
Vị bạn đọc trăn trở về công tác quản lý, giám sát vận hành hồ bơi chung cư đang được thực hiện đến đâu. Hồ bơi được giao lại cho ban quản trị chung cư quản lý hay chủ đầu tư trực tiếp quản lý vận hành. Bởi trên thực tế, nhiều chung cư hiện nay đều có hồ bơi để thu hút khách hàng mua căn hộ. Các hồ bơi này có thiết kế kỹ thuật đảm bảo yêu cầu nhưng khi đưa vào vận hành lại không đạt các điều kiện như quy định.
Cậu bé bị đuối nước nói trên không phải là một trường hợp cá biệt. Còn nhớ hồi tháng 8-2015, báo chí đưa tin một em bé năm tuổi bị chết đuối tại hồ bơi của một chung cư cao cấp ở quận Từ Liêm, Hà Nội. Nguyên nhân được xác định là do bé đi bơi cùng bạn, sau đó bị cuốn từ chỗ nước nông sang nơi dành cho người lớn. Trong khi đó, hồ bơi quá đông, ồn ào, các cháu đi cùng lại không đủ khả năng tiếp cứu nên phải mất một lúc mới có người lớn xuất hiện đưa nạn nhân lên bờ, nhưng các biện pháp sơ cứu đều đã muộn. Mới đây, hồi tháng 4 vừa qua, một em bé 12 tuổi cũng đã tử vong khi đang bơi tại một bể bơi ngoài trời của khu chung cư cũng ở Hà Nội.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, chị Huệ, đại diện ban quản lý chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân) cho biết, có hai dạng vận hành hồ bơi tại các chung cư. Trường hợp thứ nhất, chủ đầu tư trực tiếp quản lý hoặc giao lại cho đơn vị khác khai thác, vận hành, phí hoạt động hồ bơi không tính vào giá bán căn hộ. Trường hợp thứ hai, hồ bơi là tài sản chung của cả chung cư, phí hoạt động hồ bơi được tính trong giá bán.
Đối với trường hợp thứ nhất, như tại Ehome 3, chị Huệ cho biết ban quản lý đang là đơn vị khai thác kinh doanh hoạt động hồ bơi nên ban quản lý cũng chịu trách nhiệm trước những sai sót trong vận hành nếu có sự cố xảy. “Hồ bơi không do đơn vị nào khai thác kinh doanh mà để phục vụ chung cho cư dân thì ai đứng ra chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng đứng ở đâu đằng sau những sự cố này?” chị Huệ thắc mắc.
Người sở hữu có trách nhiệm
Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở xây dựng TPHCM, cho biết sở xây dựng là đơn vị quyết định phương án thiết kế chung cư, đảm bảo việc xây dựng đúng như quy hoạch. Như vậy, việc xây hồ bơi tại chung cư và đảm bảo hồ bơi đúng thiết kế ban đầu là do sở xây dựng quyết định. Tuy nhiên, về tiêu chuẩn hoạt động hồ bơi, công tác giám sát quản lý thì lại do Sở Thể thao Văn hóa chịu trách nhiệm.
Đem vấn đề đến Sở Thể thao Văn hóa TPHCM trao đổi thì được biết, sở này là đơn vị đưa ra tiêu chuẩn hoạt động bể bơi, sau đó thẩm định và tham mưu lên UBND thành phố phê duyệt, cấp phép hoạt động. Về việc kiểm tra, giám sát hoạt động hồ bơi thì sở giao cho Liên đoàn Thể thao dưới nước TPHCM (HASA) thực hiện.
Theo quy định, bể bơi phải có kích thước tối thiểu 8x18m hoặc diện tích tương đương. Cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn phải đảm bảo các điều kiện về dây phao, có nhân viên cứu hộ đủ tiêu chuẩn và trang bị cứu hộ bao gồm sào cứu hộ, phao cứu sinh… Số lượng nhân viên cứu hộ phải đảm bảo tỷ lệ 200m2 bể bơi/nhân viên hoặc khi có đông người tham gia tập luyện phải đảm bảo tỷ lệ 50 người bơi/nhân viên.
Ông Phạm Hữu Tâm, Tổng thư kí HASA, cho biết hiện nay trên địa bàn TPHCM có tất cả 224 hồ bơi. Cứ sáu tháng một lần, HASA sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đi kiểm tra tất cả các hồ bơi, công viên nước trên địa bàn thành phố, bao gồm cả hồ bơi chung cư. Ông Tâm cho hay, qua kiểm tra, hầu hết các hồ bơi đều đảm bảo điều kiện hoạt động. Nếu hồ bơi nào không đáp ứng được tiêu chuẩn thì sẽ bị xử lý, đình chỉ hoạt động.
“Tuy vậy, số lượng hồ bơi quá lớn, đoàn liên ngành chỉ kiểm tra sáu tháng một lần thì cũng không thể kiểm soát được liệu trong khoảng thời gian ấy hồ bơi có duy trì việc vận hành đúng chuẩn hay không”, ông Tâm nói với Sài Gòn Tiếp Thị qua điện thoại.
Hơn nữa, theo ông Tâm, ban quản lý chung cư không có chuyên môn trong hoạt động bơi, lặn cũng như vận hành hồ bơi nên việc quản lý, đảm bảo an toàn hồ bơi tại các chung cư rất khó khăn và còn nhiều lúng túng. Theo ông, nên có một đơn vị chuyên môn để phụ trách việc hoạt động tại các bể bơi chung cư này.
Về trách nhiệm đối với việc vận hành bể bơi, luật sư Trần Đức Phượng, thuộc Đoàn luật sư TPHCM, cho rằng trách nhiệm được quy về cho người nào sở hữu bể bơi. Ông Phượng phân tích, nếu bể bơi thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm đảm bảo việc vận hành đúng tiêu chuẩn đề ra. Nếu chủ đầu tư giao cho đơn vị khác khai thác kinh doanh thì đơn vị đó chịu trách nhiệm.
Trong trường hợp bể bơi thuộc sở hữu chung của cư dân thì ban quản lý chung cư phải là người có trách nhiệm trước những sai sót trong vận hành hoặc sự cố xảy ra dù cho ban quản lý có giao lại đơn vị chuyên môn khác giám sát hay không.