Nguyễn Đước (TPHCM)-
Mấy ngày qua, chuyện mức lương được hưởng khi về hưu của một cô giáo dạy mầm non hơn 37 năm chỉ 1,3 triệu đồng mỗi tháng, khiến người đi làm có đóng bảo hiểm xã hội không khỏi thấy xót cho cô giáo và cũng lo lắng hơn cho bản thân mình. Cách đây hơn ba tháng, một người chị của tôi – là công nhân làm công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm cho một doanh nghiệp – vừa được nghỉ hưu theo diện mất sức lao động. Với hơn 23 năm đóng bảo hiểm xã hội, chị được hưởng mức lương theo chế độ chính sách cho trường hợp đặc biệt của mình là hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Chị kể đã thật sự choáng váng khi cầm trên tay quyết định nghỉ hưu trước tuổi của mình. Bởi vì với mức độ suy giảm sức lao động đến 69% theo kết quả giám định của Hội đồng giám định y khoa TPHCM thì chị sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sắp tới.
Có thể thấy chuyện nhận lương bảo hiểm xã hội thấp nói trên xảy ra với nhiều người từ cán bộ, viên chức nhà nước cho đến người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội.
Ai cũng biết, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức tiền lương cao thì mức lương hưu cũng sẽ cao tương ứng. Có một thực tế là với tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay còn cao, nhiều doanh nghiệp tìm cách hạ thấp mức lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để “nhẹ gánh” nặng đóng bảo hiểm. Và với cách tính lương hưu bình quân như hiện nay của cơ quan bảo hiểm xã hội cũng như tỷ lệ % giảm trừ đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi do mất sức lao động vẫn chưa thực sự hợp lý, nếu không muốn nói là tỷ lệ % giảm trừ đối với người lao động chưa đủ tuổi về hưu do mất sức lao động còn quá cao, điều này vô hình trung sẽ làm giảm tiền lương hưu trí.
Do vậy, để chính sách bảo hiểm xã hội cũng như chính sách lương hưu thật sự khuyến khích người lao động tham gia đồng thời bảo đảm nguyên tắc an sinh xã hội, bảo đảm nguyên tắc người lao động về hưu phải sống được với mức lương hưu sau bao nhiêu năm dài làm việc thì Nhà nước cũng như cơ quan bảo hiểm xã hội cần có cách tính thấu đáo hơn.
Theo tôi, cần xem xét việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn tăng mức lương đóng bảo hiểm xã hội cao hơn cho người lao động, kế đến cần thay đổi cách tính lương hưu bình quân, trong đó cũng cần giảm trừ tỷ lệ % đối với người lao động về hưu trước tuổi do mất sức lao động hoặc người lao động chưa đóng đủ số năm bảo hiểm xã hội theo quy định để người lao động được hưởng tỷ lệ % lương hưu hợp lý.