Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Lượng ô tô nhập bán ra gần bằng lượng xe nội tiêu thụ

Thị trường ô tô tháng 10 – tháng đầu tiên nền kinh tế hoạt động theo trạng thái “bình thường mới” – đạt gần 30.000 xe bán ra, tăng 120% so với tháng liền kề trước đó.

Bình thường khoảng cách giữa xe lắp ráp, sản xuất trong nước tiêu thụ luôn vượt xa xe nhập khẩu nguyên chiếc, nhưng trong tháng 10 vừa qua thì chỉ cách nhau không tới 1.000 xe.

Lắp ráp xe ô tô của một liên doanh ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổ chức chi phối phần lớn thị phần ô tô trong nước, được công bố vào ngày 16-11, lượng bán hàng của toàn thị trường đạt 29.797 xe, bao gồm 19.865 xe du lịch; 9.492 xe thương mại và 404 xe chuyên dụng. So với tháng trước đó, kết quả tháng vừa qua lượng xe du lịch tăng 138%, xe thương mại tăng 94% và xe chuyên dụng tăng 45%.

Trong báo cáo của VAMA, lượng bán hàng của xe lắp ráp trong nước trong tháng vừa qua tăng đến 110% so với tháng trước, đạt 15.344 xe, nhưng lượng bán hàng của xe nhập khẩu nguyên chiếc trong cùng thời gian này tăng nhiều hơn (tăng 132%), đạt 14.453 xe.

Như vậy, việc tiêu thụ giữa xe lắp ráp và sản xuất trong nước với xe nhập khẩu nguyên chiếc không còn chênh lệch nhau nhiều. Cụ thể là trong tháng 10 vừa qua xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc được bán ra chỉ ít hơn không tới 1.000 xe so với lượng xe tiêu thụ của xe ô tô lắp ráp trong nước.

Theo lý giải của VAMA, lượng bán hàng trong tháng 10 tăng mạnh ngoài yếu tố tất cả các đại lý ô tô trên toàn quốc được hoạt động trở lại thì còn có sự phục hồi nhanh chóng của các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc; và gần đây là thông tin từ Chính phủ về việc áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ được áp dụng từ ngày 15-11-2021.

VAMA cho biết lượng bán hàng tháng 10 vừa qua vẫn giảm 10,4% so với kết quả bán hàng của cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung trong 10 tháng đầu năm nay, lượng bán hàng của toàn thị trường tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 218.700 xe. Tuy vậy, VAMA cho rằng so với cùng kỳ trong thời điểm trước đại dịch thì lượng bán hàng 10 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn (10 tháng đầu 2021 so với mười tháng đầu 2019, giảm 16%).

So sánh này của VAMA được giới quan sát nhìn nhận tổ chức này muốn lưu ý rằng tình hình thị trường ô tô tiêu thụ vẫn còn khó khăn trong bối cảnh nhiều liên doanh và nhà sản xuất ô tô trong nước trông chờ vào chính sách được giảm phí trước bạ 50% đối với ô tô lắp ráp – sản xuất trong nước mà Bộ Tài chính đề xuất gần đây.

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng lệ phí trước bạ cho người mua sớm nhất là vào ngày 15-11-2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin được thông qua đề xuất này.

Trong khi đó, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được các hãng xe và đại lý ngóng chờ, vì có thể giúp kích cầu thị trường, khuyến khích người dân mua sắm và giúp phục hồi thị trường ô tô hậu giãn cách xã hội.

Đà hồi phục của thị trường ô tô trong nước đang có dấu hiệu chững lại sau khi rộ thông tin ô tô lắp ráp trong nước sẽ một lần nữa được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.

Một số đại lý ô tô trên địa bàn TPHCM, cho biết thị trường trầm lắng hơn do khách hàng chờ đợi ưu đãi “kép” từ thông tin có khả năng giảm 50% phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước và các chương trình khuyến mãi cuối năm. Điều này khiến không ít đại lý rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi vẫn phải “ôm hàng” trong khi nguồn vốn vẫn chưa thể thu hồi.

Trước khó khăn này, nhiều đại lý kinh doanh ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đã quyết định hỗ trợ khách hàng bằng phương thức nhận cọc giữ các ưu đãi cho khách mua hiện nay để chờ được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ dự kiến sẽ được thực hiện sớm nhất vào ngày 15-11, theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Hùng Lê

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối