Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Ly kỳ tấm bia khắc tên đại úy Barbé trong di tích lăng Hoàng Gia ở Gò Công

(SGTTO) – Lăng Hoàng Gia ở ngoại ô thị xã Gò Công, Tiền Giang nổi tiếng từ xa xưa, nó quan trọng với nhà Nguyễn tới mức ngay trong một hòa ước giữa triều đình Huế của vua Tự Đức và Pháp, có lồng vào điều khoản bảo vệ khu lăng mộ này.

Nhưng, ngày nay du khách thập phương khi tới lăng Hoàng Gia, nơi an nghỉ của đại thần Phạm Đăng Hưng, cha của bà Hoàng thái hậu Từ Dụ (Từ Dũ) lại thấy một tấm bia mộ có ghi tiếng Pháp.

lăng hoàng gia
Gian thờ chính của khu lăng mộ Hoàng Gia ở Gò Công. Ảnh: HN

Phía tay trái của lăng mộ ông Phạm Đăng Hưng từ ngoài nhìn vào nơi an táng một trọng thần của triều đình nhà Nguyễn có nhà bia, trong đó dựng tấm bia mà nhìn vào bia, trên cùng là thánh giá. Dưới thánh giá có hàng chữ : 'Cigit - Barbé Capitaine Dinfanterie de Marine tue dans une emeuscade le 7 decembre 1860 ...'. (Tạm dịch: Đây là nơi an nghỉ của Barbé - Đại úy Thủy quân Lục chiến tử trận trong cuộc phục kích ngày 7-12-1860).

lăng hoàng gia
Tấm bia đá có khắc chữ Pháp lại đa95t ngay trước mộ đại thần của triều Nguyễn - ông Phạm Đăng Hưng.

Thì ra đó là viên đại úy thủy quân lục chiến Pháp đã bị nghĩa quân Trương Định giết chết gần chùa Khải Tường (nay là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh) có liên quan tới mối tình một cô gái Việt mà sau này có tuồng  “Nàng Hai Bến Nghé” vang danh trong lòng người mộ điệu nghệ thuật cải lương.

Toàn bộ những dòng chữ Pháp này nằm chồng lên những dòng chữ Hán. Rất may, chỉ vài dòng tiếng Pháp nên phần còn lại khá nhiều giúp cho người đọc có thể hiểu được nội dung.

Người trông nom khu lăng Hoàng Gia giới thiệu về những giai thoại ly kỳ của tấm bia mà vua Tự Đức rồi tới vua Thành Thái đã ban tặng cho Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Ông Hưng phục vụ triều đình nhà Nguyễn từ khi chúa Nguyễn Ánh ở Gia Định cho tới khi vua Gia Long xưng đế, rồi tới vua Minh Mạng và trở thành “sui gia” với Minh Mạng, tức ông là cha vợ của vua Thiệu Trị và ông ngoại của vua Tự Đức.

Nhà bia phái tay trái lăng mộ. Ảnh: HN

Theo tài liệu ghi lại, văn bia do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn vào năm Tự Đức thứ 10 (1858) trên đá cẩm thạch trắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Vua Tự Đức sai chở bằng thuyền từ Huế vào Gò Công cùng với tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng.

Nhưng khi tàu chở vào đến cửa Ô Cấp - Vũng Tàu (cửa biển Cần Giờ ngày nay) thì bị quân Pháp bắt giữ, chúng tịch thu toàn bộ, đưa về chùa Khải Tường (hiện nay là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TPHCM) cất giữ.

Sau khi đại úy Barbé chết, binh lính Pháp dùng tấm bia này và khắc chữ lên để tưởng nhớ chỉ huy của họ và đặt trước mộ Barbé. Sau này khi người Pháp đô hộ Việt Nam, nhiều mộ lính Pháp ở Sài Gòn dồn về nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, nay là công viên Lê Văn Tám.

Mộ ông Phạm Đăng Hưng được cho là cách an táng hiếm có ở Nam bộ thời bấy giờ.

Mãi đến tháng 5-1983, khi UBND TPHCM quyết định di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để xây dựng Công viên Văn hóa Lê Văn Tám, sau khi bốc cốt đại úy Barbé đưa về Pháp, các công nhân dọn dẹp san lấp mặt bằng phát hiện một tấm bia đá lớn nhưng không biết đó là báu vật của vua ban đã lưu lạc hơn trăm năm.

Về sau, các nhà khảo cổ phát hiện ẩn bên trong hình cây thánh giá là chi chít chữ Hán khắc chạm rất công phu và tinh xảo, đọc kỹ  thì đó chính là bia văn do vua Tự Đức ban gởi về Gò Công. Cho đến tháng 7-1998, đúng 140 năm, tấm bia vua Tự Đức ban mới được đưa về ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, Gò Công đặt bên trái mộ phần của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng đến ngày nay.

Khu gian thờ có bức tượng bán thân của bà Từ Dũ, theo lời người quản lăng, là do Bệnh viện Từ Dũ trao tặng cho lăng.

Lăng Hoàng Gia được xây trên gò Sơn Quy (có hình con rùa nên dân gian gọi là Gò Rùa, sau được vua Tự Đức đổi thành Sơn Quy) vào năm 1826. Khu lăng mộ được xây dựng trong nhiều năm liền trên diện tích gần 3.000m2, nằm cách trung tâm thị xã Gò Công khoảng 2km.

Dòng họ Phạm đã sống lâu đời và nổi tiếng ở đất Gò Công. Ông Phạm Đăng Khoa là người khai hoang lập nghiệp, Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ tư. Nhiều người cho rằng vì là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng thái hậu Từ Dũ, tước Đức Quốc Công, nên sau khi Phạm Đăng Hưng mất (1825), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ và được người đời gọi là lăng Hoàng Gia.

Tuy nhiên có nhiều tài liệu cho rằng dù ông là quan văn nhưng lại có nhiều công lớn, đại thần của nhiều triều, nên việc dựng xây lăng mộ của triều đình hay ban tặng bia đá ghi công là điều đương nhiên.

Sơn Quy ngày nay ngoài lăng Hoàng Gia còn nức tiếng với một món chè đã có truyền thống từ bao đời mà bất cứ người nào chào ghé qua nơi đây đều muốn dừng chân để nếm thử, gọi là chè Sơn Quy.

Hòa ước Giáp Tuất (1874) được ký kết giữa Pháp và Triều Nguyễn tại khoản 5 có quy định công việc bảo vệ khu hai đền mộ nổi tiếng ở Nam bộ lúc ấy là khu lăng mộ Phạm Đăng Hưng ở Gò Công và khu lăng mộ ông Hồ Văn Bội ở Biên Hòa.

Và cũng vì vậy mà giờ đây, khi du khách tới lăng Hoàng Gia, trước mộ ông Phạm Đăng Hưng, ngoài tấm bia đá bên trái vừa khắc chữ Pháp, chữ Hán như đã nói ở trên, phía bên phải còn có tấm bia đá có nội dung tương tự do vua Thành Thái ban tặng sau này.

Năm 1899, vua Thành Thái cho dựng nhà bia bên phải (từ ngoài nhìn vào) bằng đá hoa cương. Nội dung tấm bia này giống y tấm bia Tự Đức ban cho ông ngoại mình.

Con tạo xoay vần và thật bất ngờ khi bà Từ Dũ được một số tài liệu và cả giai thoại cho rằng bà ngầm ủng hộ nghĩa quân Trương Định nổi dậy kháng Pháp trên quê hương Gò Công của bà. Rồi tới nghĩa quân Trương Định giết chết kẻ cướp tấm bia đá mà triều đình tặng cho lăng mộ của cha bà. Đại úy Barbé, kẻ cướp bia mộ bằng đá bị giết lại được binh lính dùng chính tấm bia này khắc tên và đặt trước mộ. Vậy là 140 năm sau tấm bia mới về đúng nơi nó cần dựng mà lẽ ra phải hơn 1 thế kỷ trước. Vậy nên mới có chuyện bia đá trước mộ của một đại thần triều Nguyễn lại có khắc chữ tiếng Pháp.

Phần mộ được xây dựng từ năm 1826, táng trên gò cao, mang dáng dấp của một chiếc nón quan trong triều, trông vừa như chiếc nón lá vừa như búp sen, khác với những mộ ở Nam bộ. Ngoài ra, bình phong được xây khá cầu kỳ, đường nét uyển chuyển làm cho ngôi mộ trở nên cổ kính và uy nghiêm được các nghệ nhân tài hoa bậc nhất chuyên xây dựng lăng tẩm, cung đình từ Huế vào và nghệ nhân địa phương xây dựng nên công trình kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách cung đình.

Cổng lăng là nơi du khách thường chụp ảnh lưu niệm khi điêu khắc chạm trỗ khá cầu kỳ từ xa xưa. Ảnh: HN

Người quản lăng hiện nay cho biết cổng lăng độc đáo và xưa nhất vùng Nam bộ khi có long lân quy phụng họa tiết trên cổng mà ngày nay, nó là nơi không ít người mẫu, hoa hậu, người đẹp dùng cổng này làm nơi chụp ảnh tạo dáng cho các bộ ảnh của mình.

Năm Khải Định 1921 lăng được trùng tu một lần nữa và đến năm 1998 ngôi nhà thờ được đại trùng tu, phần nào trả lại những nét kiến trúc đặc biệt dành cho Hoàng tộc tại xứ Gò nổi tiếng.

Năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) có quyết định công nhận Khu lăng mộ Hoàng Gia là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Hiện nay khu lăng mộ Hoàng Gia là điểm đến thu hút khách tham quan khi đến Gò Công.

Hồng Ngọc

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối