(SGTT) – Được xây dựng vào năm 1350, chùa Thuyền dưới hình dạng là những bảo tháp để thờ cúng có tên Wat Kok Khwai. Đến năm 1767 chùa đổi tên thành Wat Kok Krabu, và dưới thời vua Rama III, nó được đổi tên thành Wat Yannawa. Tại đây, có một căn phòng đặc biệt trưng bày hơn 100 chiếc bình bát, mà theo tiếng Phạn, bình bát là Bát-đa-la hay còn gọi là ứng lượng khí.
- Thủ đô Thái Lan có tên mới, ý nghĩa là "thành phố thủ đô của các thiên thần vĩ đại"
- Thư giãn khi đi giữa "thảm hoa tulip" ở Thái Lan
Ắt hẳn, nhiều du khách Việt Nam khi du lịch Thái Lan sẽ đều ghé ngôi chùa này. Ngay điện chính có người chờ để bán những cành hoa cúng, thường là hoa cúc trắng hoặc hoa huệ. Và có một tủ để những chiếc tấm vải với chú thích tiếng Anh và có cả tiếng Việt, yêu cầu mặc tấm vải che lại nếu mặc đồ ngắn để vào lễ bái.
Trong chánh điện, ngoài chỗ lạy Phật, dâng hoa và cũng có thùng công đức, thì bên phải có bán những mặt hàng liên quan đến Phật giáo như các vòng đeo tay, tượng Phật… Một số ít nếu có yêu cầu sẽ theo các nhà sư vào gian phía sau để thỉnh xá lợi là hạt xương còn lại của các nhà sư tu thành chánh quả sau khi hỏa thiêu.
Dông dài một chút về chuyện ngôi chùa, là đi vòng ra phía sau vẫn còn rất nhiều căn nhà nhỏ, thờ tự nhiều tượng Phật khác nhau, nhưng thường do du khách sau khi thăm chùa là đi bọc ra bến sông để đi thuyền trên sông Chao Phraya nên ít chú ý. Ngay bến sông sau chùa ngay chỗ xuống tàu có một bầy chim bồ câu rất dạn dĩ với khách vài trăm con bay lượn rất đẹp.
Ở chùa Thuyền có một căn phòng rất đặc biệt mà hiếm ngôi chùa nào ở Thái Lan có, là căn phòng lưu giữ bình bát. Trên chiếc bàn dài có khoảng hơn 100 chiếc bình bát, với ba loại khác nhau. Loại bình bát vàng và bạc thiết kế khác, chạm hoa văn để thuận lợi ngay lối đi vào, bình bát màu đen chiếm đa số, mỗi hàng bốn cái xếp dài cho hết bàn.
Về chuyện bình bát, vào thời Đức Phật còn tại thế, chư tăng ôm bình bát đi khất thực. Theo tiếng Phạn, bình bát là Bát-đa-la hay còn gọi là ứng lượng khí. Giải thích về bình bát, Thầy Thích Trúc Thái Minh (Chùa Ba Vàng, Uông Bí, Quảng Ninh), chia sẻ: “Người xuất gia lấy bình bát để đựng thức ăn, trong nhà Phật gọi là ứng lượng khí. Bình bát có nhiều kích thước to, nhỏ khác nhau. Lại có bình bát làm bằng đất, bằng gốm, đồng, sắt, kẽm, vàng hay bằng ngọc... Tùy người ăn khỏe thì lấy bình bát to, người ăn yếu thì lấy bình bát nhỏ. Đức Phật tạo ra tùy theo sức ăn của mình mà thọ nhận bình bát cho phù hợp. Đó gọi là ứng lượng khí, tức là vật dụng tương ứng mình”.
Riêng ở Thái Lan, một đất nước Phật Giáo, ngoài Dương lịch họ không xài Âm lịch mà là Phật lịch, thì chiếc bình bát gắn lền với các nhà sư, mỗi nhà sư đều có bình bát và giữ gìn rất quý trọng. Việc khất thực không phải thường xuyên, mà theo một quy định nào đó. Họ đi theo hàng rất chậm, đi qua các con phố và chỉ nhận thức ăn đã nấu chín trong bình bát. Và ở Thái Lan có một làng làm bình bát là Ban Baat ở ngay tại thủ đô Bangkok. Chiếc bình bát làm bằng thiếc hoặc nhôm, dùng 8 miếng ghép lại (tượng trưng cho 8 chiếc nan trong bánh xe Pháp Luân). Bình bát như nói ở trên là “tài sản” của mỗi nhà sư. Thời của Đức Phật bình bát làm bằng đất sét nung chín, nay thì đã khác và đẹp hơn nhiều.
Căn phòng với cả trăm chiếc bình bát xếp trong không gian chật hẹp ấy gây tò mò cho du khách. Và theo am hiểu thì mỗi chiếc bình bát ấy đều gắn liền với một nhà sư ở chùa, họ để lại bình bát nơi này cho khách tham quan nhìn ngắm. Sự khác nhau ở các bình bát ngoài màu vàng hay bạc thì còn là những nhà sư có thời gian tu tập lâu, đã có chức vị. Tất cả các chiếc bình bát tạo ra một vẻ đẹp rất riêng trong ngôi chùa.
Và cũng là một cách tỏ lòng thành kính, khách tham quan để vào trong các đồng tiền xu phần lớn được thối lại trong quá trình giao dịch ở Thái Lan, thường là các đồng xu có mệnh giá 10, 5, 2 và 1 baht (tiền Thái Lan 100 baht có giá gần bằng 70.000 đồng). Tính giá trị các đồng tiền xu không đáng kể, nhưng gom lại là số tiền lớn.
Khi nhìn vào các bình bát, thấy rõ ràng các bình bát vàng và trắng ở gần cửa được bỏ vào nhiều hơn, có bình bát đã một nửa, có bình bát nằm phía cuối căn phòng hoặc nằm sâu bên trong không có đồng xu nào. Thực ra, tất cả tiền được bỏ vào trong bình bát là tiền chung của chùa, dùng để làm những việc chung chứ không của riêng ai.
Khuê Việt Trường