Hoàng Xuân Phương
Ngày 18-5 vừa qua, công ty mã vạch Visualead của Israel chính thức cho phép Tập đoàn Alibaba tại Trung Quốc sử dụng loại mã vạch không còn vạch – Dotless Visual Codes – dưới tên gọi là Blue Stars Codes nhằm ngăn chặn việc làm hàng giả hay gắn mã giả để phân phối hàng hóa qua mạng.
Mã vạch đã thay đổi
Lịch sử mã vạch gắn trên các mặt hàng đã được bắt đầu từ năm 1948 bởi nhà phát minh N. Joseff Woodland, và đến năm 2012 khi ông qua đời thì việc sử dụng mã vạch trở nên phổ biến trên tất cả các sản phẩm. Ngày nay mã vạch không chỉ được đọc nơi các quầy thu ngân mà ngay trên chiếc điện thoại di động mang theo bên mình. Với camera và phần mềm ứng dụng, những chiếc điện thoại thông minh biến mã vạch thành một thứ môi trường tìm kiếm thông tin sản phẩm, một phương tiện mua sắm, một công cụ thanh toán, và còn là một môi trường quảng cáo lý thú.
Visualead, công ty công nghệ mã vạch mới chỉ được thành lập từ năm 2013, nhưng sản phẩm mã hóa của công ty này đã có trên 500.000 doanh nghiệp của khoảng 200 quốc gia sử dụng bởi mã vạch của Visualead an toàn hơn, và lại đẹp hơn, không rắc rối như những ma trận. Các “bit” thông tin về sản phẩm, từ chất lượng, cách dùng đến xuất xứ được tích hợp vào giữa các “bit“ tạo nên bức hình hay đoạn video làm cho việc nhái nhãn hiệu trở nên khó khăn.
Trên thực tế, công nghệ mã vạch không còn vạch của Visualead còn đi xa hơn nữa trong việc tạo thành một nền tảng, cho phép mỗi một doanh nghiệp tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn an toàn O2O (offline-to-online) của Visualead có thể tự thiết kế và bảo vệ bí mật mã vạch của mình. Đồng thời, sử dụng ứng dụng di động của công ty trong các giao dịch mua bán, thanh toán, cũng như trong các chiến dịch quảng cáo.
Các công ty sản xuất những mặt hàng cao cấp như L’Oréal và Ferrero cho biết người tiêu dùng rất thích các mã vạch mới, không chỉ vì chúng đẹp hơn, sinh động hơn, mà còn vì chúng cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn để bảo đảm rằng mặt hàng đã được sản xuất tốt và người tiêu dùng có thể tham khảo bất cứ lúc nào để sử dụng sản phẩm đúng cách.
Nevo Alva, Giám đốc điều hành Visualead cho biết theo sau mã vạch không vạch dành cho Alibaba, gọi là Blue Stars Codes, công ty tiếp tục triển khai các dạng mã vạch khác, bao gồm Visual QR Codes, Animation QR Codes và Video QR Codes, tất cả tập trung cho thương mại di động.
Cuộc chiến chống hàng nhái qua mạng
Sở dĩ, Alibaba bắt tay Visualead bởi họ đang chật vật trong cuộc chiến chống lại việc bán hàng nhái, hàng giả qua mạng. Từ lâu hàng giả Trung Quốc là vấn đề nhức nhối ở thị trường nội địa nhưng nay nó đã tràn qua biên giới các nước khác tại châu Âu hay Mỹ khi thương mại điện tử phát triển.
Thứ Sáu tuần trước, Alibaba đã bị nhóm Kering khởi kiện tại tòa án liên bang ở Manhattan (Mỹ) vì việc trang thương mại điện tử này chấp nhận cho một số công ty Trung Quốc bán những mặt hàng nhái theo các thương hiệu nổi tiếng Gucci, Yves Saint Laurent và các nhãn hiệu của nhóm Kering SA đặt trụ sở chính tại Paris (Pháp). Đơn kiện tố cáo Alibaba biết rõ đó là những sản phẩm nhái theo kiểu dáng, mang giả nhãn hiệu và mã vạch của các hãng nổi tiếng này.
Trước đó, tháng 7 năm ngoái nhóm Kering đã nộp đơn kiện, nhưng sau đó rút lại để Alibaba có thời gian thương lượng với cam kết không cho phép các nhãn hiệu nhái này tiếp tục rao bán qua mạng của tập đoàn. Nhưng rồi mọi chuyện vẫn như cũ, các công ty Trung Quốc khác tiếp tục sản xuất và phân phối các loại hàng nhái sản phẩm nổi tiếng của các hãng nước ngoài. Một túi xách hiệu Gucci được rao bán với giá chỉ 2-5 đô la Mỹ, trong khi giá bán lẻ chính thức lên đến 795 đô la Mỹ.
Đây thực sự là một cuộc chiến thương mại, và để giữ uy tín cho mình, vào đầu năm nay Tập đoàn Alibaba đã làm việc với công ty mã vạch Visualead nhằm tìm ra giải pháp. Kết quả làm việc đem lại một thỏa thuận, theo đó Visualead cho phép Alibaba sử dụng phương pháp mã hóa tiên tiến nhất, loại mã vạch không vạch lên các mặt hàng để phân biệt với các mặt hàng hiện hữu của các công ty nước ngoài. Ngược lại Alibaba bỏ vốn vào Visualead dưới dạng đầu tư vào vòng góp vốn mới nhất và Visualead sử dụng vốn này để đẩy nhanh công nghệ mã vạch offline-to-online (O2O).
Từ vài năm nay công nghệ O2O đã tạo nên một trào lưu mua sắm mới. Theo đó khách hàng đến các cửa hiệu, cửa hàng hay siêu thị trực tiếp xem hàng, so sánh giá cả và tham khảo thông tin mặt hàng qua các mã vạch nhờ một ứng dụng cài đặt trên các thiết bị di động. Sau đó, họ tiếp tục công việc mua sắm, thanh toán bằng chính tài khoản điện thoại thông minh hay máy tính bảng của mình.
Hai năm trước, Công ty Weixin thuộc Tập đoàn Tencent của Trung Quốc bắt đầu cung cấp loại ứng dụng di động dành cho phương pháp mua sắm mới này và từ đó việc áp dụng mã vạch lên các hàng hóa của thị trường đông dân nhất thế giới trở nên phổ biến. Cả Weixin và WeChat (một công ty công nghệ của Trung Quốc) đã cung cấp ứng dụng di động cho khoảng 400 triệu người và trở thành đối thủ của Alibaba. Vì thế, tập đoàn bán lẻ này phải nhanh chóng kết hợp với Visualead, áp dụng công nghệ mã vạch mới nhằm tạo ra thế thượng phong cả về thương mại điện tử lẫn thương mại di động.