Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Mắc bệnh hiếm chứ không phải “ma nào nhập”!

Khánh Ngân -

ThS.BS. Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết nơi đây vừa phẫu thuật cứu sống một bệnh nhi bị bệnh hiếm gặp là hội chứng kìm mạch máu. Trong khi đó, ròng rã 6 tháng, các bác sĩ từ tuyến tỉnh đến TPHCM đều cho rằng bé bị tâm lý, tâm thần, còn gia đình cho rằng con bị tà ma nhập nên “tha” đi khắp nơi để trừ tà.

“Con bệnh thiệt, sao mẹ  không tin con?”

IMG_9011 Sau nhiều tháng đi nằm viện được chẩn đoán tâm thần, bị bệnh đường tiêu hóa, thậm chí người nhà đưa đi cúng trừ tà ma, bé A. đã tìm được bệnh và thoát cửa tử nhờ BS. Đào Trung Hiếu (trái) và BS. Nguyễn Hữu Chí (phải).

Giở tay áo vẫn còn hằn những vết sẹo do con gái cắn mỗi khi bị những cơn đau hành hạ, mẹ của bệnh nhân A. (13 tuổi, ở Bình Dương) nói trong nước mắt: “Tôi không dám tin là tìm ra được bệnh con gái mình và chữa hết”. Vì ròng rã 6 tháng, bé A. ngày càng suy kiệt, đi không vững, ăn bao nhiêu đều ói ra, ói cả mật vàng, không đi cầu, đau đớn vật vã. Mà mỗi lần bé đau thì lăn lộn, gào thét, cắn tay của mình và cắn tay mẹ đến tứa máu.

Bà kể bé A. đang khỏe mạnh, vui vẻ, hoạt bát và học giỏi, bỗng dưng vào một chiều đầu năm nay, bé lên cơn sốt, đau bụng và nôn ói. Bà tưởng con bị trúng nắng nên mua thuốc cho uống. Thế nhưng mấy hôm sau, dù bé rất đói bụng và thèm ăn, nhưng vừa nuốt vào thì nôn thốc nôn tháo, rồi kêu khóc, gào thét vì đau.

Thấy con bệnh ngày càng nặng, bà đưa bé đến bệnh viện Đ. khám và được cho nhập viện với kết luận: viêm tá tràng. Sau 3 tuần điều trị, bé vẫn không đỡ nên gia đình đưa lên các bệnh viện lớn của TPHCM khám. Nơi thì nói bé bị viêm loét dạ dày tá tràng, nơi thì nói bé bị tâm lý và mỗi nơi lại nằm điều trị cả tháng. Có bác sĩ chẩn đoán bé bị tâm thần, mà cho uống thuốc tâm thần cả tháng cũng không thuyên giảm.

Bé A. thì gào thét, vật vã và cứ cắn xé tay vì đau và ăn không được, dần dà bé ốm như bộ xương khô, chỉ còn được truyền dịch để gắng gượng sống qua ngày trong khi bé lại cứ thèm ăn, ăn vào là ói ra.

Trải qua gần chục bệnh viện, làm đủ xét nghiệm, siêu âm, nội soi, chụp CT… nhưng bác sĩ vẫn không thấy bệnh.  Khi đó, bé A. chỉ khóc, nói: “con bệnh thiệt mà, sao mẹ không tin con?”.

Gia đình nghĩ con bị ma nhập nên đưa đi thầy cúng, thầy cũng nói nó bị ma nhập, quỷ ám nên người nhà càng tin. Thầy đánh đuổi cúng kiếng đủ kiểu mà bé cũng không đỡ chút nào nên lại đi nằm viện.

Tìm đúng thầy

Được một bác sĩ giới thiệu cho BS. Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Siêu âm chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, mẹ bé A. đưa con đến khám.

Bà đưa những kết quả chẩn đoán trước cho bác sĩ xem và hồi hộp nhìn ông đọc. Và khi vị bác sĩ đặt tay lên bụng bé, BS. Chí nói: “có thể bé bị bệnh hiếm gặp: hội chứng kìm mạch máu”. Lúc đó bà Nga khó tin chắc đã tìm ra bệnh cho con mình. Sau khi siêu âm kỹ, BS. Chí càng tin bé A. mắc bệnh này, bệnh lý mà ông đã gặp 3-4 ca. Để có kết quả chính xác, BS. Chí đã chỉ định bé đi siêu âm, nội soi, chụp CT, chụp động mạch… và  kết quả đúng như ông nghi ngờ: bé bị hội chứng động mạch mạc treo tràng trên hay còn gọi kìm mạch máu và cần phải phẫu thuật gấp để cứu bé.

BS. Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện, người trực tiếp phẫu thuật cho bé A. nói: “May mà còn phát hiện bệnh kịp và phẫu thuật cứu bé ngay, chứ để thêm thì bé có thể tử vong vì suy kiệt quá nặng. Hội chứng kìm mạch máu khá hiếm gặp, trong nhiều năm làm nghề tôi gặp khoảng gần chục ca. Gần đây, có năm gặp 1 ca, có năm không”.

Cẩn thận với bệnh hiếm gặp

Hội chứng kìm mạch máu là tình trạng động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên ép sát vào nhau, đè lên tá tràng khiến đường vào dạ dày bị tắc. Tình trạng này khiến bệnh nhân ăn vào là đau đớn, do thức ăn đi đến tá tràng là trào ngược trở lại, gây nôn ói.

Tuy đây là bệnh hiếm, ít gặp nhưng các bác sĩ cho rằng đáng lo ngại bởi rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày, viêm tá tràng, biếng ăn… cũng như dễ khiến các bác sĩ chẩn đoán nhầm những bệnh về tiêu hóa. Sự chậm trễ trong chẩn đoán hội chứng này, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng cấp gây tử vong, mất nước, thiểu niệu, hạ kali máu, vỡ dạ dày cấp tính hoặc thủng ruột (do thiếu máu mạc treo tràng trên kéo dài), xuất huyết tiêu hóa tự phát đường tiêu hóa trên, sốc giảm lưu lượng máu, viêm phổi sặc, hoặc trụy tim mạch đột ngột.

Cũng vì khó chẩn đoán nên bé A. dù đi khám và nằm viện ở nhiều bệnh viện lớn nhưng vẫn không tìm ra bệnh, đến khi vào Bệnh viện Nhi đồng 1 thì  phải ngồi xe lăn, ói ra mật vàng, bị dãn bể thận và tiểu ra máu… “Lẽ ra, chúng tôi còn phải chờ thêm một kết quả xét nghiệm nữa mới phẫu thuật, nhưng bệnh nhi suy kiệt quá nặng, lại thêm mạch máu đã đè lên trên, gây tắt tá tràng, kẹp luôn tĩnh mạch thận khiến cháu đi tiểu ra máu”, ông Hiếu nói. Theo đó, nếu kéo dài thêm có thể nguy hiểm đến tính mạng cháu bé. Vì vậy, bệnh viện phẫu thuật sớm bằng kỹ thuật bắt cầu động mạch, nối động mạch phía dưới và trên chỗ tắt để khai thông tá tràng. Hiện nay, sau 10 ngày phẫu thuật, bé A. không còn đau bụng, đã ăn được và đi tiêu tiểu bình thường, cân nặng đã tăng lên.

Theo BS. Chí, bệnh này có thể gặp do bẩm sinh (nhưng nếu bẩm sinh thì sẽ xuất hiện bệnh lâu), bệnh còn xuất hiện ở người bị suy dinh dưỡng, người bị liệt nằm lâu một chỗ, người bị biến dạng cột sống… Nếu có những dấu hiệu đau bụng, bụng trương cứng, buồn nôn, ói mửa ngay khi vừa ăn vào, mỗi lần đau bụng thì đau dồn dập phải cúi gập, gồng cứng người, thể trạng ngày một gầy gò, gù vẹo hoặc ưỡn cột sống, sụt cân nhanh chóng, không đi tiêu được thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa ngay để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối