Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Mách bạn tất tần tật những dịch vụ thú vị ở lễ hội Tết Việt 2020

(SGTTO) - Ngoài chụp ảnh với đường hoa mai rực rỡ, khách tham quan có thể xin chữ đầu năm, vẽ chân dung, mua tranh 3D, ăn uống và mua sắm ở lễ hội Tết Việt diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TPHCM.

Lễ hội tết Việt diễn ra từ ngày 9 đến 29-1-2020 (từ ngày 15 tháng Chạp đến Mùng 5 Tết). Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu những dịch vụ thú vị mà bạn có thể trải nghiệm tại đây, như dịch vụ cho thuê áo dài và thợ chụp ảnh, phục vụ nhu cầu của lưu lại khoảnh khắc du xuân của du khách khắp nơi.

Cho thuê áo dài chụp ảnh

Chỉ cần đến lễ hội Tết Việt, khách tham quan có thể tự tạo ngay một bộ ảnh xuân ở bất cứ góc nào, hoàn toàn miễn phí. Ngoài đường mai vàng và phố ông đồ, năm nay lễ hội tết Việt đặc biệt thiết kế thêm tiểu cảnh bốn làng nghề, gồm làng gốm, làng mây, làng hương và làng lụa để du khách có thêm nhiều không gian chụp ảnh.

Đường mai vàng rực rỡ tại lễ hội Tết Việt. Ảnh: Yến Nhi.
Khách tham quan chụp ảnh tại tiểu cảnh làng lụa. Ảnh: Yến Nhi.
Đến phố ông đồ chụp ảnh xuân lung linh, không lo bị thu phí. Ảnh: Yến Nhi
Du khách có thể thuê áo dài với giá 100.000 đồng trong hai giờ để chụp ảnh tại chỗ. Ảnh: Yến Nhi.
Áo dài trẻ em có giá thuê là 50.000 đồng. Ảnh: Yến Nhi.

Bên trong Nhà văn hóa Thanh Niên còn có sẵn dịch vụ thuê áo dài với giá 100.000 đồng/bộ cho người lớn và 50.000 đồng/áo dài trẻ em. Áo dài thuê có giá trị sử dụng trong hai giờ đồng hồ. Nếu khách tham quan muốn có bộ ảnh chất lượng, nơi thuê áo dài cũng có sẵn dịch vụ chụp ảnh với giá 300.000 đồng/bộ ảnh, không hỗ trợ in ảnh.

Ngoài cho thuê áo dài, dịch vụ còn có tổ chức chụp hình với giá 300.000 đồng mỗi bộ ảnh. Ảnh: Yến Nhi.

Ngoài thợ chụp tại nơi thuê áo dài, trong không gian lễ hội cũng nhiều thợ chụp tự do. Tuy nhiên, du khách lưu ý hỏi kỹ giá cả, cách thức nhận ảnh và thanh toán để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Chữ thư pháp: Chỉ từ 15.000 đồng

Phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh Niên là nơi quy tụ nhiều nghệ nhân thư pháp hằng năm. Hoạt động này được rất nhiều người hưởng ứng như một nét đẹp văn hóa nhân dịp năm mới.

“Cô đồ” trẻ tuổi thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan. Ảnh: Yến Nhi.

Ông đồ tại lễ hội Tết Việt nhận cho chữ trên nhiều hình thức: bao lì xì, đồ trang trí cây mai, quạt, đĩa sứ trang trí, câu đối đỏ, trống gỗ. “Bà đồ” ở một gian hàng nói: “Giá tiền này chủ yếu là tiền giấy với công dán thôi, còn chữ thì coi như cho khách hàng chứ không tính ra tiền được”.

Giá bao lì xì có viết chữ từ 10.000 – 20.000 đồng (cả bao và chữ) tùy gian hàng. Bao lì xì giấy đỏ sẽ được vẽ và viết chữ theo yêu cầu của khách hàng, giá vẫn giữ nguyên không tăng theo số lượng chữ hay chi tiết vẽ.

Giá bao lì xì có viết chữ từ 10.000 – 20.000 đồng (cả bao và chữ) tùy gian hàng. Ảnh: Yến Nhi.

Theo quan sát của SGTT Online, đa số du khách chọn xin chữ lên bao lì xì vì giá tiền rẻ và có ý nghĩa trong dịp tết. Một khách hàng nữ, người đến từ Hà Nội xin viết 10 bao lì xì, cho biết chị xin chữ lên bao lì xì để tết này biếu bố mẹ và lì xì các con, các cháu họ hàng gần: “Bao lì xi mua sẵn thì đại trà. Tôi mua bao lì xì có chữ viết theo ý mình như vậy dành tặng những người thân thiết nhất, thể hiện được tình cảm riêng của mình”.

Mua đồ trang trí tết, viết chữ lên quạt vải

Các loại đồ treo trang trí cây mai, đào tết bằng giấy được viết chữ thư pháp với giá bán chỉ khoảng 10.000 – 25.000 đồng với nhiều hình dáng. Viết chữ lên quạt vải thông thường có giá 50.000 đồng/quạt, quạt vải gấm 80.000 đồng/quạt. Do có độ phức tạp và phải sử dụng khổ giấy bền hơn, khách hàng phải chi trả khoảng 150.000 – 200.000 đồng cho mỗi cặp quạt.

Trống gỗ có viết chữ thư pháp có giá 25.000 - 40.000 đồng. Đĩa sứ kèm chữ ông đồ là sản phẩm có giá khá cao: 200.000 – 400.000 đồng nhưng có thể sử dụng lâu dài.

Đồ trang trí cây mai bằng giấy, viết chữ thư pháp theo yêu cầu, giá từ 10.000 – 25.000 đồng. Ảnh: Yến Nhi.
Trống gỗ viết chữ làm quà tặng cho trẻ em, giá 25.000 - 40.000 đồng. Ảnh: Yến Nhi.
Những tấm thiệp lộc in sẵn để làm quà dịp đầu năm. Ảnh: Yến Nhi.
Đĩa sứ kèm chữ ông đồ là sản phẩm có giá khá cao: 200.000 – 400.000 đồng, có thể dùng làm đồ trang trí trong nhà. Ảnh: Yến Nhi.
Vẽ chân dung, vẽ hoạt hình chibi

Những gian hàng vẽ chân dung, vẽ chibi cũng được đặt ở nhiều nơi trong lễ hội. Chỉ trong 15 phút, du khách sẽ có ngay ảnh vẽ chân dung tại chỗ, với giá từ 100.000 đồng. Chi phí vẽ hình chibi từ 30.000 đến 50.000 đồng. Người vẽ còn có thể phác họa chân dung hoặc hình chibi từ ảnh chụp.

Gian hàng vẽ chân dung ở phố ông đồ, hướng giáp mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Yến Nhi.

Ngoài ảnh chân dung và chibi, những tấm bưu thiếp vẽ tay theo yêu cầu cũng là sản phẩm mà du khách có thể tìm mua tại phố ông đồ. Giá vẽ bưu thiếp khoảng 20.000 – 30.000 đồng/tấm tùy theo kích cỡ.

Các gian hàng vẽ chân dung tập trung ở khu vực đường mai vàng. Ảnh: Yến Nhi.
Mua sắm đồ trang trí, quần áo

Nhiều mặt hàng đồ trang trí nhà cửa tinh xảo, nghệ thuật được bày bán tại khu vực phố ông đồ. Đồ trang trí cây mai, tranh cá 3D, đồ gốm, quả dừa viết chữ thư pháp, tranh treo tường mạ vàng… là những sản phẩm mà khách tham quan có thể tìm mua tại đây. Các gian hàng đồ lưu niệm chủ yếu tập trung ở phố ông đồ, giáp với đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Móc khóa, thước gỗ khắc tên riêng. Ảnh: Yến Nhi.
Dừa trang trí tết. Ảnh: Yến Nhi.
Tranh cá 3D là vật phẩm tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao, có giá khoảng 400.000 đồng/chén gỗ. Ảnh: Yến Nhi.

Ngoài đồ trang trí nhà cửa, những món quà lưu niệm dành cho ngày tết cũng được bày bán với giá bán chỉ từ 15.000 đến 50.000 đồng. Móc khóa, thước kẻ gỗ khắc tên theo yêu cầu có giá bán khoảng 20.000 – 30.000 đồng. Những tấm (thiệp) lộc may mắn in sẵn những lời chúc năm mới được bán theo bộ (10 tấm) có giá bán là 50.000 đồng.

Để phục vụ thêm nhu cầu mua sắm dịp cuối năm, phía sau lễ hội (bên cạnh khu vực giữ xe) còn có hội chợ The Box Market để du khách mua sắm quần áo, phụ kiện với giá cả phải chăng.

Mua sắm quần áo tết tại hội chợ gần khu vực giữ xe. Ảnh: Yến Nhi.
Thưởng thức những món ăn đường phố

Du khách đến lễ hội Tết Việt có thể thưởng thức ẩm thực đường phố xung quanh khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên (khu vực hội chợ và bên cánh phải sân khấu chính). Với mức giá chỉ từ 25.000 đồng, các loại đồ nướng, kem, bánh, các loại đồ chiên, trà sữa, trà chanh, súp cua, bánh canh… sẵn sàng phục vụ du khách trong ngày vui chơi tại lễ hội.

Chủ yếu là các món ăn nhanh, đồ chiên. Ảnh: Yến Nhi.
Bánh từ gian hàng của thương hiệu cà phê Phin Xanh. Ảnh: Yến Nhi.
Cơm lam ăn kèm thịt nướng: 70.000 đồng/suất. Ảnh: Yến Nhi.
Kem cá ngộ nghĩnh. Ảnh: Yến Nhi.

Món hotdog từ ẩm thực đường phố Hàn Quốc. Ảnh: Yến Nhi.
Cơm cuộn nhiều màu sắc. Ảnh: Yến Nhi.

Để việc di chuyển được thuận tiện, khách tham quan có thể gửi xe tại hai địa điểm: sân sau Nhà văn hóa Thanh niên và nhà giữ xe khu vực hồ Con Rùa. Thời điểm phù hợp nhất để chụp ảnh và tham quan là khoảng 8g – 10g sáng và từ 15g – 17g chiều. Tuy nhiên, do lượng khách thường xuyên đông đúc, du khách cần lưu ý chọn vật dụng mang theo gọn nhẹ để thuận tiện bảo quản tài sản.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối