Thông tin tích cực về thử nghiệm vắc-xin ngừa SARS-CoV-2, virus gây đại dịch Covid-19 chưa đủ làm giới kinh doanh du lịch thở phào. Nhiều người nhận định, tuy đã có một số đối tác hỏi tour đến Việt Nam nhưng phải đến khi vắc-xin được tiêm đại trà thì mới mong du khách quốc tế trở lại.
- Việt Nam sẽ tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 từ ngày 17-12
- Du lịch khó sống sót nếu cứ phải đóng băng chờ đợi vắc-xin
- Triệu cách xoay xở chờ… du khách
Tour cho khách quốc tế tiếp tục hoãn, hủy
Thông tin vui về việc Việt Nam và một số nước bắt đầu thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 không đem lại chuyển biến tích cực cho mảng du lịch quốc tế. Trao đổi với TBKTSG Online, tuy một số doanh nhân cho biết đã có vài đối tác nước ngoài hỏi thông tin, đề nghị báo giá cho tour đến Việt Nam nhưng thời điểm nối lại thị trường vẫn còn bỏ ngỏ. Thậm chí, tại nhiều công ty, đối tác tiếp tục báo hủy tour cho năm sau.
"Tour lại phải hoãn tiếp thêm 6 tháng nữa. Như vậy, tour đến Việt Nam sẽ hủy liên tục trong vòng 18 tháng vì Covid-19", ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công ty Transtravel, công ty chuyên thị trường Pháp nói.
Những người đứng đầu công ty này từng kỳ vọng, tour cho khách Pháp có thể nối lại tour từ tháng 9 năm nay nhờ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh. Du khách sẽ sớm lên đường dù phải có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 nhưng diễn tiến dịch bệnh thất thường trên thế giới đã thay đổi mọi dự tính.
"Sau 18 tháng mà khách vẫn chưa thể đi du lịch được thì có thể sẽ hủy tour", ông Hà nói.
Hồi đầu dịch, ngành du lịch từng tính đến việc "sống chung" với dịch bằng các mô hình như tạo hành lang đi lại giữa những điểm đến an toàn, cho du khách đến những vùng du lịch an toàn. Tuy nhiên, hiện tại không còn nhiều người nghĩ đến mô hình này sau các đợt bùng phát dịch gần đây cùng với những thử nghiệm không mấy thành công của một vài mô hình đón khách quốc tế như ởThái Lan.
"Phải có vắc-xin và người dân được tiêm ngừa rộng rãi thì mới tạo được bước ngoặt lớn cho việc nối đường bay, mở cửa biên giới, giúp du lịch trở lại", ông Phạm Hà, CEO của Lux Group, nói.
Tại công ty này, du khách quốc tế vẫn tiếp tục hoãn, hủy tour đến Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi một số nước thông tin về việc thử nghiệm vaccine, đã có đối tác yêu cầu báo giá sỉ cho mùa du lịch mới vào nửa cuối năm 2021, đầu năm 2022.
"Có đối tác ở thị trường như Anh và Đức đã đặt một số đơn hàng vào cuối 2021 nhưng chúng tôi chưa thể kỳ vọng gì nhiều vào việc này. Chỉ khi vaccine được tiêm đại trà, du khách không phải cách ly thì họ mới đi", ông nói.
Duy trì trạng thái "đóng băng"
Cả nước có khoảng 2.700 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng phần lớn trong số này đã phải tạm ngừng hoạt động. Với những công ty vẫn còn có thể mở cửa nhờ vào nguồn quỹ mạnh hoặc nhờ chuyển sang thị trường nội địa thì cũng còn lâu mới có thể vận hành như bình thường. Phần lớn nhân viên du lịch chưa được đi làm trọn thời gian.
Ông Trần Xuân Hùng, Chủ tịch Công ty Du lịch Viking, cho biết tuy có kinh nghiệm khai thác mảng du lịch nội địa nhưng hiện công ty vẫn không thể hoạt động bình thường nhờ vào thị trường này.
"Sức mua thấp, cạnh tranh gay gắt nên làm tour đại trà, tour mùa vụ như mùa Tết gần như rất khó kiếm lời. Chúng tôi hiện chỉ làm một số tour cho khách hàng doanh nghiệp", ông nói.
Nhiều doanh nhân khác cũng cho biết thông tin tương tự, cho rằng tất cả những mảng như tour cho khách Việt hay dịch vụ cho cho khách nước ngoài ở tại Việt Nam đều rất "khó nhằn" trong bối cảnh hiện tại. Trong đó, du lịch từng kỳ vọng có thể thu hút một lượng khách hàng lớn là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam nhưng thực tế lại không nhận được bao nhiêu khách.
"Chúng tôi đã tiếp cận khách hàng từ cuối tháng Ba, khi mảng du lịch quốc tế tạm đóng nhưng cho đến thời điểm này chỉ nhận được một vài yêu cầu đặt dịch vụ lẻ", giám đốc một công ty du lịch tại quận 1 nói và cho biết có thể là những khách hàng này cũng phải cắt giảm chi tiêu vì đại dịch và do số lượng người nước ngoài tại Việt Nam đang ít đi. Hiện tại, công ty này chỉ hoạt động cầm chừng.
Thông tin tại hội nghị do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức vào tuần này cũng cho thấy nhận định của doanh nhân trên là có cơ sở. Theo đó, số người nước ngoài cư trú tại TPHCM hiện chỉ còn khoảng 60.000 người, giảm khoảng 50% so với những năm trước và đang có chiều hướng tiếp tục giảm.
Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nhân buộc phải chọn cách tiếp tục duy trì trạng thái "đóng băng" để giảm thiểu thiệt hại. Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Indochina Unique Tourist cho biết, vừa phải đề nghị nhân viên nghỉ việc vì không thể kham nổi chi phí.
"Chúng tôi dự tính là có thể đón khách trở lại vào cuối năm nay nhưng với tình hình hiện tại thì sớm nhất cũng phải đến tháng Sáu năm sau", ông nói.
Hồi tháng Tư, doanh nhân này quyết định tạm đóng cửa công ty để tiếp kiệm chi phí nhưng vẫn chuẩn bị nguồn quỹ để trả lương cho nhân viên đến hết năm nay. Đến nay, nguồn quỹ này đã gần như cạn nhưng con đường để quay lại thị trường thì vẫn còn rất xa cho nên doanh nghiệp buộc phải chọn cách "đóng băng" hoàn toàn.
Đào Loan