Thảo Nguyên -
Thị trường chứng khoán những ngày đầu năm 2017 đã chứng kiến sự tăng trưởng khá mạnh mẽ, chỉ số VN-Index đã vọt lên trên 700 điểm, sau 8 năm mất mốc này. Giao dịch cũng rất sôi động với giá trị lên đến vài ngàn tỉ đồng mỗi phiên. Trong năm nay, theo các chuyên gia chứng khoán, thị trường sẽ còn có những cơ hội lớn cho nhà đầu tư song rủi ro cũng không nhỏ.
Những yếu tố thuận lợi
Bức tranh kinh tế vĩ mô 2016 tiếp tục ổn định. Tăng trưởng GDP 2016 đạt 6,21% thấp hơn mục tiêu chủ yếu là do thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát tốt, hoàn thành mục tiêu đã đề ra là dưới 5%. FDI đăng ký và giải ngân đạt mức cao kỷ lục trong khi đó cán cân thương mại đạt thặng dư 2,6 tỉ đô la Mỹ là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì cán cân thanh toán. Năm 2017 được dự báo tiếp tục ổn định, tăng trưởng GDP ước tăng khoảng 6,5%-6,7%, lạm phát có khả năng đạt dưới 4%.
Mục tiêu lạm phát cho cả năm 2017 được đề ra là dưới 4%. Nhìn chung thì mục tiêu này là tương đối thách thức, mặc dù vậy, nếu các chính sách điều hành khéo léo hơn trong việc quản lý giá cả các nhóm hàng do Nhà nước quản lý thì mục tiêu trên không phải là không khả thi.
Năm 2016 là năm tương đối thành công ở khía cạnh thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm, đạt 20,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, vốn FDI giải ngân trong năm nay ước tính đạt 15,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 9% so với năm 2015. Đây là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay, có thể kể đến những dự án lớn được cấp phép như Samsung R&D, LG Display Hải Phòng, LG Innotek Hải Phòng, Seul Semiconductor Vina...
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, nếu như thị trường chứng khoán năm 2016 đã trôi qua khá “êm ả” thì 2017 có thể sẽ chứng kiến nhiều “sóng và gió” hơn đáng kể. Cụm từ được phù hợp để nói về thị trường chứng khoán Việt Nam 2017 là “cơ hội lớn hơn đi kèm rủi ro ở mức cao hơn”.
Năm 2017 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chứng kiến những cơ hội mới chưa từng có trong những năm trước đó. Đó là sự lên sàn ồ ạt của những tên tuổi mới, đại diện lớn hơn cho những ngành nghề then chốt trong nền kinh tế, và thậm chí là đại diện cho những ngành chưa từng có công ty nào niêm yết trên thi trường.
Sự sôi động được tạo ra vào cuối năm 2016 tại những công ty lớn vừa niêm yết như Bia Sài Gòn Sabeco (SAB), Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Bia Hà Nội (BHN), Đường Quảng Ngãi (QNS), Novaland (NVL). Xu hướng này sẽ còn sôi động hơn rất nhiều khi ở năm 2017 sẽ có thêm nhiều công ty lớn niêm yết trên sàn như Vietjet, Vietnam Airlines Trường Hải, Petrolimex...
Cơ hội cũng sẽ đến từ hoạt động thoái vốn tiếp tục của Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC), vốn được dự báo sẽ thúc đẩy nhanh hơn rất nhiều trong năm 2017.
Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng cơ hội cũng sẽ đến từ chính sự phát triển trong nội tại nền kinh tế Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu của Việt Nam, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, tiêu dùng tăng cao... đang tạo ra thêm những “phần bánh” hấp dẫn cho các nhóm ngành, các doanh nghiệp gắn chặt với các biến chuyển này.
Rủi ro cũng khó lường hơn
Cơ hội rất nhiều, nhưng thị trường trong năm 2017 cũng sẽ đối mặt với mức độ rủi ro lớn hơn đáng kể so với năm 2016.
Theo Maybank Kim Eng, rủi ro đầu tiên chính là “tính bất định” về kinh tế chính trị thế giới trong năm 2017. Việc Hoa Kỳ lựa chọn ông Donald Trump làm tân tổng thống khiến mọi suy đoán về các quyết sách của Hoa Kỳ về kinh tế và chính trị đều trở nên khó đoán định hơn rất nhiều. Xét đơn thuần về kinh tế, chủ trương bảo hộ mạnh hơn nền kinh tế nội địa Hoa Kỳ, phản đối các hiệp định tự do thương mại và kêu gọi dòng vốn quay trở lại Hoa Kỳ rõ ràng sẽ tạo ra rủi ro đáng kể cho nhóm thị trường các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam).
Việc thực thi chính sách nâng dần lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) cũng có thể tạo ra những xáo trộn đáng kể cho thị trường toàn cầu. Thông báo gần nhất trong tháng 12 của Fed đã cho thấy dự tính của tổ chức này sẽ có đến 3 lần tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2017 và điều này được cho có phần “vượt trên kỳ vọng” của thị trường. Rủi ro về sự chuyển dịch của dòng vốn trở lại Hoa Kỳ là một trong các vấn đề đáng quan ngại nhất khi nói về nhóm các thị trường mới nổi trong năm 2017.
Riêng nền kinh tế Việt Nam, vị giám đốc điều hành quỹ đầu tư nói trên cho rằng việc cần duy trì một mức tăng trưởng GDP 6,7% khá thách thức trong bối cảnh ngân sách bị hạn chế do nợ công bị giới hạn mức trần và các nghĩa vụ trả nợ ở mức cao hơn trong năm 2017. Chính sách tài khóa do đó bị hạn chế đáng kể vai trò trong năm 2017 và sẽ phụ thuộc lớn vào tiến độ cổ phần hóa thêm các doanh nghiệp nhà nước cũng như bán giảm phần vốn tại các công ty đang niêm yết.
Với chính sách tiền tệ, dư địa cho việc mở rộng cũng không còn quá nhiều như các năm trước đó khi mặt bằng lãi suất gần như đã tạo đáy trong năm 2016 và giá cả hàng hóa nguyên nhiên vật liệu đang có khả năng tăng mạnh hơn trong năm 2017, qua đó gây sức ép nhất định lên vấn đề lạm phát và có thể hạn chế một phần mức độ mở rộng của chính sách tiền tệ.
Vì vậy nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lời trên thị trường chứng khoán trong năm 2017, tuy nhiên việc cần làm vẫn là lựa chọn những cổ phiếu của các doanh nghiệp làm ăn tốt, mức tăng chưa nhiều. Đồng thời không nên chọn các cổ phiếu đơn thuần đầu cơ, bởi rủi ro từ sự tăng, giảm của các cổ phiếu đầu cơ là rất khó lường.